Chương trình, SGK mới sẽ là sự thay đổi có tính bước ngoặt trong cách dạy và học. Tuy nhiên, liệu đội ngũ GV có bắt kịp sự thay đổi này?
Lo lắng về nguồn nhân lực
Đội ngũ Giáo viên (GV) là một trong những yếu tố nòng cốt và quyết định đến sự thành công của Chương trình, SGK mới. Tuy nhiên hiện nay nhiều chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục vẫn còn băn khoăn về nguồn nhân lực hiện có.
Ông Lưu Luyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên (HN) cho rằng: Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức độ chuẩn của giáo viên các cấp với chương trình, sách giáo khoa cũ chỉ đạt 75%. Vì vậy, để đạt được đích về chất lượng đội ngũ giáo viên do Bộ đề ra, huyện Phú Xuyên gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù cũng chuẩn bị cho việc triển khai chương trình phổ thông mới.
Đội ngũ giáo viên là yếu tốt nòng cốt quyết định sự thành công của Chương trình này.
Ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (HN) cho biết: Để dạy được những môn tích hợp theo Chương trình, SGK mới, nhà trường cũng bắt đầu có sự chuẩn bị trước.
Tuy nhiên điều băn khoăn, lo lắng nhất của nhà trường vẫn là nguồn nhân lực.
“Với đội ngũ giáo viên như hiện nay, việc tham gia dạy những môn tích hợp về xã hội, khoa học tự nhiên, hỏi rằng giáo viên đã đáp ứng được chưa, các kiến thức chuẩn bị như thế nào? Tôi là giáo viên vật lý, không đơn giản là tôi có thể dạy được cả hóa, sinh”, ông Đoàn Công Thạo nói.
Về vấn đề đội ngũ giáo viên, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới cho biết: Ngay từ đầu khi bắt tay vào xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm điều tra, rà soát đội ngũ GV ở từng cấp, môn học. Đặc biệt, với những môn học mới, tích hợp nhiều môn, GV ngoài việc sẽ được tập huấn thì họ sẽ được học các tín chỉ.
“Từ nay đến lúc triển khai chương trình THCS còn 3 – 4 năm nữa nên tôi nghĩ đủ sức để chuẩn bị cho đội ngũ GV này. Chương trình này nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho học sinh vì vậy GV phải áp dụng những phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, cụ thể là phải tổ chức cho học sinh hoạt động để chiếm lĩnh tri thức, để rèn luyện kỹ năng và để vận dụng những điều đã học được ở trong chương trình vào thực tế đời sống hàng ngày”, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm.
Sẽ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán trong 8 ngày
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có kế hoạch chi tiết về việc bồi dưỡng GV. Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện bồi dưỡng GV theo chương trình phổ thông mới, dự kiến thời lượng khoảng 8 ngày, đều cho các môn và các cấp. Dự kiến, việc bồi dưỡng sẽ được tiến hành vào quý II năm học 2019-2020.
Giáo viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu khi triển khai Chương trình. (Ảnh: Hải Nam)
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ sẽ bồi dưỡng GV cốt cán theo hình thức tập trung để làm nòng cốt trong quá trình bồi dưỡng đại trà, mỗi môn ở mỗi cấp sẽ có 2 GV/ tỉnh, thành. Riêng bồi dưỡng đại trà cho GV, cán bộ quản lý các trường theo lộ trình là: Năm 2019 (GV lớp 1); Năm 2020 (GV lớp 2, lớp 6); Năm 2021 (GV lớp 3, lớp 7, lớp 10); Năm 2022 (GV lớp 4, lớp 8, lớp 11); Năm 2023 (GV lớp 5, lớp 9, lớp 12).
Theo PGS-TS Đỗ Tiến Đạt – Chủ biên chương trình môn Toán, trên cơ sở quá trình dạy học, GV hoàn toàn có thể đáp ứng được đổi mới. Quan trọng nhất là GV được sự trợ giúp tập huấn, có định hướng thay đổi, cố gắng để giúp học sinh suy nghĩ cần học như thế nào, đi từ đâu, giúp người học kiến tạo nên kiến thức. “Tôi tin rằng GV với sự tập huấn chu đáo, cẩn thận của bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý địa phương thì GV hoàn toàn có thể bắt nhịp và đáp ứng được khi triển khai Chương trình, SGK mới”, PGS-TS Đỗ Tiến Đạt chia sẻ./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN