Dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 do Bộ GD-ĐT công bố có một thay đổi quan trọng là bỏ 'chế độ' hai điểm chuẩn. Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao?
TS Phạm Thu Hương - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, tư vấn cho thí sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 do báo Tuổi trẻ tổ chức - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh các năm trước quy định các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10).
Các thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Như vậy, nếu trường lấy điểm chuẩn tối thiểu bằng điểm sàn thì các thí sinh này sẽ được áp dụng một mức điểm chuẩn khác, thấp hơn 1 điểm so với các thí sinh khác.
Tuy nhiên, theo dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 vừa công bố, bộ đã bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng bỏ chế độ ưu tiên đặc biệt này đối với các thí sinh hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khi xét tuyển vào các trường ĐH đóng trên địa bàn.
Mức điểm chuẩn dành cho các thí sinh này trong mùa tuyển sinh 2018, theo đó, dự kiến sẽ bình đẳng với tất cả các thí sinh khác.
Ngày 12-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược - ĐH Thái Nguyên, cho biết khi thực hiện theo quy chế cũ, các năm trước thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh Tây Bắc khi xét tuyển vào trường sẽ được chấp nhận trúng tuyển với điểm chuẩn thấp hơn 1 điểm so với điểm chuẩn chung.
Các thí sinh này sau đó sẽ phải học phải học bổ sung kiến thức một học kỳ, rồi trải qua một kỳ sát hạch do trường tổ chức trước khi vào học chính thức.
Mỗi năm, toàn trường có khoảng 15-20 thí sinh trúng tuyển theo diện này (chiếm 5-7% chỉ tiêu tuyển sinh).
Dù việc tổ chức học bổ sung kiến thức cho số lượng ít sinh viên khá vất vả, nhưng PGS Sơn vẫn cho rằng đây là chính sách nên nghiên cứu để duy trì để tạo nguồn nhân lực cần thiết cho những vùng còn khó khăn.
"Điểm chuẩn dành cho các thí sinh này thấp hơn điểm chuẩn bình thường 1 điểm nhưng xét về chất lượng, đối tượng này vẫn hơn diện cử tuyển. Các em ở vùng khó khăn, hầu như không có điều kiện học thêm nên đạt mức điểm xét tuyển như vậy cần được động viên, khuyến khích"- ông Sơn nói.
Tuy nhiên theo GS Sơn, nếu tiếp tục duy trì chính sách này thì cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo và các địa phương để những thí sinh trúng tuyển theo chính sách này có điều kiện trở về quê hương công tác, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Ngọc Hà/Tuổi trẻ