Bộ GD&ĐT sẽ hoàn chỉnh dự thảo các chương trình môn học trước khi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước ngày 12/1/2018.
Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới vừa qua.
Theo kết luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Ban quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Tổ chức cho giảng viên sư phạm, giáo viên phổ thông và chuyên gia của các hội chuyên ngành, các nhà khoa học tiếp tục góp ý để hoàn chỉnh dự thảo các chương trình môn học trước khi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước ngày 12/1/2018.
Theo đó, cần triển khai thực hiện chương trình, SGK mới tuần tự từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp của tiểu học, từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021-2022 với lớp đầu cấp THPT.
Ban Quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học (do Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức) đáp ứng lộ trình triển khai thực hiện chương trình, SGK mới, ban hành kế hoạch trước ngày 31/1/2018.
Bộ trưởng yêu cầu các văn bản quy định về chính tả trong chương trình, SGK mới, hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để dạy và học theo chương trình mới, hướng dẫn thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày ở trường tiểu học theo chương trình mới phải hoàn thành trước ngày 30/4/2018.
Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện CT, SGK GDPT mới tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.
Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng yêu cầu rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với CT GDPT mới và điều kiện thực tế của các địa phương.
Các Sở GDĐT tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc tăng cường CSVC cho các cơ sở GDPT; chỉ đạo các cơ sở GDPT chủ động kiểm tra, rà soát và phát huy cao độ tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư CSVC, TBDH phục vụ đổi mới CT, SGK GDPT, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, báo cáo Bộ GDĐT về tình hình tăng cường CSVC, TBDH để triển khai áp dụng CT, SGK GDPT mới trước ngày 15/3/2018.
Theo Mỹ Hà/Dân trí