Đi học về giày dép quăng ngay cửa, học bài xong ném sách bút mỗi thứ một nơi... tật cẩu thả của con trẻ khiến nhiều bà mẹ ức chế.
Cha mẹ kiên trì hướng dẫn, con sẽ học được tính ngăn nắp - Ảnh: Pd4Pic Clipart
"Ông con nhà mình 7 tuổi mà cực kỳ cẩu thả, lần nào học bài cũng sách vở một đằng, bút thước một nẻo, đến lúc đi học lại la toáng lên sách con đâu, bút con đâu", chị Lan Chi (Biên Hòa, Đồng Nai) than thở.
Chị cho biết cảm thấy ức chế và bế tắc vì đã dạy con rất tận tình, cháu cũng lắng nghe chăm chú nhưng rốt cục đâu lại vào đó.
"Viết chữ thì như gà bươi, tẩy xóa lung tung, nhem nhuốc cả vở. Đi học về ngày nào áo quần cũng lôi thôi lếch thếch, tay chân dơ bẩn, nhìn không ra con mình", chị ngao ngán.
Gặp phải đứa trẻ như thế, cha mẹ nên làm thế nào?
Giải thích cho con hiểu lợi ích của tính gọn gàng
Cha mẹ hãy cho trẻ cảm nhận và trải nghiệm những lợi ích trong cuộc sống do tính gọn gàng, ngăn nắp mang lại. Mỗi khi trẻ mắc lỗi luộm thuộm, cha mẹ cố gắng giải thích cho bé hiểu nếu biết ngăn nắp hơn thì con sẽ đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều và được tạo được ấn tượng tốt với nhiều người.
"Mưa dầm thấm sâu", trẻ sẽ dần dần hiểu được và có hứng thú để tự giác rèn tính ngăn nắp, gọn gàng.
Làm gương cho con
Mỗi hành động của cha mẹ đều là tấm gương phản chiếu trực tiếp nhất đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Do đó cha mẹ hãy mẫu mực, tự mính ngăn nắp trước để con học theo. Nếu cha mẹ hay vứt đồ lộn xộn, chắc chắn trẻ sẽ bắt chước.
Kiên trì
Rèn một thói quen tốt vốn tốn nhiều thời gian và công sức. Để khắc phục một thói quen xấu, thay vào đó một thói quen mới càng tốn công hơn.
Cha mẹ cần nhớ con trẻ không phải là người lớn thu nhỏ lại, đừng yêu cầu trẻ phải sống theo tiêu chuẩn của người lớn. Thay vào đó hãy đồng cảm với trẻ.
Hầu hết các bé đều muốn "ghi điểm" với cha mẹ bằng những hành động đẹp. Tuy nhiên, trẻ thường rất tò mò, hiếu động, chúng khó có thể kiên trì để tập trung làm đi làm lại một việc quá quen thuộc.
Có rất nhiều đứa trẻ học tập xong đều biết dọn sách vở, nhưng chỉ vèo cái là xong bởi trẻ đang háo hức chuyển sang một đề tài khác.
Trẻ học được tính kiên nhẫn, chịu khó, chúng sẽ khắc phục được thói bê tha, bất cẩn của bản thân.
Để cho trẻ "tự làm tự chịu"
Trẻ quăng sách vở bừa bãi? Cha mẹ cứ để trẻ tự tìm, cho dù phải trễ học. Sau vài lần mất thời gian, công sức để tìm được những thứ mình cần, trẻ sẽ rút ra bài học: nếu mình ngăn nắp thì sẽ không phải nhọc công như vậy.
Thưởng phạt rõ ràng
Mỗi khi trẻ có biểu hiện ngăn nắp, gọn gàng, cha mẹ nên khen ngợi, đặc biệt khi trẻ có sự tiến bộ rõ nét. Lời khen có giá trị tinh thần rất lớn, kích thích trẻ thêm tự tin và muốn làm tốt hơn nữa. Nếu có thể, thỉnh thoảng có những phần thưởng nho nhỏ cho bé để động viên.
Gia đình cũng cần trao đổi, đưa ra mức "xử phạt" liên quan đến việc rèn luyện tính ngăn nắp. Nếu trẻ hay bất cứ thành viên nào vi phạm, cần thực hiện nghiêm những quy định đã đưa ra.
Với việc thưởng phạt rõ ràng, công minh, trẻ sẽ thấy mình cần có trách nhiệm hơn.
ThS NGUYỄN VĂN CÔNG
Theo Tuổi trẻ