Ban soạn thảo chương trình môn Ngữ văn đưa ra những yêu cầu quá khó cho học sinh THCS, như biết làm thơ lục bát, thất ngôn bát cú...
Thầy giáo Nguyễn Văn Khánh ở An Giang góp ý về chương trình môn Ngữ văn phổ thông, trong đó chú trọng bậc THCS.
Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới đề xuất danh mục tác phẩm văn học cho các nhà biên soạn sách giáo khoa mới và giáo viên lựa chọn. Về cơ bản, phần lớn văn bản đang được sử dụng trong sách giáo khoa (sách giáo khoa 2000) và đưa thêm vào một phần nhỏ tác phẩm mới cùng với sự đảo lộn một số văn bản hiện hành ở lớp dưới lên lớp trên và lớp trên xuống lớp dưới.
Là giáo viên đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông, chúng tôi mong muốn những người viết chương trình môn học và viết sách giáo khoa hãy thận trọng lựa chọn tác phẩm, nội dung phù hợp có thể hướng tới tính khả thi của chương trình mới.
Nhìn chung, Ban soạn thảo chương trình đã thận trọng khi giữ lại khoảng 80% tác phẩm văn học hiện hành. Những tác phẩm văn học Việt Nam, thế giới tiêu biểu qua các thời kỳ vẫn được ban soạn thảo chương trình đề xuất sẽ tiếp tục đưa vào sách giáo khoa tới đây. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy có nhiều tác phẩm đang được giảng dạy trong nhà trường không hay hoặc không phù hợp với lứa tuổi học trò nhưng vẫn được đề xuất đưa vào chương trình mới.
Trong bài viết này, với những kiến thức hạn hẹp của mình, cùng với thực tế bản thân từng trực tiếp giảng dạy, dự giờ đồng nghiệp, theo dõi học tập từ học sinh, chúng tôi sẽ phân tích và đề xuất một số tác phẩm văn học không nên sử dụng tiếp trong sách giáo khoa mới. Trước hết, chúng tôi sẽ đề cập một số tác phẩm ở chương trình Ngữ văn cấp THCS.
Một số tác phẩm trong chương trình lớp 6 quá nặng nề
Đối với những tác phẩm Ban biên soạn gợi ý sẽ đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 6-7 về cơ bản chúng tôi thống nhất. Bởi phần lớn là tác phẩm học sinh có thể dễ học, dễ tiếp cận. Tuy nhiên, có tác phẩm quá tầm với học sinh khi các em vừa bước vào cấp THCS như Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Seatle) hiện được giảng dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 6.
Hoàn cảnh ra đời của bức thư này là năm 1854, Tổng thống thứ 14 của nước Mỹ là muốn người da đỏ nhượng bớt đất cho người da trắng. Tù trưởng Seattle của bộ lạc da đỏ Duwamish và Supuamish đã trả lời với người đại diện của Tổng thống Mỹ. Và, bài trả lời của tù trưởng da đỏ đã được tiến sĩ Henry A.Smith ghi và dịch ra tiếng Anh.
Vẫn biết đây là bức thư được xem là văn kiện rất hay nói về mối quan hệ thiêng liêng của các tộc người thiểu số đối với đất đai quê hương ngàn đời của họ và quan niệm thâm thúy về môi trường sống của con người cũng như tham vọng thôn tính của một đế quốc. Nhưng, học sinh lớp 6 thì các em có cần thiết phải học những tác phẩm mang nặng tính chính trị của một nước khác hay không?
Vì thế, chúng tôi cho rằng nếu Ban biên soạn muốn đưa tác phẩm này vào chương trình phổ thông thì nên để ở lớp 8-9 hoặc cấp THPT sẽ phù hợp hơn. Học sinh lớp 6 hãy để các em tiếp cận những tác phẩm tự sự, trữ tình ngắn gọn, nhẹ nhàng. Đừng bắt các em phải tiếp cận, phân tích những tác phẩm mang tính xung đột sắc tộc sớm như vậy.
Sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành. Ảnh minh họa.
Một số bài thơ đang ở chương trình lớp 9 hiện hành cũng được Ban biên soạn chương trình đề xuất đưa vào chương trình lớp 6-7 như: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật); Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm); Mây và sóng (R.Tagore)... Đây thực sự là những bài thơ hay nhưng theo chúng tôi vẫn là khó. Chẳng hạn bài Mây và Sóng của R.Tagore dù là bài thơ ca ngợi tình mẫu tử nhưng lại có nhiều tầng nghĩa. Hơn nữa đây là thể “thơ văn xuôi” nên hiện hành học sinh lớp 9 học cũng đang còn thấy khó tiếp cận thì đưa xuống lớp 6-7 liệu các em có thể học được không?
Hai bài thơ của văn học Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng dài và mang tính hình tượng cao, nhất là văn bản Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sử dụng ngôn từ khẩu ngữ. Vì thế, theo chúng tôi 3 tác phẩm thơ này vẫn để ở chương trình lớp 9 như hiện hành là phù hợp.
Phần truyện ngắn, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đây là truyện ngắn rất hay viết về tình phụ tử trong chiến tranh. Chương trình sách giáo khoa 1979, sách giáo khoa năm 2000 đều được sử dụng. Hàng mấy chục năm qua, tác phẩm này đã trở nên quen thuộc với các thế hệ học trò. Tuy nhiên, lần thay sách này thì những nhà biên soạn lại đề xuất đưa xuống lớp 6-7 thì chúng tôi thấy… hơi phí. Tác phẩm này nên vẫn để ở lớp 9 như hiện hành sẽ phù hợp hơn, bởi phải lứa tuổi này mới cảm nhận được những bi thương, mất mát của chiến tranh. Nếu đưa xuống lớp 6-7 trích lấy một đoạn ngắn thì sẽ làm mất đi cái hay của tác phẩm này.
