Sau tám năm thực hiện, đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã chi đề nghị quyết toán giai đoạn 2011-2016 hơn 4.258 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đề án không đạt mục tiêu cả về số lượng người học lẫn chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập. Ảnh: Nhật Minh.
“Ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam” (?!)
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được phê duyệt theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án Ngoại ngữ 2020). Đề án có mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam...
Tuy nhiên, kết quả thực hiện của đề án đến năm 2016 có nhiều mục tiêu không hoàn thành. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây về kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Đề án ngoại ngữ 2020 cho thấy, công tác điều tra, khảo sát thu thập thông tin về thực trạng dạy và học ngoại ngữ chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Chưa có thông tin thực trạng, số lượng và chất lượng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; số lượng và chất lượng học sinh; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại các bộ, ngành, địa phương. Do đó, mục tiêu của đề án là quá cao, dàn trải, nóng vội, chủ quan; thiếu giải pháp, lộ trình phù hợp để thực hiện.
Chương trình thí điểm và sách giáo khoa tiếng Anh mới (hệ 10 năm) của các cấp học chậm được tổng kết, đánh giá sau từng giai đoạn thí điểm; chậm được thẩm định, ban hành chính thức. Trong khi đó, một số địa phương còn nóng vội trong việc mở rộng diện triển khai chương trình tiếng Anh phổ thông mới khi chưa đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên, về năng lực của học sinh, về cơ sở vật chất và chưa tính đến các yếu tố về vùng miền. Thực tế giáo viên ngoại ngữ phổ thông không chỉ thiếu về số lượng mà tỷ lệ giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn còn cao. Theo báo cáo, các địa phương đều thiếu giáo viên, nhất là bậc tiểu học (thông thường có 1 hoặc 2 giáo viên/trường). Tỷ lệ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông chưa đạt chuẩn quy định theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam còn cao (tiểu học còn 48,1%; trung học cơ sở còn 35,8%; trung học phổ thông còn 52,9%). Trong khi đó, giữa chương trình tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chưa có tính liên thông.
Tại hội thảo “Tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường cao đẳng đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008-2016”, đại diện của Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận trong quá trình triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đạt được mục tiêu khi đặt ra.
Lãng phí trong sử dụng ngân sách
Đáng chú ý, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong mua sắm trang thiết bị, giáo trình của Đề án cũng còn nhiều tồn tại, số lượng phần mềm và giáo trình đã mua chưa phù hợp với kế hoạch đào tạo. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017, nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên với số lượng 4.220 chỉ tiêu, trong khi số lượng phần mềm và giáo trình đã mua 43.200 bộ (gấp 10,2 lần chỉ tiêu), trị giá 9,8 tỷ đồng. Gói thầu “Phần mềm đi kèm giáo trình dạy và học tiếng Anh cho đối tượng sau trung học phổ thông”, sử dụng phát cho sinh viên 28 cơ sở đào tạo không đúng quy định. Việc sử dụng phần mềm đi kèm giáo trình dạy và học tiếng Anh tại nhiều trường còn hạn chế, một số trường mức độ sử dụng còn thấp, số lượng lớn vẫn lưu tại thư viện hoặc khoa.
Việc phân bổ kinh phí từ trung ương về các địa phương, đơn vị chưa kịp thời, chậm, dàn trải, mang tính bình quân. Việc bố trí cơ cấu kinh phí cho đề án để triển khai tại một số địa phương, đơn vị chưa hợp lý, còn tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng, dẫn đến có nơi còn chưa hiệu quả. Các trường thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ trong nước, có yếu tố nước ngoài còn chi hỗ trợ tiền nghỉ, phụ cấp lưu trú, chi phí đi lại cho học viên không đúng quy định. Đối với Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 nhiều nhiệm vụ được giao dự toán nhưng không triển khai (trị giá 2,5 tỷ đồng) trong khi nhiều nhiệm vụ không được giao (trị giá 2,9 tỷ đồng) lại tự điều chỉnh...
Theo Kiểm toán Nhà nước, sau 8 năm thực hiện, đến nay, mục tiêu của đề án không đạt được ở tất cả các cấp học và ở tất cả các địa phương, bộ ngành cả về số lượng người học lẫn chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Mặt khác, với kinh phí đầu tư không hề nhỏ, giai đoạn 2011-2016 đề nghị quyết toán hơn 4.200 tỷ đồng, nhưng kết quả mang lại chưa tương xứng. Đề án còn để lãng phí trong đầu tư mua sắm giáo trình, sách giáo khoa và thiết bị dạy và học; lãng phí trong chi tiêu cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên …
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 839 triệu đồng, loại khỏi quyết toán năm sau hơn 516 triệu đồng. Đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành các văn bản quản lý nhà nước trong việc quản lý dạy và học ngoại ngữ, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân của Bộ và các cơ quan liên quan trong việc phê duyệt, thực hiện chưa đúng quy định việc mua sắm, gây lãng phí ngân sách nhà nước...
Điều chỉnh mục tiêu Đề án Ngoại ngữ 2020
Ngày 22/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2020. Theo đó, mục tiêu của Đề án xác định đến năm 2020 hoàn thành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non. Đến năm 2025: phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm; 100% các ngành đào tạo chuyên ngữ triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo...
(Nguồn: Quyết định 2080/QĐ-TTg)
Theo Hoa Ban - Hồng Vũ/Tiền phong