Từ chất đuổi côn trùng từ lá cây, bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý đến ứng phó với bắt nạt qua mạng... các học sinh đã khiến người lớn bất ngờ.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) giới thiệu đề tài "Bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý qua nước tiểu" tại vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp TP - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Sự sáng tạo của học sinh làm tôi rất bất ngờ. Cuộc thi thực sự là nơi cho các học sinh thể hiện niềm đam mê và sự sáng tạo của mình. Có những đề tài rất tuyệt vời, nhất là mặt ý tưởng...
Một thành viên ban giám khảo
Vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp TP (do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức) vừa diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày 4-1. Ban tổ chức đã chọn ra 95 đề tài từ hơn 600 sản phẩm dự thi của học sinh THPT và THCS vào vòng chung kết năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết chất lượng các đề tài năm nay cao hơn khá nhiều so với các năm trước, đặc biệt là ngày càng nhiều học sinh ở vùng ven, ngoại thành tham gia.
Một thành viên ban giám khảo cuộc thi nhận xét: "Sự sáng tạo của học sinh làm tôi rất bất ngờ. Cuộc thi thực sự là nơi cho các học sinh thể hiện niềm đam mê và sự sáng tạo của mình. Có những đề tài rất tuyệt vời, nhất là mặt ý tưởng".
Có thể kể ra những dự án vào vòng chung kết như: Thiết bị điều khiển bằng mắt cho người bị liệt toàn thân; Thùng rác thông minh; Dùng lá cây ngũ sắc điều chế chất đuổi côn trùng gây bệnh; Hệ thống sản xuất nước ngọt bằng năng lượng mặt trời; Khảo sát và đề xuất biện pháp giảm thiểu căng thẳng học đường; Nghiên cứu và phát huy phản biện trong học sinh; Tầm soát ung thư tử cung tại nhà...
Tuổi Trẻ giới thiệu một số đề tài thú vị:
Điều chế chất đuổi côn trùng từ lá cây
Đó là công trình nghiên cứu của hai học sinh Nguyễn Hoàng Lân và Đinh Vũ Minh Quân, lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình.
Hoàng Lân giới thiệu: "Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt côn trùng bằng hóa chất. Tuy nhà sản xuất cam kết thuốc không gây hại đến sức khỏe con người, nhưng trên thực tế chúng chỉ an toàn khi tiếp xúc trong thời gian ngắn với hàm lượng ít.
Chính vì vậy, chúng em quyết định nghiên cứu, chiết xuất dung dịch từ lá cây hoa ngũ sắc để diệt côn trùng. Đây là loại cây mọc hoang quanh năm, rất dễ trồng, không kén đất, có thể mọc ở hầu hết các địa hình nên dễ tìm, ít tốn kém".
Minh Quân tiếp lời: "Thành phẩm một chai thuốc diệt côn trùng 450ml của chúng em có giá 13.500 đồng, trong khi giá ngoài thị trường (chai 500ml) là 45.000 đồng. Sản phẩm của chúng em có thể diệt được 100% sâu, 70% kiến và 80% gián, 80% châu chấu...".
Bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý qua nước tiểu
Công trình do hai học sinh Liêu Võ Khánh Huy - lớp 11CL2 và Phan Trung Anh - lớp 11CL1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - thực hiện.
Cả hai học sinh đều rất nhanh nhẹn và hoạt bát khi nói về sản phẩm của mình: "Sự bất thường trong nước tiểu có liên quan mật thiết đến 3 căn bệnh: tiểu đường, sỏi thận và u xơ tiền liệt tuyến. Khi cơ thể con người mắc bệnh, những chỉ số sinh hóa của nước tiểu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Nhóm chúng em đã tạo ra một thiết bị dùng để đo 3 chỉ số của nước tiểu: nồng độ pH, kali và lưu lượng nước tiểu. Thiết bị này sẽ được gắn tích hợp với bồn cầu gia dụng, sử dụng các thiết bị thông minh để truyền, gửi và lưu trữ dữ liệu.
Từ đó, nước tiểu của người sử dụng thiết bị sẽ được kiểm tra đều đặn và có thể phát hiện các bệnh lý ngay từ khi bệnh vừa xuất hiện".
Biện pháp ứng phó với bắt nạt qua mạng
Đề tài do Đàm Đức Tài và Nguyễn Ngọc Thiên Ân - hai học sinh lớp 12A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên - thực hiện.
Thiên Ân giới thiệu đề tài: "Nạn nhân của tình trạng bắt nạt qua mạng đa số ở thành thị. Khi tiến hành khảo sát với các học sinh THCS và THPT ở TP.HCM, chúng em thu được kết quả: 49,7% đã bị bắt nạt qua mạng ở nhiều mức độ khác nhau.
Các học sinh thường dùng Internet làm phương tiện giải trí và học tập, rồi bị tấn công qua mạng như: quấy rối, cô lập, lừa đảo, đeo bám... Nạn nhân dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, xa lánh xã hội, cảm thấy không an toàn khi ở trường, nặng nề hơn là tự tử".
Ân và Tài đã đưa ra các giải pháp như: lập câu lạc bộ, trang Facebook để chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ những nạn nhân bị bắt nạt qua mạng; tăng cường thông tin cảnh báo để các bạn trẻ phòng tránh...
Nghiên cứu ảnh hưởng của giờ vào học sớm "Khảo sát trên 7.000 học sinh trung học ở địa bàn TP.HCM cho thấy: cứ 10 học sinh thì có đến 8 bạn gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp học vì thiếu ngủ" - Trần Thùy Trang, học sinh lớp 12CT Trường THPT Gia Định, đã giới thiệu về công trình "Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TP.HCM" do Trang và người bạn cùng lớp Phạm Thị Khánh Vy thực hiện. "Nhóm chúng em đã đề xuất một số giải pháp như lùi giờ học của tiết 1 buổi sáng. Giờ vào học của nhiều trường THPT trên địa bàn TP hiện là 6h45. Như vậy là quá sớm. Các nghiên cứu cho thấy hormone gây ra sự buồn ngủ hoạt động từ 22h45 đến 8h sáng. Nếu giờ vào học là 7h30 thì rất lý tưởng" - Khánh Vy nói. Theo Khánh Vy: "Giải pháp thứ hai là nhà trường thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp. Qua khảo sát, chúng em thấy nhiều trường sắp xếp thời khóa biểu chưa hợp lý. Ví dụ, buổi sáng học sinh phải học 5 tiết đến trưa; buổi chiều học thêm 2 tiết nhưng không phải tiết 1, 2 hoặc tiết 3, 4, mà là tiết 2, 3. Nhiều bạn nhà xa trường không thể về nhà, buổi trưa phải ở lại chờ học buổi chiều rất mệt mỏi. Thứ ba là giảm bớt bài tập về nhà cho học sinh để các bạn không phải thức quá khuya. Trong quá trình khảo sát, nhiều bạn đã tâm sự với chúng em là phải thức đến 1h sáng làm bài tập". |
Theo Hoàng Hương/Tuổi trẻ