Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên mong được hướng dẫn cụ thể trong việc đánh giá khách quan trình độ, năng lực của học sinh.
Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố dự thảo chương trình của 20 môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến của dư luận xã hội và dự kiến chương trình môn học mới chính thức được ban hành vào tháng 4/2018.
Cô Trần Thu Hà, giáo viên trường THCS Trưng Vương, Hà Nội băn khoăn, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá học sinh một cách hiệu quả, thực chất, bài bản nhất chứ không phải dựa trên hồ sơ, giấy tờ.
Theo cô Thu Hà, việc đánh giá học sinh theo chương trình mới có thể để cho một số trường thực hiện trước như ngành Giáo dục địa phương có thể về các trường dự giờ học mà không báo trước để xem giáo viên giảng dạy thực tế như thế nào và cách nhìn nhận của học sinh ra sao.
Giáo viên băn khoăn đánh giá thực chất học sinh theo chương trình mới (ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhà trường có thể lấy ý kiến công khai hay đánh giá trực tuyến trình độ của học sinh. Việc đánh giá làm sao thực chất nhất để giáo viên không cảm thấy bỡ ngỡ.
Để đánh giá đúng năng lực, trình độ của học sinh, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội nêu quan điểm: Đổi từ mô hình giảng dạy truyền thống sang chương trình giáo dục phổ thông mới là một sự thay đổi có tính hệ thống.
Trước tiên là thay đổi đội ngũ cán bộ quản lý, hiệu trưởng vì đây là những nhân tố quan trọng thay đổi chất lượng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, các trường sư phạm phải đi trước một bước trong việc nắm vững đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để có thể giảng dạy và đánh giá đúng năng lực của học sinh theo chương trình mới
Thiếu cơ sở vật chất thì không thể thực hiện hiệu quả được
Chương trình giáo dục phổ thông mới có hay đến mấy mà cơ sở vật chất các trường học chỉ mang tính hô hào, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì sẽ đi vào “vết xe đổ” của những chương trình trước. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
Nếu giảng dạy theo tinh thần phát triển năng lực thì đòi hỏi cơ sở vật chất trường học, thiết bị giảng dạy được đầu tư. Nếu chưa đầu tư đồng loạt cùng một lúc được thì Nhà nước cũng nên đầu tư từng bước cho các địa phương, trường học.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, để thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, ngoài ngân sách của Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất thì ngành Giáo dục cần thực hiện công tác xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân.
Chúng ta nên tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các trường học ngoài công lập giảng dạy chất lượng cao.
Đồng ý với quan điểm trên, cô Trần Thu Hà nêu ý kiến, khi nhà trường thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm rất cần được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy. Muốn đạt được mục tiêu này, ngoài việc huy động nguồn vốn đóng góp của Nhà nước rất cần sự đóng góp từ công tác xã hội hóa giáo dục./.
Theo Bích Lan/VOV.VN