Dự thảo quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông Bộ GD-ĐT vừa công bố để lấy ý kiến rộng rãi với 5 tiêu chuẩn gồm 21 tiêu chí cho một hiệu trưởng “chuẩn”. Đặc biệt, nhấn mạnh đến tiêu chuẩn năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ
Toàn bộ dự thảo quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông xem TẠI ĐÂY
Theo Bộ GD-ĐT, mục đích chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của hiệu trưởng trường phổ thông.
Qua đó, làm căn cứ để Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo chuẩn hiệu trưởng với 21 tiêu chí (Trong ảnh: Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM trong một hoạt động ngoại khóa cùng học trò)
Tiêu chuẩn 1: gồm 3 tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Tiêu chuẩn 2 về trình độ chuyên môn gồm 3 tiêu chí như trình độ chuyên môn đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; Tiêu chí về nghiệp vụ sư phạm: Có kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ giáo viên phát triển nghiệp vụ sư phạm; Tiêu chí về ngoại ngữ: sử dụng được ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.
Tiêu chuẩn 3 về năng lực quản lý nhà trường gồm 8 tiêu chí. Như tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường gồm: phân tích tình hình, mục tiêu, kết quả, hoạt động và điều kiện thực hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể của nhà trường, của địa phương và định hướng của ngành Giáo dục; Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; Quản trị tổ chức, hành chính; Quản trị nhân sự: Quản trị về tài chính, cơ sở vật chất; Quản lý chất lượng giáo dục…
Tiêu chuẩn 4 về năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ gồm 2 tiêu chí: Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học: Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong nhà trường hiệu quả, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiếnvề các hoạt động giáo dục; Chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lề lối làm việc, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức lối sống trong nhà trường phù hợp với bản sắc dân tộc địa phương, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Tiêu chuẩn 5 về năng lực phát triển xã hội gồm 5 tiêu chí. Gồm phát triển mối quan hệ với cấp quản lý ngành; Phát triển mối quan hệ cha mẹ với học sinh; Phát triển mối quan hệ với chính quyền địa phương; Phát triển mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức xã hội; Tổ chức thông tin và nhận phản hồi từ các bên liên quan về hoạt động, kết quả giáo dục của nhà trường thông qua các kênh thông tin, truyền thông đa dạng nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động của trường.
Đánh giá chuẩn hiệu trưởng gồm 3 bước: Bước 1: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại năng lực và lập kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng. Bước 2. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Bước 3. Kết luận đánh giá, xếp loại năng lực hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. |
Toàn bộ dự thảo quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông xem TẠI ĐÂY
Theo Hoài Nam/Dân trí