Với nhu cầu học tập của sinh viên trong một thế giới nhiều biến đổi, thì đi đôi với đó là đào tạo giáo viên từng ngày từng giờ như học sinh. Cả 2 vế đều được quan tâm và bồi dưỡng như nhau, vừa là thầy vừa là trò, chỉ có như vậy mới có thể thay đổi được chất lượng của đội ngũ giáo viên.
Đó là một trong những nội dung mà chuyên gia giáo dục Singapore chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng Giáo viên phổ thông, cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” diễn ra sáng ngày 20/12, Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Singapore – giáo viên tốt, giáo dục mới thành công
PGS Chew Hung Chang, Viện giáo dục Quốc gia Singapore
Câu nói bất hủ của cố Thủ tướng Lí Quang Diệu, “nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế” câu nói đó đã định hướng nền giáo dục Singapore lớn mạnh, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng mọi nhu cầu của đất, là sức mạnh mềm của quốc gia 6 triệu dân nhỏ bé này.
PGS Chew Hung Chang, Viện giáo dục Quốc gia Singapore (Sing) đưa ra châm ngôn giáo dục của Sing trong thế kỉ 21, cần nhiều kĩ năng hơn là kiến thức giáo dục. Câu nói nổi tiếng “ Nếu chúng ta dạy học sinh hôm nay như chúng ta dạy ngày hôm qua, chúng ta sẽ cướp đi tương lai của chúng. Môi trường sư phạm ở Sing thường chú trọng về vấn đề đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, bởi vì yêu cầu của giáo dục là đảm bảo rằng con cái chúng ta sẽ có cuộc sống thành công và có ý nghĩa khi lớn lên.
Do đó, giáo viên đóng vai trò quan trọng, mang sứ mệnh cầu nối giữa học sinh, xã hội và kiến thức. Với nhu cầu học tập của sinh viên trong một thế giới nhiều biến đổi, thì đi đôi với đó là đào tạo giáo viên từng ngày từng giờ như học sinh. Cả 2 vế đều được quan tâm và bồi dưỡng như nhau, vừa là thầy vừa là trò, chỉ có như vậy mới có thể thay đổi được chất lượng của đội ngũ mang tri thức – bước đầu tiên trong việc thay đổi tư duy giáo dục trước thời đại công nghệ 4.0
Một yếu tố cần thiết nữa để giáo dục Singapore được thế giới công nhận là vai trò của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách sát sườn về tiền lương, đãi ngộ, các bậc trong nghề nghiệp cụ thể với từng chất lượng chuyên môn là nhân tố kiến tạo nên vị thế đó.
Từ những thành công đó, GS.TS Đinh Quang Báo, Viện nghiên cứu Sư phạm chỉ ra một số điểm cần sửa đổi trong nền giáo dục Việt Nam. Xu hướng chung và cấp thiết hiện nay là xác định mô hình đào tạo giáo viên theo hướng hình thành năng lực cho người học, đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hoạt động giảng dạy ngay tại trường phổ thông. Để làm được việc đó, thì vấn đề tuyển sinh đầu vào và đào tạo ra sao là câu hỏi lớn.
Ông Báo cho rằng, muốn làm được giáo viên điểm đầu vào phải cao, có giỏi mới dạy được người khác, không thể 15 điểm 3 môn thi cũng đỗ vào đại học ngành Sư phạm. Cùng với đó là quá trình thực hành nghiệp vụ, 4 năm học mà thực tập chỉ có 8 - 10 tuần, chênh lệch quá lớn, thành ra sinh viên tốt nghiệp lại mất thời gian dài để trợ giảng, nhìn người đi trước giảng mà tập tọe lên lớp với học sinh.
"Cần nâng số lượng thực tế lên gấp đôi, thậm chí gấp ba để ra trường là có thể đi dạy được luôn, đảm bảo tính “vừa hồng, vừa chuyên”. Xây dựng nhà trường thành một cộng đồng phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục, trong đó xây dựng giáo viên là chủ chốt nhất cho thành công của giáo dục" - GS Báo nhấn mạnh.
Malaysia – tăng lương đều đặn 1 lần/năm
GS Nor Aishah Buang, trường Đại học Kebangsan Malaysia
Chia sẻ về các mô hình tạo ra đội ngũ Sư phạm giỏi, GS Nor Aishah Buang, trường Đại học Kebangsan Malaysia bàn về mô hình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong từ góc nhìn thành công các nước đi trước trong đổi mới. Đáng nói nhất là mô hình chuyên nghiệp hóa cho giáo viên và cán bộ quản lí theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn bắt đầu từ quá trình tuyển chọn sinh viên được đào tạo tại các cơ sở chất lượng cao với số lượng hạn chế, không ồ ạt, giảm gánh nặng hành chính đối với giáo viên, việc chính là truyền đạt kiến thức, không phải là để thực thủ tục rườm rà về báo cáo, lên chương trình từng ngày….
Giai đoạn 2: kiểm soát được đầu ra và năng lực thật sự, đi đôi với đó là cải tiến quá trình thăng tiến trong sự nghiệp cho giáo viên. Điểm cuối cùng của quá trình đó là kiến tạo môi trường văn hóa học tập, khích lệ giáo viên đạt được tiêu chuẩn nghề nghiệp, từ đó thực hiện nâng lương theo năm công tác, theo trình độ, theo cấp bậc và vị trí , trung bình 1 năm 1 lần tăng, nhằm thu hút và giữ chân nhân lực giỏi, biến nghề dạy học thành một nghề được yêu thích bởi lương cao.
PGS.TS Phan Trọng Ngọ
Tại hội nghị, PGS.TS Phan Trọng Ngọ, Viện nghiên cứu Sư phạm đúc rút bài học Giáo dục Việt Nam để tham chiếu dưới những điểm tuy cũ về hình thức nhưng mới về cách làm.
Theo ông Ngọ, giáo viên, cử nhân sư phạm cần sớm tự ý thức tầm cấp thiết của đào tạo ban đầu, bồi dưỡng theo chuẩn quốc tế, thay vì chuẩn trong nước như hiện tại để đưa giáo dục phổ thông Việt Nam thực sự được hội nhập quốc tế.
"Bằng cấp của giáo viên không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng bài giảng, nó trực tiếp liên quan tới kết học tập của học sinh. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giảm tải các thủ tục hành chính để giáo viên bớt gánh nặng bằng cấp, thay vào đó là bồi dưỡng kiến thức thêm khi thực sự cần, tập trung vào kiến thức xã hội, thực hành hơn là phân thân quá nhiều việc 1 ngày" - ông Ngọ nhấn mạnh.
Ông Ngọ cho rằng, đi đối với đó là vấn đề bồi dưỡng và phát triển năng lực giáo viên phải xuất phát từ nhu cầu chính bản thân giáo viên. Nhiều giáo viên được hỏi tham gia học bồi dưỡng để làm gì, họ trả lời cho tiêu chí cơ quan, cho tiêu chuẩn bằng cấp. Tư duy như vậy thì giáo dục mãi là một chiếc cối đá, cứ vận hành xoay suốt đêm ngày mà hiệu quả không tăng – không giảm, học theo kiểu vô thưởng, vô phạt.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà giáo dục , các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm của Malaysia và Singapore trong đào tạo và bồi dưỡng sư phạm nói chung. Từ đây những bài học quý báu được vận dụng khả thi vào giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện tại./.
Theo Hà Cường/Dân trí