Mặc dù Quốc hội cho phép lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tối đa 2 năm nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quyết tâm chỉ lùi 1 năm.
Ảnh minh họa
Theo TTXVN, trong kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ công bố, Bộ trưởng yêu cầu triển khai chương trình mới ngay từ năm học 2019-2020.
Cụ thể, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của trung học phổ thông.
Để bảo đảm đạt tiến độ này, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý chương trình hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước ngày 12/1/2018; có kế hoạch biên soạn sách trình Bộ trưởng ký ban hành trước ngày 31/1/2018.
Các trường sư phạm lựa chọn, lập danh sách giảng viên trẻ, có năng lực để Bộ cử đi nước ngoài đào tạo chuyên gia về phát triển chương trình giáo dục phổ thông, gửi danh sách về Bộ trước ngày 30/6/2018.
Để chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, Bộ yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, quy trình lựa chọn giáo viên và cán bộ cốt cán, khung năng lực giáo viên… Các chuẩn trên sẽ được Bộ ban hành trước ngày 31/1/2018.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ được tổ chức theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các giáo viên cốt cán tập huấn tập trung tại Bộ. Các sở chủ trì tập huấn đại trà cho giáo viên tại địa phương.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các sở giáo dục chủ động rà soát đội ngũ giáo viên và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học, báo cho Bộ trước ngày 30/6/2018.
Bên cạnh vấn đề nhân lực thì cơ sở vật chất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để có thể thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng được yêu cầu này, ngành giáo dục sẽ điều chỉnh Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đề xuất nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án.
Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền địa phương ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện đúng lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Theo BT/Chinhphu.vn