Từ ngày 20/2, giáo viên mầm non, cả trong và ngoài công lập, giáo viên biên chế và hợp đồng, đều sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ. Đây là nội dung quan trọng của Nghị định 06/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Giáo viên mầm non sẽ được hưởng thêm nhiều chính sách hỗ trợ. (Ảnh: TTXVN)
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Giáo viên thuộc nhóm này nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non theo bảng lương của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Thời gian và bậc lương hưởng khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động được nối tiếp để xếp lương và thực hiện chính sách khi được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động.
Biểu đồ cơ cấu giáo viên mầm non trong và ngoài biên chế. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Thứ hai là giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.
Các giáo viên này sẽ được nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.
Thứ ba là giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Những giáo viên này được thanh toán tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số (nếu có) theo quy định. Tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) được chi trả theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm.
Thứ tư là giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Hằng tháng, mỗi giáo viên sẽ được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng. Thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 của năm liền kề), tiền hỗ trợ được trả cùng với tiền lương và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, cả nước có gần 250.800 giáo viên mầm non. Trong đó, trên 166.800 giáo viên biên chế, hơn 83.000 giáo viên hợp đồng. Số giáo viên mầm non công tác trong các trường công lập là trên 210.300 giáo viên. Gần 40.500 giáo viên đang dạy tại các trường mầm non ngoài công lập./.
Theo Phạm mai (TTXVN/Vietnam+)