Con vâng lời là mong mỏi, ao ước của nhiều bậc cha mẹ. Nhiều người chia sẻ rằng chỉ thích lúc con còn bé vì khi đó con vâng lời, còn khi con lớn lên là “chán lắm vì con cứ tự tung tự tác”. Vậy các cha mẹ có biết “bí quyết” để con hợp tác và vâng lời?
Con vâng lời là mong mỏi, ao ước của nhiều bậc cha mẹ (ảnh minh họa)
Tại sao trẻ hợp tác với cha mẹ?
Theo Tiến sĩ Laura Markham (tác giả cuốn sách “Rèn cha rồi mới rèn con”), lý do sâu xa nhất khiến trẻ hợp tác với bạn là bởi chúng yêu thương bạn và muốn làm bạn hài lòng.
Lý do duy nhất khiến trẻ từ bỏ những điều mà chúng muốn để làm những gì mà bạn muốn là bởi chúng tin tưởng bạn và không muốn làm bạn thất vọng.
Hãy bảo vệ sự gắn bó giữa cha mẹ và con
TS. Laura Markham nhấn mạnh, việc kết nối với con đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ cư xử đúng đắn.
Bà Laura Markham khuyên các bậc cha mẹ rằng: “Trên tất cả, hãy bảo vệ sự gắn bó giữa bạn và con. Đó là thứ đòn bẩy duy nhất giúp bạn duy trì ảnh hưởng của mình với chúng. Đó cũng là những gì chúng cần ở bạn nhất.”
Vậy khi nào thì trẻ không hợp tác với cha mẹ?
Trong cuốn sách “Rèn cha rồi mới rèn con”, TS. Laura Markham chỉ ra rằng, những đứa trẻ muốn làm điều đúng đắn bởi vì chúng gắn bó chặt chẽ với cha mẹ và không muốn làm cha mẹ thất vọng. Trẻ con chắc chắn sẽ có những ưu tiên khác biệt so với người lớn, nhưng vì luôn muốn được cảm thấy gắn bó thân thiết với cha mẹ, nên chúng luôn muốn hợp tác với chúng ta. Bởi vậy mà khi chúng không như vậy thì đó thường là dấu hiệu của một sự rạn nứt.
Việc kết nối với con đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ cư xử đúng đắn. (ảnh minh họa)
Một điều quan trọng được TS. Laura Markham nhấn mạnh đó là việc trừng phạt con sẽ không khiến trẻ hợp tác hơn với cha mẹ, mà ngược lại chỉ khiến trẻ xa cách cha mẹ và làm giảm sự ảnh hưởng của cha mẹ với trẻ: “Trẻ con sinh ra một cách tự nhiên sẽ yêu quý cha mẹ - cả những người cha người mẹ khiến chúng bị tổn thương. Nhưng bản năng sống luôn mách bảo chúng không nghe theo lời những người lớn không ủng hộ chúng, và nếu bạn trừng phạt, con bạn sẽ có bằng chứng rõ ràng không phải lúc nào chúng cũng được bạn ủng hộ. Chính vì vậy mà trừng phạt làm giảm sự ảnh hưởng của bạn và làm xói mòn mối quan hệ gần gũi của bạn với con. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi trẻ lớn lên và ít phụ thuộc vào bạn hơn.”
Phương pháp dạy con mà Tiến sĩ Laura Markham chỉ ra cũng có sự tương đồng với phương pháp dạy trẻ được áp dụng ở các trường mầm non Nhật Bản. Theo đó, các quy định thì không được coi trọng bằng việc nuôi dưỡng sự phát triển của tình bạn giữa trẻ em và giáo viên. Người ta tin rằng nếu trẻ em có quan hệ gắn bó với giáo viên thì các em sẽ không cư xử hư bởi vì các em sợ làm giáo viên thất vọng.
Theo Nguyên Chi/Dân trí