Nhiều giáo viên mầm non than thở, kêu trời nếu phải trông trẻ từ 3 tháng tuổi theo dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục do Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Cơ sở mầm non sẽ được tiếp nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi? (Ảnh mang tính minh họa)
Trước thông tin các cơ sở mầm non phải nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi theo dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục, nhiều giáo viên mầm non cho rằng, trông trẻ 2 tuổi đã áp lực giờ phải trông trẻ biết lẫy còn áp lực gấp ngàn lần.
"Đừng cho phép nhận trẻ 3 tháng tuổi"
Chưa nói đến các địa phương khác, chỉ riêng ở Hà Nội, nếu quy định mới này có hiệu lực, đây sẽ là áp lực không nhỏ cho các giáo viên.
Cô Thu Huyền, giáo viên dạy mầm non của trường Mầm non Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) thốt lên: “Đừng cho phép nhận trẻ từ 3 tháng tuổi không thì bọn em áp lực lắm”.
Cô giáo Huyền cho biết, giáo viên trẻ dạy mầm non áp lực đã lớn nếu trông cả trẻ 3 tháng tuổi còn áp lực lớn hơn gấp trăm lần.
“Nếu nhận trẻ 3 tháng tuổi thì liệu giáo viên có đủ cho một trẻ một cô không vì đặc thù của lứa tuổi này thì chỉ có chăm là chính mà dạy thì ít. Nếu trẻ đông mà giáo viên ít thì không thể kham nổi. Đã công kham nổi công việc thì rất dễ xảy ra sai sót”- Cô Huyền chia sẻ.
Cũng theo cô Huyền, nếu nhận trẻ 3 tháng tuổi sẽ khó thể thực thi khi mà lượng giáo viên mầm non không phải ai cũng có kỹ năng, kinh nghiệm chăm trẻ ở độ tuổi này.
“3 tháng trẻ chưa biết lẫy. Ở độ tuổi này có đứa quấy, nhiều đứa hay ốm nên sẽ nghỉ học suốt. Dạy trẻ 6 tháng đã khó chứ đừng nói đến 3 tháng tuổi thì cả là thách thức với nhiều giáo viên”- cô Huyền cho hay.
Đồng quan điểm, cô Thanh Nga, một giáo viên dạy ở một trường mầm non tư ở quận Ba Đình, Hà Nội đang trông trẻ 6 tháng tuổi cho rằng, nếu dự thảo này được áp dụng, khả năng nhiều giáo viên mầm non vì áp lực quá có khi bỏ dạy.
Cô Nga cho biết, dạy trẻ vài tháng tuổi rất khó vì độ tuổi này tập trung không cao, ăn ngủ không giờ giấc. Trẻ không học mấy vì biết hết mặt chữ số, có dạy nhưng trẻ không tiếp thu được nhiều.
“Bọn em ngày chỉ dạy 2 tiết về vận động tinh cho các bạn chứ không dạy về kiến thức như dạy cầm, nắm, sờ vật. Lớp em có 9 trẻ trong độ tuổi 6 tháng trở lên nhưng lúc nào cũng phải có 4 cô. Nếu trường công lập nhiều trẻ mà ít giáo viên thì không thể sát sao với trẻ được”- cô Nga cho hay.
Sẽ bất khả thi?
Cô Thái Liên Hương, giáo viên của trường Mầm non Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, việc gửi trẻ 3 tháng tuổi có thể sẽ có nhiều ở khu công nghiệp chứ trong nội thành nhu cầu sẽ ít hơn.
Cô Liên Hương cho biết, nhận trẻ ở độ tuổi này sẽ gây khó cho giáo viên ở chỗ, lứa tuổi này chỉ chăm chứ chưa dạy gì. Mà đặc thù của giáo viên viên mầm non là chăm sóc và giáo dục trẻ, vì thế lớp sẽ cần nhiều cô hơn ở các lứa tuổi khác. Vậy nếu là bắt buộc ở công lập thì phải có kế hoạch cụ thể.
“Nếu lớp công lập các lứa tuổi khác đều đông tới 50 học sinh thì ở lứa tuổi này cần có quy định rõ ràng là bao nhiêu học sinh/lớp, giáo viên sẽ bao nhiêu. Điều này đều phải rõ ràng”- cô Hương chia sẻ.
Cơ sở vật chất thiếu đủ bề, đội ngũ giáo viên không đồng đều về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm đang trở thành rào cản lớn của giáo dục mầm non Hà Nội thời điểm hiện tại. Vô hình trung, chủ trương nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở thành áp lực không nhỏ với các trường.
Cô giáo Nguyễn Thanh Hà, hiệu trưởng trường mầm non tư thục khá uy tín ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, riêng lớp có trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi đã khiến giáo viên rất vất vả do đặc thù lứa tuổi, vì vậy chúng tôi phải tuyển lựa giáo viên kỹ càng, có kinh nghiệm chăm trẻ mới đảm bảo được việc đứng lớp. Với trẻ 3 tháng tuổi thì quả thực, tôi còn chưa dám nghĩ đến.
“Phải là một giáo viên có kinh nghiệm làm mẹ hoặc làm nghề lâu năm may ra mới dám nhận trông các bé lứa tuổi này do đề kháng của bé còn quá yếu, nhu cầu chăm sóc đòi hỏi phải có kiến thức. Hơn nữa, điều kiện vật chất phải đảm bảo tốt hơn, tiện nghi hơn thì mới có thể mở lớp. Nói thật, dù có chủ trương hay không, chúng tôi cũng không đăng ký tuyển sinh do tự nhận thấy chưa đủ điều kiện mở lớp”- cô Hà cho hay.
Theo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), trên địa bàn quận hiện không có trường công lập nào nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi, chỉ có 1 trường tư thục nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, song lớp này thường không ổn định, sĩ số trẻ/lớp không cao.
Còn với toàn thành phố, Trường Mầm non 20-10 là trường công lập hiếm hoi trong số hơn 700 trường công lập nhận trẻ từ 18 tháng tuổi, vì thế việc nhận trẻ 3 tháng tuổi là nhiệm vụ bất khả thi do khó đảm bảo đủ điều kiện cả về nhân lực và vật lực.
Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục do Bộ GD&ĐT vừa công bố có quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi.
Theo Đỗ Hợp/Tiền phong