11
/
58140
Nữ phó giáo sư nhận Huy chương Pushkin
nu-pho-giao-su-nhan-huy-chuong-pushkin
news

Nữ phó giáo sư nhận Huy chương Pushkin

Thứ 2, 19/02/2018 | 08:11:41
758 lượt xem

Phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh là nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam nhận Huy chương Pushkin.

Ở tuổi 80, phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh vẫn minh mẫn với lối nói chuyện cởi mở và thân tình. Bà bảo giữa năm 2017 đã có dịp trở lại nước Nga. Vì tuổi cao, bà coi đó là chuyến đi sau cùng về xứ sở bạch dương và ghé thăm thầy cô giáo, thăm bạn bè, trường xưa, lớp cũ.

Niềm vui vỡ òa khi bà biết mình được nhận Huy chương Pushkin, do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng. “Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam khi làm hồ sơ gửi sang Nga đã bí mật với tôi đến phút cuối, nên khi biết được nhận giải thưởng tôi rất bất ngờ”, bà Minh chia sẻ.

Tổng thống Nga Putin trao giải thưởng Pushkin cho phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: NVCC

Tổng thống Nga Putin trao giải thưởng Pushkin cho phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: NVCC

Năm 1953, bà Minh là học sinh tiêu biểu của Việt Nam được gửi sang Trung Quốc học trường Thiếu niên Việt Nam, rồi được chọn sang Liên Xô. Năm 1961, bà trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Sư phạm Lê Nin, tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội), sau đó chuyển sang dạy ở Ban tiếng Nga, Khoa Ngoại ngữ (Đại học Sư phạm Ngoại ngữ).

Sau 15 năm gắn bó với giảng đường, bà Minh không ngờ nhân duyên với nước Nga lại một lần nữa gõ cửa, khi bà được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt -Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đó là năm 1986.

“Tôi nhận lời, vì bản thân rất muốn làm khoa học. 15 năm làm giảng viên, rồi phó chủ nhiệm khoa, tôi thấy mình cũng đã cống hiến đủ nhiều cho giáo dục”, bà Minh chia sẻ.

Bán hết nhà cửa, bà cùng chồng con bắt đầu một hành trình mới với 16 năm đằng đẵng xa quê. “Sang Nga, lương tôi chỉ được 60 USD. May là chồng tôi cũng biết tiếng Nga và tìm được việc quản lý cho một nhà hàng, lương được 600 USD. Vậy là chồng cày cuốc nuôi vợ làm khoa học”, bà Minh kể.

Chia sẻ về những ngày đầu làm khoa học bên nước bạn, phó giáo sư Minh bảo, dù việc làm từ điển đã được triển khai từ trước đó 4 năm, nhưng còn rất nhiều khó khăn. Vì đây là từ điển hợp tác giữa hai Viện Ngôn ngữ nên phải làm đúng theo quy điển của từ điển học. Về tiếng Việt phải căn cứ theo cuốn Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê chủ biên, trong khi cuốn này chỉ mới có 45.000 từ, chưa có từ điển cỡ lớn.

Tiếng Việt và tiếng Nga có nhiều điểm khác nhau. Ví dụ, trong nhóm danh từ của tiếng Việt có danh từ, số từ, loại từ... Tiếng Nga lại khác, phải chia thành nhiều loại, cách tách từ cũng khác. Chẳng hạn từ điển Việt Nam khi đó có mỗi từ "ngồi", không có từ "ngồi xuống", dù đây là hai từ khác nhau, ngồi là trạng thái, ngồi xuống là hành động. Trong khi tiếng Nga có rất nhiều từ liên quan.

Hoặc từ "đi", từ điển tiếng Việt chỉ có một từ "đi". Trong tiếng Nga có đến chục từ như đi qua, đi lại, đi lên, đi xuống… , nhưng lại không được đưa mỗi từ đó như một từ riêng. Vì thế, nếu chỉ dịch thuần túy thì không dịch được. “Do đó, tôi tính đến cách để đưa các từ đó như ví dụ, cấu tạo từ, hoặc từ láy… Chưa kể, mỗi từ với mỗi nghĩa lại phải qua trao đổi thống nhất giữa nhiều người, phải lập phiếu riêng…”, phó giáo sư kể.

