“Các trường THPT của Việt Nam không có thời gian để hướng nghiệp cho học sinh. Mặt khác họ cũng không biết cách làm như thế nào”- TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định.
Học sinh lớp 12 rất cần được hướng nghiệp một cách bài bản trước khi rời ghế trường THPT. Ảnh: Nghiêm Huê.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu thực tế, hiện nay các trường THPT gặp khó khăn khi hướng nghiệp cho học sinh. Vì mọi kiến thức trang bị cho học sinh là để thi, không phải để các em biết sau này sẽ chọn ngành gì, hay làm gì. “Các trường THPT của Việt Nam không có thời gian để hướng nghiệp cho học sinh. Mặt khác họ cũng không biết cách làm như thế nào” - TS Tùng Lâm nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đưa ra khó khăn đến từ phía học sinh. Hiện nay không ít học sinh học rất bị động, bị động trong cả việc chơi. Thậm chí nhiều em còn không biết làm việc gì, bố mẹ, thầy cô đẩy đi đâu theo đấy, sống rất “nhạt”.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Tùng Lâm, nhiều giáo viên phổ thông đều nhìn thấy rõ việc hướng nghiệp sớm cho học sinh là cần thiết. Không ít giáo viên chủ nhiệm ở Hà Nội khi đề cập đến “hướng nghiệp sớm” đều đồng tình, nhưng tất cả họ cho rằng rất khó làm vì vướng nhiều thứ: kinh phí không có, chương trình học quá nặng, áp lực thi cử rất nhiều, nên không ai dại gì lo hướng nghiệp với trải nghiệm. Với các hiệu trưởng, xin tiền phụ huynh là việc rất nhạy cảm, thậm chí rủi ro, vì chỉ cần một phụ huynh không đồng ý nhưng không trao đổi với nhà trường mà sử dụng kênh khác để phản ánh thì sự việc sẽ bị hiểu theo nghĩa tiêu cực.
Trong khi đó, năm 2006, chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được ban hành, bắt đầu từ lớp 9 với 27 tiết/năm học, tức cứ 1 tháng học sinh được học 3 tiết. Đến năm 2008, thời lượng hướng nghiệp bị cắt xuống còn 1 tiết/tháng. Thay vào đó, sẽ tích hợp hướng nghiệp vào các môn học khác có liên quan. Nhưng tích hợp như thế nào thì không có hướng dẫn cụ thể, mà tùy thuộc vào từng trường thực hiện. Như vậy, thời lượng cho hướng nghiệp đã ít lại còn bị cắt bớt từ chính chương trình chung của Bộ GD&ĐT.
Lựa chọn đúng vẫn còn hiếm hoi
Gặp Nguyễn Đăng Minh, sinh viên năm thứ nhất khoa Điện công nghiệp, trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội tại xưởng thực hành của trường. Minh là một trong hai sinh viên xuất sắc của khoa Điện công nghiệp đang luyện tập để chuẩn bị cho những kỳ thi tay nghề cấp thành phố, cấp Bộ, cấp quốc gia, cấp ASEAN của trường thời gian tới. Em cho biết, năm 2017, không chọn đại học (ĐH) mà chọn CĐ vì được sự tư vấn của cô giáo chủ nhiệm và bố mẹ. Cộng với đó là niềm yêu thích ngành điện nên em đã lựa chọn học CĐ nghề. Một phần do chăm chỉ nhưng cũng một phần nhờ “năng khiếu” nên Minh đã lọt vào “mắt xanh” của thầy Nguyễn Quang Huy, một chuyên gia hàng đầu về công nghệ nhà thông minh, giảng viên của trường. Đến giờ Minh hài lòng với lựa chọn của mình.
Cô Vũ Thị Tuyết, hiệu trưởng trường THPT Vũ Ngọc Phan, huyện Bình Giang, lặn lội từ dưới Hải Dương lên trường CĐ Cơ điện Hà Nội để tìm hiểu xem môi trường học tập ở đây thế nào, liệu địa chỉ này có phải là “đầu ra” của trường hay không.
“Học sinh của trường THPT Vũ Ngọc Phan hàng năm có em học ĐH, có em học CĐ, có em đi du học. Là hiệu trưởng, tôi cũng muốn nghiên cứu xem có gì mới để tư vấn, định hướng cho các em lựa chọn ngành, nghề hợp lý hơn”- cô Tuyết chia sẻ.
Cô Tuyết cũng nêu ra thực tế, tại các tỉnh lẻ như trường THPT Vũ Ngọc Phan, học sinh không có nhiều thông tin. Các em thường theo xu hướng đám đông nên nhiều em chọn nhầm trường, nhầm ngành, khi học xong ra trường không có việc làm. “Nhiều em thấy các anh chị lớp trước đi du học mình cũng xin đi du học bằng được. Thấy các anh chị đi làm ở các công ty cũng xin đi làm ở các công ty. Do đó, tôi muốn các trường ĐH, CĐ về với trường để giới thiệu cho các em về ngành nghề đào tạo”- cô Tuyết nói.
Cô Tuyết cũng thông tin, qua thăm dò 153 học sinh lớp 12 của trường, kết quả có khoảng 30% các em lựa chọn đi du học (học nghề hoặc học ĐH), trên 20% lựa chọn ĐH. Số còn lại còn đang băn khoăn chưa có lựa chọn rõ ràng.
Ông Lê Ngọc Hoàn, giám đốc trung tâm tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cho biết thời gian gần đây, các trường ĐH thường tổ chức tại các trường THPT để tư vấn việc chọn ngành, chọn nghề cho học sinh. Tuy nhiên, năm nay, có hiệu trưởng trường THPT đã gọi điện đến trung tâm của ông để mời về trường tư vấn cho học sinh của mình. “Như vậy, lãnh đạo các trường phổ thông cũng đã có tư tưởng “mở” hơn đối với giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Nhưng số lãnh đạo như thế chưa nhiều” - ông Hoàn cho hay.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong