Để được đánh giá đạt năng lực ngoại ngữ, giáo viên tiểu học cần có chứng chỉ bậc 1, giáo viên THCS, THPT cần bậc 2 theo khung 6 bậc.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam thế nào
Ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông áp dụng với giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông; giáo viên dạy chương trình THCS, THPT tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và giáo viên đang dạy tại trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, trường Hữu Nghị T78, Hữu nghị 80 và trường dự bị đại học.
Chỉ cần có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1/6 là đạt
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông dự kiến có 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí về phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; nghiệp vụ sư phạm; năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ; và năng lực xây dựng các quan hệ xã hội.
Giáo viên cần đạt 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Ảnh minh họa: HH
Mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung theo 4 mức (đạt, khá, tốt và không đạt) dựa trên báo cáo tự đánh giá, các minh chứng và ý kiến khảo sát từ đồng nghiệp.
Ví dụ tiêu chí về năng lực ngoại ngữ dùng để đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Với giáo viên tiểu học, để được đánh giá là đạt, họ chỉ cần biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc ở mức cơ bản và chứng minh bằng cách có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc giấy xác nhận trình độ ngoại ngữ đạt bậc 1 theo quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Bộ Giáo dục ban hành hoặc các chứng chỉ tương đương.
Để đạt loại khá, họ phải sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc để khai thác thông tin phục vụ cho hoạt động dạy học và giáo dục. Minh chứng được công nhận là chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc xác nhận trình độ ngoại ngữ đạt mức 2/6 và phiếu dự giờ, biên bản sinh hoạt chuyên môn hoặc biên bản họp hội đồng sư phạm. Và giáo viên tiểu học chỉ cần có thêm báo cáo, bài báo hay sáng kiến được đăng tải thể hiện nội dung mức độ đạt được là sẽ được đưa lên loại tốt.
Với giáo viên THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và giáo viên trường trực thuộc Bộ, các minh chứng về năng lực ngoại ngữ tương tự giáo viên tiểu học nhưng yêu cầu về bậc năng lực ngoại ngữ cao hơn. Cụ thể, giáo viên được đánh giá đạt và khá phải có trình độ ở mức 2/6, giáo viên được đánh giá tốt phải có chứng chỉ xác nhận trình độ 3/6.
Danh sách giáo viên đạt chuẩn sẽ được công khai
Theo định kỳ hàng năm, giáo viên phải tự rà soát, đánh giá theo chuẩn vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhà trường sẽ tổ chức đánh giá định kỳ 3 năm một lần.
Về quy trình, hiệu trưởng các trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch đánh giá giáo viên theo chuẩn và thành lập hội đồng đánh giá. Số lượng thành viên hội đồng từ 5 người trở lên.
Hội đồng đánh giá sẽ lần lượt lấy ý kiến của các bên liên quan như báo cáo tự đánh giá của giáo viên, ý kiến khảo sát của đồng nghiệp, tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp. Sau đó, hội đồng có nhiệm vụ tổng kết lại, kiểm tra minh chứng để đánh giá mức đạt theo từng tiêu chí và mức đạt chung.
Hoàn thành các bước trên, hội đồng đánh giá sẽ gửi kết quả cho giáo viên, trao đổi với họ nếu có những điểm khác biệt. Kết quả cuối cùng do Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng đánh giá quyết định và dựa trên minh chứng. Mọi kết quả đạt chuẩn sẽ được báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và danh sách giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp sẽ được công khai.
Dự thảo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông sẽ được xin ý kiến góp ý đến hết ngày 25/5.
>>Xem toàn bộ nội dung dự thảo
Theo Dương Tâm/VnExpress