Với những khác biệt đó, bà cùng cộng sự đã phải mất đến hai năm chỉ để đưa ra các nguyên tắc, và mất đến 16 năm miệt mài bên nước bạn, từ 1986 đến 2002, để hoàn tất cuốn Đại từ điển Việt - Nga. Trở về nước năm 2002, bà còn phải dành đến 10 năm để biên tập lại.

Phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh xem lại cuốn từ điển Việt - Nga mà bà đã mất 26 năm miệt mài mới hoàn thành. Ảnh: CTV/Vietnam+

Phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh xem lại cuốn từ điển Việt - Nga mà bà đã mất 26 năm miệt mài mới hoàn thành. Ảnh: CTV/Vietnam+

“26 năm cho một cuốn từ điển, nhiều người hỏi vì sao lại tốn quá nhiều thời gian như vậy? Một cuốn từ điển, nhìn đơn giản, nhưng sau lưng nó là bao nhiêu lý thuyết. Chúng tôi vẫn đùa là nếu ai phạm tội, không cần cho ngồi tù, cứ bắt đi làm từ điển là đủ sợ rồi”, bà Tuyết Minh cười nói.

Dành chừng ấy thời gian cho công trình của mình, nhưng bà Tuyết Minh bảo dù có tỉ mỉ đến đâu thì cuốn từ điển vẫn không thể tránh những sai sót. “Từ điển là để tra, bất kỳ khi nào người ta cũng có thể tìm ra lỗi, nên tôi hay nói với mọi người rằng, làm từ điển tức là cả đời tôi ngồi trên ghế... bị cáo”, bà bông đùa.

Bên cạnh việc làm Đại từ điển Việt - Nga, phó giáo sư Minh cũng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga và biên dịch nhiều cuốn sách có giá trị.

Cả cuộc đời gắn bó với tiếng Nga, bà Tuyết Minh bảo rằng đó là điều rất may mắn. "Học tiếng Nga không những để biết được thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp mình hiểu thêm một nền văn hóa vĩ đại. Không những thế, tôi còn hiểu và học được rất nhiều điều từ tính cách, tình cảm của những con người Nga thân thiện", phó giáo sư Minh chia sẻ.

Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga, có đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạnh Nga thế kỷ 19. 
Ứng viên nhận Huy chương Pushkin gồm công dân Nga và nước ngoài có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, văn học và giáo dục. Người được nhận Huy chương Puskin phải có kinh nghiệm tối thiểu 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xã hội nhân văn. 
Tổng số người được nhận Huy chương Puskin có hơn 900 người đến từ 90 quốc gia, trong đó có 12 nguyên thủ quốc gia.

Theo TTXVN/Vietnam+

  • Từ khóa

Giới trẻ Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực tiếng Anh

Các khoa tiếng Anh của các trường ĐH chủ yếu đào tạo về chuyên sâu về ngôn ngữ và giảng dạy, trong khi đó các trung tâm ngoại ngữ mạnh hơn về kỹ năng.
07:51 - 22/12/2024
164 lượt xem

Bạo lực súng đạn đe dọa trường học ở Mỹ

Bạo lực súng đạn tại các trường học ở Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.
20:03 - 21/12/2024
456 lượt xem

Cần giảm bớt khâu trung gian trong chọn sách giáo khoa

Trong gần 5 năm học thực hiện sách giáo khoa xã hội hóa, đã có tới 3 lần thay đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn...
10:25 - 21/12/2024
642 lượt xem

Thêm một địa phương thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ bảy

Sở GD-ĐT Phú Thọ vừa có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy.
16:20 - 20/12/2024
1,136 lượt xem

Đào tạo truyền thông: Sinh viên nên được tiếp cận nghề nghiệp sớm

Khối ngành truyền thông có hơn 30 trường đại học đào tạo. Vấn đề đặt ra làm sao để đảm bảo quyền lợi sinh viên, tránh chạy theo số lượng tuyển sinh.
14:29 - 20/12/2024
1,182 lượt xem