11
/
59031
Bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH: Giải pháp nào kiểm soát chất lượng đầu ra?
bo-diem-san-xet-tuyen-dh-giai-phap-nao-kiem-soat-chat-luong-dau-ra
news

Bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH: Giải pháp nào kiểm soát chất lượng đầu ra?

Thứ 2, 19/03/2018 | 09:15:07
425 lượt xem

Cùng với việc bỏ điểm sàn, nhiều giải pháp cũng được các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học đề xuất nhằm kiểm soát chất lượng đầu ra.

Trong Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2018 do Bộ Giáo dục - Đào tạo mới công bố thì điểm sàn là một quy định “mở” giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển đầu vào. Tuy nhiên, giải pháp nào để kiểm soát chất lượng đầu ra khi đầu vào được thả lỏng, vẫn đang là bài toán khó.

Tăng tự chủ, có tăng chất lượng?

Một điểm mới hoàn toàn ở dự thảo này là cho phép các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ nhóm trường đào tạo giáo viên). Đây là đề xuất từ nhiều năm nay của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi cho rằng, Bộ GD-ĐT can thiệp vào việc tuyển sinh của các trường, trái với quy định của Luật Giáo dục đại học.

Việc các trường tuyển sinh theo điều kiện gì sẽ do các trường tự căn cứ vào nhu cầu đào tạo của mình và chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT và xã hội về chất lượng đào tạo.

bo diem san xet tuyen dh giai phap nao kiem soat chat luong dau ra hinh 1

Việc thả lỏng điểm sàn đầu vào ĐH vẫn là bài toán khó (ảnh minh họa)

Từ nhiều năm nay các trường đã nhận thấy quy định điểm sàn không cần thiết và cần giao quyền cho các trường.

Thực tế tuyển sinh từ các năm trước cho thấy, điểm sàn Bộ GD-ĐT đặt ra đều ở mức 14-15 điểm, nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm.

Cùng với điểm sàn, thí sinh phải đủ điểm tốt nghiệp THPT (mỗi môn từ 5 điểm trở lên) mới được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Hai điều kiện này trùng nhau nên có thể bỏ quy định điểm sàn là cần thiết.

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT thì, xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH. Việc bỏ điểm sàn thể hiện quan điểm mới là học sinh tốt nghiệp phổ thông thì có quyền vào đại học.

Bỏ điểm sàn chính là từ bỏ rào chắn ấn định em này được vào đại học còn em kia không được vào. Thế nên rào cản đó đã không còn nhiều ý nghĩa, chưa nói điểm sàn do Bộ đưa ra đang ngày càng thấp...

Hiện nay thay vì dùng điểm sàn để hạn chế quyền của các thí sinh thì việc khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là đúng đắn. Do vậy, trường muốn tuyển ồ ạt thí sinh cũng sẽ không được phép...

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, nếu bỏ điểm sàn thì chất lượng đầu ra sẽ ra sao? TS. Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM băn khoăn: “Tự chủ là điều đương nhiên cần làm nhưng trong điều kiện thực tế nền giáo dục trong nước thì đây là bài toán khó trong việc quản lý chất lượng đào tạo. Đặc biệt, có những trường chỉ vì lợi nhuận, để thu hút nhiều người học thì giảm điểm chuẩn. Do vậy, một khi đã thả lỏng đầu vào thì chỉ còn cách kiểm soát chất lượng đầu ra”.

“Một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo chất lượng là các trường cần công khai minh bạch thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm... để cả xã hội cùng giám sát”.
 Ông Lê Trọng Thắng, giảng viên trường Đại học Mỏ - Địa chất.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) thì cho rằng, thực chất việc xây dựng điểm sàn của Bộ cũng không có cơ sở khoa học, nó chỉ để trấn an xã hội chứ không có ý nghĩa gì.

Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT làm nghiêm túc, đánh giá thực chất thì chỉ cần thi tốt nghiệp xong là thí sinh đủ tư cách học lên bậc cao hơn. Nhưng ở ta kỳ thi tốt nghiệp không nghiêm túc, tỷ lệ đỗ gần 100% khiến xã hội không tin tưởng. Vì vậy, muốn bỏ điểm sàn cần chấn chỉnh kỳ thi này cho nghiêm túc, không chạy theo thành tích. Ở những nước phát triển, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của họ chỉ khoảng 70%.

Công khai, minh bạch để xã hội giám sát

Cùng với việc bỏ điểm sàn, nhiều giải pháp cũng được các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học đề xuất nhằm kiểm soát chất lượng đầu ra. TS. Lê Trường Tùng cho rằng: “Việc Bộ yêu cầu các trường công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chỉ là một yếu tố. Theo tôi, quan trọng vẫn là Bộ khống chế về chỉ tiêu của các trường, coi điều kiện giảng dạy là yếu tố để đảm bảo chất lượng. Nếu yêu cầu các trường khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường sẽ rất khó khăn và kết quả chưa chắc chính xác...”.

Về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, Bộ bỏ điểm sàn chung nhưng các trường phải tự đặt ngưỡng cho mình để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín cho chính mình. Trường phải công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và có sự tham gia giám sát của cả xã hội. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cần đẩy mạnh khâu kiểm định chất lượng của các trường.

Một chuyên gia giáo dục đề xuất, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2020 phải kiểm định xong các trường nhưng thực tế kết quả đạt chuẩn của một số trường hiện nay chỉ là tương đối. Có nghĩa là, không phải trường nào kiểm định đạt chuẩn  cũng có chất lượng thực sự.

Thậm chí, trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM mới được chứng nhận kiểm định chất lượng năm 2017 thì trong tháng 3 này, thanh tra Bộ lại phát hiện hàng loạt sai phạm! Vì thế, cần có cơ quan kiểm định chất lượng độc lập sẽ khách quan hơn, chứ không nên trường này đi kiểm tra trường kia như hiện nay.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp để bảo đảm chất lượng đó là công khai minh bạch. Tức là, Bộ chỉ đưa ra chế tài, còn các trường phải công khai mức điểm tuyển sinh để xã hội kiểm soát. Trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm việc làm. Như vậy, trường không thể phát triển được sẽ bị đóng cửa./.

Theo Nguyễn Hằng/Báo TNVN

  • Từ khóa

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục Việt Nam và Angola

Sáng 27/3 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến chào xã giao Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Angola Américo António Cuononoca.
16:13 - 28/03/2024
52 lượt xem

Nhiều trường bỏ quy định đuổi học sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần

Nhiều trường đại học đã bỏ quy định xử lý sinh viên dựa vào số lần vi phạm về hoạt động mại dâm.
15:18 - 28/03/2024
85 lượt xem

Vì sao các khóa nghề ngắn hạn thu hút người học?

Sau dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến đổi nên không ít người đã bỏ nghề cũ, chọn học những khóa nghề ngắn hạn để tìm kiếm cơ hội công việc...
11:12 - 28/03/2024
177 lượt xem

Nở rộ ngành dạy thêm cho người già

Tình trạng dân số già nhanh chóng, đang thúc đẩy thị trường dạy thêm và cung cấp hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi tại Trung...
09:36 - 28/03/2024
209 lượt xem

Chuyên gia cảnh báo "ngành công nghiệp" IELTS gây hại cho học tập tiếng Anh

Các chuyên gia cảnh báo việc "IELTS hóa" sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy tiếng Anh. Việc học viên nhỏ tuổi được khuyến khích học và thi IELTS khiến...
07:19 - 28/03/2024
248 lượt xem