11
/
57988
Cô giáo bật khóc khi nhận được món quà Tết đầu tiên sau gần 30 năm dạy học
co-giao-bat-khoc-khi-nhan-duoc-mon-qua-tet-dau-tien-sau-gan-30-nam-day-hoc
news

Cô giáo bật khóc khi nhận được món quà Tết đầu tiên sau gần 30 năm dạy học

Thứ 2, 12/02/2018 | 08:29:36
580 lượt xem

Sau hơn 27 năm dạy học, món quà Tết là những túi gạo nhỏ từ các em học sinh vùng cao khiến chị Đỗ Thị Thắm (giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) vô cùng xúc động. Món quà Tết lần đầu tiên chị được nhận vượt xa những giá trị về vật chất.

Câu chuyện được bạn Võ Huyền Trang (con gái chị) chia sẻ trên mạng xã hội mới đây về món quà Tết mà học sinh dành tặng cho mẹ mình – một giáo viên vùng cao với gần 30 năm dạy học khiến nhiều người cảm động.

quà Tết,tặng quà Tết,giáo viên

Món quà Tết là những túi gạo nhỏ sau hơn 27 năm dạy học ở vùng núi của cô giáo Đỗ Thị Thắm.

Trang kể về câu chuyện khi cảm nhận được niềm vui hạnh phúc của mẹ:

“Mẹ mình là giáo viên dạy cấp 1 trên vùng núi cao ở Hoà Bình. Đi dạy ở vùng cao cũng 28 năm rồi mà năm nay là năm đầu tiên được học sinh tặng quà Tết.

Mình không hiểu các thầy cô dạy ở thành phố hay những nơi “văn minh” hơn khi nhận được những món quà Tết đắt tiền đẹp đẽ hơn sẽ có cảm giác thế nào, chứ mẹ mình khi nhận được những túi gạo nếp này mẹ mừng lắm. Vì trong gần 30 năm đi dạy học lần đầu được lũ nhỏ tặng quà, hôm trước vừa nấu cơm cho bọn nhỏ ăn Tết thì hôm sau mỗi đứa mang một túi biếu cô.

Đầu năm học vừa rồi mẹ chuyển đến điểm lẻ xa hơn, mấy đứa trẻ trời lạnh chỉ mặc độc một cái áo và đi dép chứ làm gì có đủ áo ấm với tất mà đi. Giữa giờ ra chơi thì đốt một đống lửa rồi cả thầy cả trò cùng sưởi, mẹ mình có gửi ảnh cho xem nhìn thương lắm nhưng mà vui...”

Cô con gái chia sẻ câu chuyện và cũng thầm cảm ơn mẹ sau 30 “cõng chữ lên núi” bởi thấy được nụ cười tươi lúc mẹ mang chỗ quà này về, dù ai cũng biết món quà không nhiều giá trị vật chất.

Trang cho biết mẹ cô đang dạy học tại một điểm trường thuộc huyện vùng cao Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình nơi chủ yếu là học sinh dân tộc Dao rất khó khăn.

Trong một dịp Trang đi cùng mẹ lên điểm trường, cô xót xa khi chứng kiến dưới cái lạnh cắt da cắt thịt mà những em học sinh nơi đây chỉ một manh áo phong phanh.

Trang chia sẻ mẹ cô nhận được món quà Tết này vào buổi học cuối cùng của năm cũ. Cuối tuần về nhà, mẹ mang ra khoe với Trang rồi bật khóc chỉ vì thương học sinh.

Sau khi thấy học sinh mang gạo đến tặng, mẹ Trang có dặn các em mang về cho cái Tết đầy đủ hơn nhưng các em học sinh nhất định để lại làm quà Tết cho cô.

Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi.

Nhiều bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những vất vả, thiệt thòi của các giáo viên vùng cao, đồng thời cũng cho rằng các em nhỏ vùng cao và người vùng cao tuy cuộc sống vất vả nhưng rất tình cảm.

Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Đỗ Thị Thắm kể đây có lẽ là một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất  trong đời chị: “Khi nhận được món quà này thật sự tôi quá xúc động, bởi hơn 27 năm đi dạy học, đây là lần đầu tiên được nhận quà dù không nhiều giá trị vật chất. Vì hoàn cảnh gia đình các em quá nghèo, nên lúc học sinh mang đến tôi cũng không nghĩ là để tặng cô giáo.

Sau khi học sinh mang tặng, tôi bảo cô nhận rồi nhưng cô gửi lại các em mang về để lo Tết cùng với bố mẹ thì các em một mực bảo bố mẹ dặn bảo biếu cô mang về ăn Tết. Lúc nói xong câu đấy, bất chợt tôi cũng chảy nước mắt.

Cứ nghĩ đến cuộc sống các em còn quá khó khăn nhưng vẫn mang quà tặng mình, tôi cảm thấy càng trân trọng và càng thấy thương học sinh nhiều hơn”.

quà Tết,tặng quà Tết,giáo viên

Cô giáo Đỗ Thị Thắm và các học trò của mình.

