Câu chuyện về vấn đề phong tặng, chất lượng giáo sư vẫn đang "nóng" dư luận và được bàn thảo nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, không “tâm phục khẩu phục” các quy chuẩn của nhà nước về giáo sư hiện nay.
“Giáo sư” là chức danh, chức vụ hay nghề nghiệp?
Chuyện buồn giáo sư
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây chia sẻ, khi còn học đại học, dạy tụi tôi là một GS rất có uy tín và tâm huyết. Thầy có nhiều mối quan hệ quốc tế, mời cả những GS quốc tế có giải Nobel sang dạy chúng tôi vài tiết học.
Cả đời thầy là một tấm gương về một nhà giáo mẫu mực, là thầy của nhiều thế hệ nhà khoa học của Việt Nam. Chỉ có điều thầy chưa bao giờ có bằng Tiến sĩ. Không bởi vì thầy không đủ năng lực mà bởi vì thời thế nó thế. Thầy con nhà tư sản, khi đó rất khó khăn trong việc học hành.
Khi đó mọi người bắt đầu nói đến chuyện chuẩn GS và đưa ra việc GS thì bắt buộc phải là TS, thậm chí là phải có Habilitation (TSKH). Và lúc đó có nhiều dư luận cho rằng thầy và một số thầy khác (đặc biệt ngành sử học) không phải là GS nữa cho dù trước đó thầy hướng dẫn rất nhiều TS bảo vệ thành công.
Năm 2017, chuẩn tiến sĩ mới ra đời bắt buộc phải có bài báo peer review, một bước tiến đáng kể trong việc học thuật. Và vì vậy, năm 2017 lượng nghiên cứu sinh đăng ký làm TS giảm đột biến, thừa chỉ tiêu rất nhiều.
Đơn giản vì, khi mà thầy là các GS, PGS còn chưa biết viết bài quốc tế thế nào thì làm sao trò làm nổi. Và vì vậy sinh ra quy định mới về GS, PGS để phù hợp. Tiếc rằng, bản đề án đó của Bộ GD&ĐT bị bác bỏ nên thực tế năm 2018 là chuẩn TS đang cao hơn cả chuẩn GS, PGS. PGS, GS theo chuẩn không đủ sức hướng dẫn TS theo chuẩn.
Nhớ lại đầu những năm 2000, thống kê cho thấy các GS, PGS Việt Nam có năng suất khoa học rất thấp khi so sánh với quy định. Và khi đó lý do chủ yếu được cho rằng do GS các nước có phòng riêng, lương cao và điều kiện nghiên cứu tốt hơn. Chính vì vậy, GS sau đó được nâng tuổi nghỉ hưu, có bậc lương riêng cao hơn hẳn các giảng viên khác và thậm chí rất nhiều nơi cũng đã thiết kế phòng làm việc riêng cho GS.
Chính những quyền lợi đặc biệt này mà PGS, GS trở thành một cuộc đua gay cấn từ việc giờ dạy, đăng bài, hướng dẫn thạc sĩ, xuất bản sách đến việc lấy lòng hội đồng. Và cuộc đua nào cũng sẽ có mặt trái của nó.
Nhiều người rất giỏi phải ngậm ngùi vì chẳng thể qua được vòng bỏ phiếu, trong khi đó nhiều người ghi điểm đầy đủ qua các thang bảng điểm trở thành GS dù thực sự không đủ năng lực. Trong đó có nhiều GS, PGS nắm giữ các vai trò quản lý nhà nước.
Ông Minh đề nghị chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn cứng của GS về Khoa học. Sau đó việc lấy tín nhiệm, công nhận và bổ nhiệm đều thuộc về các đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo. Các đơn vị này có quota nhất định về số lượng GS để phục vụ các nhiệm vụ dẫn dắt chuyên môn. Hoặc chí ít đơn giản nhất là dự thảo về GS, PGS của Bộ GD&ĐT được chấp thuận thì mọi việc cũng trở nên phù hợp hơn.
“Giáo sư” là chức danh, chức vụ hay nghề nghiệp?
PGS.TS Ngô Tứ Thành, Viện Sư phạm kỹ thuật – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Trước hết cần phải trả lời rõ câu hỏi: “Giáo sư” là chức danh, chức vụ hay nghề nghiệp ?
Theo ông Thành, nếu xem Giáo sư (GS) là chức danh thì Giáo sư là một ghi nhận, tôn vinh …có giá trị khi được nhà nước phong tặng... danh hiệu này đi suốt cuộc đời, không phụ thuộc tuổi tác, đang làm việc hay đã nghỉ hưu, không hạn chế số lượng và cũng không thể tước bỏ trừ trường hợp rất đặc biệt. Giáo sư chức danh giống như danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…chỉ có hình thức phong tặng, vinh danh không thể có bổ nhiệm.