Tác phẩm văn nghị luận được đề xuất không phù hợp
Trong danh mục đề xuất tác phẩm văn học ở chương trình Ngữ văn lớp 8-9, chúng tôi thấy nên bỏ một số tác phẩm không hay bởi ngay trong chương trình sách giáo khoa hiện hành thì những tác phẩm này cũng không tiêu biểu như: Chósói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine (H. Ten); Đi bộ ngao du (trích Emile hay về giáo dục).
Đây là 2 văn bản đang được giảng dạy ở chương trình lớp 8, 9 hiện hành, học vô cùng chán ngán. Mục đích của những người làm chương trình là đưa vào để làm mẫu cho phương thức văn bản nghị luận. Nhưng, chẳng hạn văn bản Đi bộ ngao du đã quá cũ, lạc hậu so với thời hiện đại, nhiều chi tiết không còn phù hợp. Văn bản Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine hiện được làm bài văn mẫu cho kiểu bài nghị luận văn học ở lớp 9 nhưng thực ra chưa phải là một tác phẩm điển hình. Nó vừa khô khan, vừa nhập nhằng về hình tượng.
Nếu chỉ vì trong 2 văn bản này có hệ thống luận điểm, luận cứ cho kiểu văn nghị luận thì theo chúng tôi nên lấy một vài văn bản nghị luận mẫu của Việt Nam sẽ hay, thiết thực và gần gũi với học sinh hơn rất nhiều tác phẩm nghị luận nước ngoài đã viết cách đây mấy thế kỷ để làm bài mẫu cho học sinh ở thế kỷ 21.
Trong 8 tác phẩm văn nghị luận được những nhà biên soạn đề xuất, chúng tôi nhận thấy chỉ có 2 tác phẩm viết ở thế kỷ 20 là Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) và Bàn về đọc sách (Chu Quang Tiềm -Trung Quốc), còn lại đều là những tác phẩm viết cách chúng ta quá xa. Việc lựa chọn những tác phẩm văn học trung đại hay cũng là cần thiết nhưng đa số tác phẩm văn học được đề xuất xưa cũ quá thì e rằng chưa phải là hợp lý trong bối cảnh dạy văn hiện nay.
Mục tiêu của chương trình Ngữ văn mới là giúp học sinh vận dụng vào thực tiễn. Trong đó, thể loại nghị luận sẽ giúp học sinh đánh giá, phản biện vấn đề để giải quyết tình huống thực tiễn, nhưng không lấy những tác phẩm hiện đại, gần gũi với cuộc sống hiện nay mà toàn là những tác phẩm hàn lâm xưa cũ thì mục tiêu của môn Ngữ văn khó mà thực hiện được như kỳ vọng của những người làm chương trình môn Ngữ văn.
Đòi hỏi học sinh biết làm thơ từ bậc THCS là quá khó
Trong mục yêu cầu cần đạt của môn Ngữ văn cấp THCS ở phần kỹ năng viết, chúng tôi vẫn thấy Ban biên soạn chương trình tiếp tục yêu cầu học sinh làm thơ. Có lẽ, những nhà biên soạn đều muốn học sinh của chúng ta sau này đều trở thành nhà thơ.
Lớp 6 chương trình yêu cầu “Bước đầu biết làm một bài thơ lục bát. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ lục bát (phản hồi văn học)". Lớp 7 yêu cầu “Bước đầu biết làm một bài thơ tự do; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ tự do đã học". Lớp 8 đặt ra yêu cầu “Bước đầu biết làm một bài thơ song thất lục bát. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của mình về bài thơ song thất lục bát đã học". Và lớp 9 đòi hỏi “Bước đầu biết làm bài thơ thất ngôn bát cú hoặc thơ thất ngôn tứ tuyệt”.
Rõ ràng những yêu cầu của ban biên soạn chương trình không thực tế. Làm sao có thể đòi hỏi tất cả học sinh phổ thông đều biết làm thơ từ khi vào lớp 6? Thơ ca là năng khiếu chứ không phải ai cũng làm được. Đa số giáo viên Ngữ văn không phải là nhà thơ, không biết làm thơ thì yêu cầu trên là khiên cưỡng vô cùng. Vì thế, chúng tôi đề nghị chỉ cần cho học sinh “nhận diện” về các thể thơ là đã quá đủ rồi, chứ đừng đưa ra những yêu cầu xa rời thực tế rồi lại khổ cả thầy và trò, thậm chí là cả phụ huynh vào cuộc để… làm thơ.
Còn nhiều nội dung chưa phù hợp, không thiết thực trong chương trình Ngữ văn mới. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn một điều là các thầy làm chương trình và sau này là các tổ chức viết sách giáo khoa cần nghiên cứu, bàn bạc thấu đáo khi lựa chọn nội dung, tác phẩm phù hợp để đưa vào chương trình môn học. Chúng ta nên nhớ rằng mọi kiến thức phải phù hợp với lứa tuổi học sinh mới hy vọng đem lại hiệu quả, có tác động đến nhận thức và suy nghĩ của học trò. Những tác phẩm không phù hợp hoặc quá tầm với chỉ làm quá tải cho học trò mà hiệu quả của bài học cũng không đạt được.
Theo VnExpress