Thời chúng tôi đi học, việc thầy cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt quỳ hoặc đánh bằng roi (xong còn mời phụ huynh lên) là chuyện hết sức bình thường.
Chính vì vậy, vai trò của người thầy luôn được xã hội tôn trọng, đánh giá cao: "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hoặc "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy"…
Tuy nhiên, thực tế hôm nay nghề giáo là một trong những nghề bạc bẽo và nguy hiểm. Chuyện phụ huynh đến trường xúc phạm, chửi bới, thậm chí hành xử bạo lực với giáo viên đã không còn cá biệt.
Cách đây không lâu, tại Đà Nẵng, trong giờ đón trả học sinh tại trường, một phụ huynh đã xông vào trường, tát cô giáo L.A. ngay trước mặt con và đông đảo học sinh vì cho rằng cô giáo đã làm xước má con mình.
Tại Hải Phòng, cô giáo P.T.H. bị một nhóm phụ huynh xông vào chửi bới, đánh đập bằng dép, mũ bảo hiểm vì đã dùng roi đánh vào tay con họ.
Mới đây nhất, tại Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An, 4 phụ huynh đến trường bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi vì đã bắt các học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học làm nhiều em sợ không dám đến trường.
Rõ ràng, dù với bất cứ lý do nào đi nữa thì cũng không thể chấp nhận việc phụ huynh xúc phạm nhân phẩm, hành xử bạo lực với giáo viên.
Xã hội hôm nay không cho phép giáo viên được đánh học sinh. Trong khi đó, ngày xưa, thời chúng tôi đi học, việc thầy giáo phạt học sinh bằng cách bắt quỳ hoặc đánh bằng roi (xong còn mời phụ huynh lên thông báo) là chuyện hết sức bình thường.
Phụ huynh "được" mời lên gặp thầy cô vẫn không một lời trách móc mà còn hết sức nhã nhặn: "Dạ, trăm sự nhờ thầy! Cháu có hư hỏng thầy (cô) cứ phạt thẳng tay. Thầy (cô) có thương mới mắng, phạt cho cháu nên người!".
Khi gia đình và nhà trường đồng thuận, thống nhất trong biện pháp giáo dục thì trẻ con rất kính trọng thầy cô. Khi đứa trẻ biết sợ thầy cô, biết sợ người lớn thì chắc chắn không xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Và sau này khi lớn lên, xã hội cũng ít có tình trạng bạo lực.
Giáo dục của nhà trường và gia đình là những nhân tố quan trọng tạo nên nhân cách một đứa trẻ. Khi phụ huynh đánh giáo viên ngay trước mặt trẻ, chính đứa trẻ sẽ là người chịu ảnh hưởng, tác động không tốt đầu tiên.
Trước hết, nó tạo cho trẻ tâm lý coi thường, không nghe lời thầy cô, khó dạy bảo. Đáng lo ngại hơn, việc phụ huynh vào trường thóa mạ, đánh mắng giáo viên sẽ "dạy" cho đứa trẻ bài học giải quyết mọi mâu thuẫn bằng bạo lực.
Dù không hẳn bằng lòng với việc đánh học sinh, tôi vẫn nghĩ rằng không nên khắt khe quá trong việc giáo viên xử phạt học sinh khi các em có lỗi.
Bên cạnh một số ít những giáo viên nóng nảy, thiếu kiềm chế có những hành vi quá đáng, không đúng chuẩn mực sư phạm với học sinh, vẫn còn đó những tấm gương nhà giáo hết lòng hết sức vì sự nghiệp giáo dục, vì đàn em thân yêu.
Thậm chí, có những cô giáo sẵn sàng hi sinh tính mạng thà cô chết chứ không để trò chết để cứu các em học sinh trong cơn lũ dữ.
Đấy là những hình ảnh đáng trân trọng của người thầy, họ xứng đáng được các bậc phụ huynh và cả xã hội tôn vinh.
Đã đến lúc phải gióng lên tiếng chuông báo động mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng phụ huynh hành xử thô bạo, đánh đập, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, nghề nghiệp của thầy cô giáo.
Đối với các bậc phụ huynh, với truyền thống "tôn sư trọng đạo", mỗi khi có sự việc bức xúc liên quan đến việc học hành của con mình, hãy bình tĩnh làm việc với Ban giám hiệu để tìm ra hướng giải quyết trong tinh thần xây dựng, hiểu biết và có văn hóa.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng phải nghiêm khắc, có những bản án xứng đáng đối với những phụ huynh có hành động thô bạo đối với thầy cô giáo để răn đe và để làm gương.
Theo Phạm Xuân Vinh/Tuổi trẻ