Còn nếu xem giáo sư là một chức vụ khoa học, thì phải được cơ quan quản lý giáo dục cao nhất bổ nhiệm trong thời gian giảng dạy ở trường đại học nếu xứng đáng với tiêu chuẩn đã qui định. Khi vị Giáo sư đó về hưu, chuyển công tác khác, hoặc không xứng đáng nữa thì miễn nhiệm và tuyển chọn để bổ nhiệm người khác.
Ông Thành cho hay, cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn xem giáo sư vừa là chức danh, vừa là chức vụ, vừa phong tặng vinh danh vừa bổ nhiệm.
Hàng năm, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tổ chức phong tặng, trao giấy chứng nhận cho các Giáo sư, sau đó giáo sư về lại các trường xin bổ nhiệm. Những người đã nhận sổ hưu hơn 20 năm vẫn có trong danh sách PHONG TẶNG & BỔ NHIỆM giáo sư là “chuyện thường ngày ở Huyện”.
“Những bất cập kể trên đã tác động đến tâm tư trong mọi tầng lớp xã hội, họ không còn “tâm phục khẩu phục” về các quy chuẩn của nhà nước về giáo sư mà “trăm hoa đua nở” - ông Thành nhấn mạnh.
Sử dụng và đãi ngộ chưa đúng
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức –Trưởng Ban Đào tạo (đại học và sau đại học)- ĐHQGHN là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu và Kết cấu Tiên tiến, ông đã công bố 200 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có trên 80 bài trên các tạp chí quốc tế ISI cho rằng, mặt bằng chung các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Việt Nam (ngay cả trong Dự thảo mới) còn thấp so với tiêu chuẩn GS, PGS của các nước tiến tiến.
Theo GS Đức, hiện nay, chúng ta đã quyết tâm nâng cao chất lượng và chuẩn đầu ra với các NCS, do đó không có lý do gì để chậm chễ áp dụng, nâng cao tiêu chí với đội ngũ người thầy là các GS, PGS. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm số lượng GS và PGS và có thể có tình trạng có một số ngành và chuyên ngành sẽ không có GS,PGS mới trong một vài năm tới.
"Đây là cái giá chúng ta phải trả và chấp nhận để nâng cao chất lượng đội ngũ. Đây sẽ là cú huých tăng chất lượng và uy tín của đội ngũ trí thức Việt Nam, làm tăng chất lượng và uy tín của nền giáo dục đại học Việt Nam" - GS Đức nhấn mạnh.
GS Đức cho hay, hiện nay chúng ta có đội ngũ nhiều tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, có thực tài và nhiều hoài bão trong khoa học, tôi hoàn toàn tin tưởng chắc chắn sau 5-10 năm chúng ta sẽ có đội ngũ GS, PGS đạt tiêu chuẩn như các nước tiên tiến.
Các chuyên gia, nhiều nhà khoa học đã bàn thảo nhiều và đang nghiên cứu để ban hành tiêu chí theo hướng nâng cao đòi hỏi về chất lượng với đội ngũ GS và PGS, nhưng chưa có những chính sách quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm một cách thỏa đáng hơn với đội ngũ này.
Theo GS Đức, cốt lõi là vấn đề sử dụng và trọng dụng. "Chúng ta phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ xứng đáng đội ngũ trí thức thực tài, tinh hoa của đất nước".
Thông lệ quốc tế từ TS đến PGS, từ PGS đến GS là những khoảng cách khá xa về tiêu chí, trình độ, năng lực và cống hiến và cũng khác xa nhau về chế độ đãi ngộ.
Do vậy, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng, theo đúng tài năng, không cào bằng sẽ là giải pháp sâu xa và bền vững để nâng cao chất lượng GS, PGS.
Trên cơ sở đãi ngộ xứng đáng, đội ngũ trí thức sẽ tự rèn luyện, tự phấn đấu, và cũng sẽ tự đào thải, thật giả không thể lẫn lộn và không có chỗ cho thói hư danh.
"Chúng ta đòi hỏi chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, thì cũng cần sớm có những chính sách đổi mới và phù hợp hơn nữa, theo chuẩn mực quốc tế trong việc sử dụng và đãi ngộ với các GS và PGS" - GS Đức bày tỏ.
Theo Hồng Hạnh/Dân trí (ghi)