Điểm số của học sinh ảnh hưởng đến thi đua của giáo viên dẫn đến thực tế, một số giáo viên không kiểm soát được bản thân, quá “sùng” thành tích mà có những hành vi bạo lực với học trò.
Chỉ tiêu: Nỗi khổ của giáo viên
Tiếng nói người trong cuộc: Giáo dục bao giờ hết bệnh thành tích?
Bộ Giáo dục yêu cầu toàn ngành khắc phục bệnh thành tích
Không chỉ phụ huynh đánh con vì điểm thấp mà cả giáo viên cũng bạo hành học sinh vì điểm số, bài tập. Dù mỗi em một khả năng, tiếp thu bài học, môn học khác nhau nhưng với phương pháp giáo dục dùng chung một thước đo nên các em bị áp chung bài học, lượng bài tập, điều này dẫn đến căng thẳng cho nhiều học trò và giáo viên.
Không thể bao biện về bất kỳ hành vi bạo lực nào đối với học trò, với bất cứ lý do gì. Nhiều giáo viên dùng đòn roi với học sinh vẫn bao bọc bởi “lý tưởng” vì học sinh, vì lo cho các em, mong các em tiến bộ. Nhưng với nhiều người, tình yêu thương thật ra xuất phát từ việc chạy theo thành tích của chính mình.
Một học sinh ở Trường tiểu học Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội bị giáo viên đánh bầm tay vì không làm đủ bài tập
Giữa năm 2017, một học sinh lớp 5 ở Trường tiểu học Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) bị giáo viên đánh bầm tím cả cánh tay vì lý do em không làm đủ bài tập. Về sâu xa, quan điểm của cô giáo này, lớp mình chủ nhiệm phải là lớp đầu của trường chứ không được phép đứng top dưới. Chính áp lực thành tích này, cô đã tạo áp lực cho chính mình.
Một trường hợp khác xảy ra tại Trường tiểu học Diễn Lãm (huyện Quỳ Châu, Nghệ An), cô giáo đánh cùng lúc nhiều học trò do đạt điểm kém trong đợt kiểm tra khảo sát chất lượng giữa kỳ. Có em bị đánh vào đầu, bị chóng mặt, nôn ói phải vào viện kiểm tra làm phụ huynh vô cùng bức xúc.
Theo lý giải của cô giáo, những học sinh mà mình tin tưởng, có học lực khá, giỏi lại không đạt được kết quả như mình mong muốn. Cô đánh học sinh nhằm răn đe để các em tập trung hơn. Cô giáo này bị đình chỉ dạy học 1 năm, làm công việc tạp vụ.
Những vụ việc trên không phải là cá biệt. Giáo viên vì áp lực, trong đó chạy theo thành tích thi đua dẫn đến nhiều phương pháp, hành vi phản sư phạm trong giáo dục. Giáo viên có một nỗi ám ảnh rất lớn là… học trò bị điểm thấp. Điểm số đó, giáo viên biết rõ hơn ai hết có thể không phản ánh đúng năng lực của các em nhưng kết quả đó lại là phản ánh điểm thi đua của giáo viên. Cô giáo có thể “rớt hạng” vì điểm số của một vài học sinh.
Không chỉ dùng đòn roi trực diện trên học sinh bị điểm kém. Chạy theo thành tích, với nhiều chiêu ứng phó gian dối, giáo viên còn có nhiều hành vi bạo hành lên những học sinh khác. Những cách như ép học sinh học theo bài mẫu, theo đề thi, học thuộc lòng hay nhờ học sinh giỏi nhắc bài cho học sinh yếu… đều tác động nguy hại đến học sinh.
Giáo dục nguy hiểm nhất là không nhìn nhận năng lực của người học và sự gian dối. Mà hai yếu tố này chúng ta đều đang mắc phải khi mê mải chạy theo thành tích, thi đua.
Học sinh bị điểm dưới trung bình, giáo viên sẽ bị trừ điểm thi đua dẫn đến áp lực cho thầy và trò
Trong một tọa đàm giáo dục, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) kể, bà đã biết những trường cô giáo xếp học sinh yếu ngồi bên học sinh giỏi để các em tiện bề chép bài. Nhưng sau đó em học sinh yếu vẫn không đủ điểm thì em học sinh giỏi bị cô giáo công khai trừng phạt. Em bị phạt đứng giăng hai tay, quỳ trên ghế. Không chỉ thế em còn bị cô nhục mạ, chì chiết trước lớp là đứa trẻ ích kỷ, nhỏ nhen không giúp đỡ bạn bè.
Một giáo viên ở quận 4, TPHCM bày tỏ quan điểm, mối quan hệ thầy trò căng thẳng cũng một phần do thành tích thi đua. Hơn 20 năm công tác ở trường công lập, cô thấy rõ áp lực lớn nhất chính là thành tích, ngày càng tăng và lây lan khắp nơi. Thành tích thể hiện rõ nhất và nguy hại nhất chính là thi cử, điểm số.
Học sinh trở thành nạn nhân của cả bố mẹ lẫn giáo viên. Phía phụ huynh, ai cũng muốn con mình giỏi, nhiều người cho rằng danh dự của mình nằm ở... điểm số của con. Giáo viên cũng chịu áp lực kỳ vọng từ bố mẹ rồi áp lực thi đua dẫn đến việc giảng dạy và tâm lý bất ổn. Thái độ người thầy sẵn sàng bực bội và học sinh phải hứng chịu toàn bộ.
Về nhà sợ cha mẹ, nhiều học sinh còn sợ đến trường, sợ đối diện với thầy cô giáo, nhất là khi điểm số học tập của mình không làm hài lòng thầy cô. Một quản lý giáo dục ở TPHCM chia sẻ, khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” hiện nay rất khó khi mà giáo viên đang “gánh” nhiều chỉ tiêu thi đua mà chỉ có thể “trút” vào học trò. Theo ông, để có học sinh tích cực thì trước hết, giáo viên phải tích cực.
Theo Hoài Nam/Dân trí