Qua mộc bản, châu bản triều Nguyễn và 82 bia tiến sĩ, quan điểm về giáo dục, khoa cử của các vương triều được thể hiện rõ.
Lịch sử nền giáo dục và khoa cử Việt Nam với những quan điểm của nhà nước, chế độ thi cử hay danh nhân khoa bảng được tái hiện một phần ở triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới", diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Triển lãm kéo dài từ 5/3 đến 5/4, trưng bày hơn 50 tài liệu thuộc ba di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Gần 1.000 năm khoa cử Việt Nam
Lịch sử khoa cử Việt Nam đã trải qua gần 1.000 năm, mở đầu bằng khoa thi Tam trường để chọn Minh kinh bác học vào năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông và kết thúc vào năm 1919 đời vua Khải Định."Ông Trạng khai khoa, người đỗ đầu kỳ thinày là Lê Văn Thịnh, người làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
Về việc này, mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đang được trưng bày tại triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới" có đoạn: "Thi Tam trường để chọn Minh kinh bác học: Tuyển lấy những người minh kinh bác học và thi nho học bằng ba kỳ thi. Lê Văn Thịnh đỗ đầu, được lựa vào hầu vua học tập. Khoa cử nước ta bắt đầu từ đấy".
Năm 1195, nhà Lý tiếp tục cho mở khoa thi Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) để chọn người hiền tài giúp nước.
Bản tấu của Bộ Lễ về việc cấp ngựa cho tân tiến sĩ vinh quy năm Tự Đức thứ 4 (1851) trong Châu bản triều Nguyễn - Tự Đức tập 28. Bản tấu này được trưng bày tại triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới".
Đến triều Trần, chế độ khoa cử phát triển, các khoa thi tổ chức đều đặn và được quy định rõ ràng. Năm 1232, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi Thái học sinh để chọn Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp.
Tại khoa thi Thái học sinh năm 1247, nhà Trần đặt ra danh hiệu Tam khôi gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Người đỗ đầu khoa thi này là Nguyễn Hiền, mới 13 tuổi. Ông là trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép rõ về việc này: "Trước đây, thi lấy học trò đỗ, chỉ chia hạng giáp, hạng ất để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Nay mới đặt ra Tam khôi, lấy Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa. Còn 48 người đỗ thái học sinh đều được xuất thân theo thứ tự trên dưới khác nhau".
Năm 1396, vua Trần Thuận Tông đặt lệ thi Hương đầu tiên để lấy đỗ cử nhân, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở kinh đô.
Kỳ thi Hương được tổ chức tại các trường thi ở nhiều tỉnh thành. Để được dự thi Hương, các nho sinh phải trải qua kỳ thi khảo hạch ở địa phương nhằm giảm bớt những người chưa thực sự đủ năng lực, đức hạnh. Người đỗ đầu thi Hương được gọi là Hương cống và được phép tham dự thi Hội.
Kỳ thi Hội được tổ chức ba năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ chủ trì. Người đỗ đầu thi Hội được gọi là Hội nguyên.
Thi Đình là kỳ thi cao nhất được tổ chức tại sân đình nhà vua. Đề thi do nhà vua trực tiếp ra và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm số, chính vua tự tay phê lấy đỗ. Người đỗ đầu thi Đình được gọi là Đình nguyên. Ai đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình được gọi là Tam nguyên.
Bia tiến sĩ, hình thức lưu danh bậc hiền tài
Vào năm 1484, dưới thời Lê, cùng chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu cho dựng Bia tiến sĩ trong Văn Miếu khắc tên những người đỗ tiến sĩ kể từ khoa thi năm 1442. Mỗi khoa thi là một tấm bia đặt trên lưng rùa, không chỉ lưu danh người hiền tài giúp nước mà còn thể hiện quan điểm của từng triều đại với khoa cử.
Bia tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442). Ảnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bài ký bia tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) dưới triều vua Lê Thái Tông có ghi: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp".
Bài ký bia tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn (1664) dưới triều vua Lê Huyền Tông viết: "Khoa cử đặt ra cốt để thu hút hiền sĩ, vời đón anh tài. Các bậc đế vương từ xưa không vị nào không mượn dùng phép ấy để kén chọn kẻ sĩ làm công cụ cho nền trị bình".
Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, thưởng ngoạn cảnh đẹp tại vườn ngự uyển, cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh muôn đời.
Theo Dương Tâm/VnExpress