Thầy cô bây giờ cần giỏi cả chuyên môn lẫn kĩ năng Sư phạm. Khi gặp các học sinh cá biệt cần phải biết kiềm chế cảm xúc của mình. Cứ lạt mềm mà buộc chặt. Có lẽ bài học cần một “cái đầu tỉnh táo” chưa bao giờ lỗi thời trong nghề dạy học.
Suốt cả tuần nay, các giáo viên không ngừng tranh luận về việc cô giáo ở Long An phải quỳ gối 40 phút xin lỗi phụ huynh vì phạt học sinh. Sự việc này còn đang rất nóng thì tiếp tục, ngày 2/3/2018, một học sinh lớp 8 ở Bến Tre bóp cổ cô giáo trong giờ học Tiếng Anh.
Câu chuyện xảy ra trong giờ học Tiếng Anh của cô C.T.N. Khi cô phát hiện một nữ sinh lấy sách vở môn khác ra học. Cô N. yêu cầu em này rằng "giờ nào việc nấy". Nhiều lần nhắc nhở, nữ sinh không nghe, cô N. đã thu vở của học trò. Ngay lúc đó, nam sinh N.V.M.T. ngồi phía sau văng tục với cô giáo.
Sau đó, cô N. mời 2 giáo viên khác đang dạy ở lớp bên cạnh sang chứng kiến vụ việc và răn đe. Em T. tiếp tục chửi bậy và bóp cổ cô giáo N. ngay tại lớp trước sự chứng kiến của hai giáo viên khác và toàn bộ học sinh. Cuối cùng, phải nhờ giáo viên và học sinh can ngăn cô mới thoát được.
Trước sự việc " động trời" này, các giáo viên không ngừng tranh luận về việc ứng xử Sư phạm của thầy cô khi gặp các tình huống như thế.
Thực ra trong quá trình đi dạy, chuyện học sinh hỗn với thầy cô không phải là chuyện hiếm. Nhiều em đã lười học lại hay vi phạm nội quy lớp. Có em khi bị giáo viên nhắc nhở còn tỏ ra thách thức. Ở lứa tuổi “dở dở, ương ương” này, nhiều em khiến thầy cô không ít lần "đau tim". Vì vậy, việc ứng xử phù hợp, thông minh của giáo viên là điều rất quan trọng.
Bây giờ người ta thường đùa nhau, nghề giáo là một nghề cực kì nguy hiểm. Học trò bây giờ đều là "cậu ấm, cô chiêu" cả. Vì vậy các em đâu còn biết sợ thầy cô. Nhiều người an phận thì bảo "kệ chúng nó đi, mình cứ lên lớp giảng dạy hết trách nhiệm là được. Em nào nghe được thì nghe, không nghe thì thôi. Hơi đâu mà nhắc nhở nhiều cho chúng nó ghét. Đấy cứ làm quá như cô N. thì chỉ thiệt thân".
Tuy nhiên nhiều thầy cô thì không đồng tình như vậy. Nhiều người cho rằng kĩ năng Sư phạm của cô giáo còn yếu kém. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô cần phải biết vận dụng tính nhu, cương cho phù hợp. Khi gặp các học sinh cá biệt không nên căng thẳng hơn thua với các em làm gì. Lúc này giáo viên cần có phương án hạ nhiệt, dừng lại. Sau đó có thể nhờ ban giám hiệu mời phụ huynh đến để trao đổi. Mỗi thầy cô khi xử lí tình huống Sư phạm cần phải bình tĩnh, tránh “đổ thêm dầu vào lửa”, điều đó chỉ làm cho sự việc đẩy đi quá xa.
Bản thân tôi là một giáo viên cũng đã không ít lần gặp phải những sự cố như học sinh chơi điện thoại trong lớp hay mang vở khác ra học... lúc ấy, tôi cũng rất bực. Nhiều khi nhìn các em vênh váo cãi lại không biết nỗi mà ức vô cùng. Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn phải bình tĩnh kiềm chế cảm xúc để nhắc nhở các em. Một câu nói nhẹ nhàng lúc đó tôi thấy tác dụng hơn là lớn tiếng với các em giữa lớp. Sau đó hết giờ bao giờ tôi cũng nán lại ít phút để gặp gỡ riêng các em.
Thực tế việc xử lí kiểu này không phải là tôi sợ các em. Khi giảng dạy tôi vẫn rất nguyên tắc. Tôi không bao giờ để các em điều khiển cảm xúc của mình. Bản thân tôi luôn đối xử công bằng với tất cả các em học sinh. Vì thế mà tôi mà tôi ít gặp "sự cố" hơn các giáo viên khác.
Thế mới thấy, thầy cô bây giờ cần giỏi cả chuyên môn lẫn kĩ năng Sư phạm. Khi gặp các học sinh cá biệt cần phải biết kiềm chế cảm xúc của mình. Cứ lạt mềm mà buộc chặt. Có lẽ bài học cần một “cái đầu tỉnh táo” chưa bao giờ lỗi thời trong nghề dạy học.
Theo Loát Trần/Dân Trí