Công tác đến nay đã 27 năm trong nghề nhưng đều gắn bó với các huyện miền núi khó khăn, với chị Thắm khái niệm quà Tết cũng khá xa lạ và gần như cũng chẳng bao giờ nghĩ đến.

Là giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) nhưng chị dạy ở điểm lẻ Sưng cách xa điểm trường chính nhất.

Ở điểm này có 48 học sinh và chị được phân công phụ trách cùng 3 giáo viên khác. Để đến được điểm trường, cô giáo năm nay 47 tuổi này vẫn đều đặn hàng tuần phải vượt qua chặng đường gần 100 cây số. Đường vào trường là đất đỏ đi lại rất khó khăn. Thậm chí, có hôm trời mưa bị sạt đất, chị và các đồng nghiệp còn phải dắt xe trên con đường lầy lội để có thể đến trường dạy học.

Dù vất vả nhưng lòng yêu nghề, yêu học sinh thôi thúc chị tiếp tục cố gắng đem con chữ đến cho các học sinh vùng cao khó khăn đến ngày hôm nay.

Càng tiếp xúc càng thấu hiểu, biết học sinh thiệt thòi chị càng trăn trở bù đắp các em từ những điều nhỏ nhất.

Mỗi lần về xuôi, cô giáo Thắm thường mang đồ lên tặng các em như quần áo và đồ dùng học tập. Đang ngồi học mà thấy xịu mặt xuống, biết các em đói, chị lại đi nấu mỳ tôm cho các con ăn.

Ngoài lịch dạy của nhà trường, các buổi chiều không về nhà, chị Thằm cùng các đồng nghiệp còn tổ chức dạy bổ sung kiến thức thêm cho các em.

Hẳn cũng vì thế học trò cũng rất tình cảm và quý cô giáo. Kỷ niệm với học trò đầy ắp trong chị: “Từ điểm trường tôi đến điểm chính có 3 điểm trường, cứ gặp học sinh đi bên đường là các em chào. Dù tôi bịt khăn kín mít không nhìn thấy mặt mà các em cũng nhìn ra, gặp chỗ nào bên đường cũng ríu rít chào cô. Có hôm bé học sinh lên bảo với tôi rằng bố mẹ nói nếu cô ở lại thì về nhà em mà tắm và ăn cơm cho thoải mái. Thật sự đó là những động lực, niềm vui mỗi ngày để tôi dặn mình tiếp tục cố gắng”, chị Thắm kể.

quà Tết,tặng quà Tết,giáo viên

Chị Thắm chia sẻ, biết hoàn cảnh học sinh khó khăn, chị chỉ mong các học sinh ngoan, chăm đi học. “Là giáo viên, quý nhất tình cảm của học trò dành cho bản thân mình. Tôi mong gia đình các em đỡ khổ, đầy đủ hơn để gia đình quan tâm đến các em hơn, cho các em được đến trường, được đi học”.

Nói về điều ước năm mới, chị Thắm tâm sự: “Năm mới sắp sửa đến tôi chỉ mong sức khỏe mình được tốt để tiếp tục lên lớp với các em học sinh. Đó cũng là niềm vui nhất của tôi mỗi ngày. Các con thì đỡ khổ, ngoan, học giỏi, dù có thể sang năm tôi sẽ được luân chuyển sang điểm lẻ khác.

Năm nay, công tác tại điểm lẻ xa nhất, chị Thắm cho biết nhà trường cũng tạo điều kiện phân công chị điểm gần nhất là điểm trường chính vì nhà chị xa nhất. Nhưng cô giáo Thắm xung phong đi vì muốn trải nghiệm và giúp học sình vùng khó nhiều hơn.

Theo Thanh Hùng/Vietnamnet

  • Từ khóa

Giới trẻ Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực tiếng Anh

Các khoa tiếng Anh của các trường ĐH chủ yếu đào tạo về chuyên sâu về ngôn ngữ và giảng dạy, trong khi đó các trung tâm ngoại ngữ mạnh hơn về kỹ năng.
07:51 - 22/12/2024
169 lượt xem

Bạo lực súng đạn đe dọa trường học ở Mỹ

Bạo lực súng đạn tại các trường học ở Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.
20:03 - 21/12/2024
461 lượt xem

Cần giảm bớt khâu trung gian trong chọn sách giáo khoa

Trong gần 5 năm học thực hiện sách giáo khoa xã hội hóa, đã có tới 3 lần thay đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn...
10:25 - 21/12/2024
647 lượt xem

Thêm một địa phương thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ bảy

Sở GD-ĐT Phú Thọ vừa có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy.
16:20 - 20/12/2024
1,139 lượt xem

Đào tạo truyền thông: Sinh viên nên được tiếp cận nghề nghiệp sớm

Khối ngành truyền thông có hơn 30 trường đại học đào tạo. Vấn đề đặt ra làm sao để đảm bảo quyền lợi sinh viên, tránh chạy theo số lượng tuyển sinh.
14:29 - 20/12/2024
1,187 lượt xem