11
/
56198
Chính sách miễn học phí sư phạm: Lãng phí hàng trăm tỷ đồng khó thu hồi lại
chinh-sach-mien-hoc-phi-su-pham-lang-phi-hang-tram-ty-dong-kho-thu-hoi-lai
news

Chính sách miễn học phí sư phạm: Lãng phí hàng trăm tỷ đồng khó thu hồi lại

Thứ 2, 18/12/2017 | 08:01:57
624 lượt xem

Mỗi năm ngân sách nhà nước cấp bù cho đào tạo sư phạm lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế số sinh viên ra trường cống hiến cho ngành chỉ được phân nửa. Do đó, nếu duy trì chính sách miễn học phí thì có hình thức khác, tránh giảm trực tiếp gây đến sự lãng phí như hiện nay. >>   Bỏ chính sách miễn học phí, nhiều sinh viên sư phạm sẽ thôi học? >>   Bỏ ngay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách

Trong tham luận báo cáo tại hội thảo bàn về chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được tổ chức tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM mới đây, Ths Nguyễn Thị Nhung, giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực thi chính sách này.

Theo bà Nhung, trong số hạn chế thì việc phải cấp bù sư phạm ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. Dẫn chứng cụ thể được là “Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT, năm 2011, trong hơn 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí sư phạm là 250 tỷ đồng. Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm là 354 tỷ đồng. Năm 2013, dự toán của Bộ GD-ĐT về khoản này là 440 tỷ đồng. Năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này là 484 tỷ đồng”.

Ngân sách nhà nước cấp bù cho đào tạo sư phạm hàng năm không nhỏ (ảnh minh hoạ)

Ngân sách nhà nước cấp bù cho đào tạo sư phạm hàng năm không nhỏ (ảnh minh hoạ)

“Dù ngân sách nhà nước chi cho chính sách miễn học phí sư phạm mỗi năm mỗi tăng nhưng chất lượng giáo viên không có những diễn biến đột phá cho thấy hiệu quả của chính sách này khá thấp”, bà Nhung nhận định.

Bên cạnh đó, bà Nhung cho rằng do chính sách cấp bù học phí nên kinh phí hoạt động của các cơ sở đào tạo sư phạm chủ yếu trông chờ vào ngân sách Nhà nước tính trên đầu sinh viên. Trường sư phạm bị động trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Đồng thời, dù miễn học phí nhưng thực tế không đảm bảo tuyển được thí sinh giỏi vào các trường sư phạm. Do sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, lương thấp, áp lực công việc cao nhưng đãi ngộ và vị thế giáo viên không còn được đánh giá đúng mức nên hầu như sinh viên giỏi tìm ngành khác có tương lai sáng lạng hơn. Từ đó mới dẫn đến ngành sư phạm chỉ trở thành lựa chọn hàng đầu của những sinh viên học lực trung bình, hoặc chỉ là nguyện vọng 2 của sinh viên khá, giỏi.

Cũng nhìn nhận ở một góc độ hạn chế của đào tạo giáo viên, PGS.TS Nguyễn Thám, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng cho rằng, với mạng lưới hệ thống cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay trên toàn quốc là trên 120 cơ sở đào tạo là một con số quá lớn. Hai năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT rất quyết tâm trong việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào sư phạm, cụ thể năm 2017 giảm 20% so với năm 2016 nhưng trên thực tế cả nước vẫn có 100 cơ sở tuyển sinh và số lượng vào các trường khoảng hơn 54.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Với số chỉ tiêu đó thì ngân sách cấp bù sư phạm qua các năm tăng đều và hiện nay lên khoảng 483 tỷ đồng. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các sở giáo dục đào tạo hiện nay rất ít. Khoảng 50-60% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thì con số lãng phí cho ngân sách cũng khá lớn.

Sinh viên được bù học phí phải có trách nhiệm

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng, tác động của chính sách miễn học phí hiện nay đang bị giảm hiệu lực thậm chí tác động tiêu cực khi xét đến động cơ, tinh thần học tập của sinh viên.

Ông Sơn cũng đề nghị các trường sư phạm phải xem lại việc làm cam kết với sinh viên trong vấn đề cấp bù sinh viên sư phạm và trách nhiệm phục vụ cho ngành. Nếu đã làm cam kết thì phải đảm bảo ra trường có việc làm. Phòng công tác sinh viên của các trường phải điều tra xem bao nhiêu sinh viên ra trường làm đúng cam kết này.

“Tôi cũng hơi lo lắng với một suy nghĩ thoáng qua rằng ai sẽ đi thu hồi học phí của tất cả những sinh viên trường sư phạm đã ra trường nhưng không cống hiến trong ngành giáo dục. Trường tôi cũng từng khảo sát và kết quả cho thấy khoảng 28% sinh viên ngành sư phạm mầm non bỏ nghề. Tương tự, ngành sư phạm tiếng Anh ra trường chỉ dạy ở trung tâm mà không dạy phổ thông chiếm 36,72%; ngành tâm lý giáo dục tới gần 40% không cống hiến với ngành giáo dục và tỷ lệ bỏ ngành ở công nghệ thông tin là 36,7%. Nếu có đơn vị được Bộ GD-ĐT giao chuyên thu hồi công nợ này thì số tiền này sẽ bù lại phần nào cho lương ít ỏi cho các bạn đang theo ngành đang nhận. Cứ hình dung, lấy 35 triệu đồng nhân cho khoảng 2.000-3.000 sinh viên ở từng trường thì ra thấy con số lãng phí rất khủng khiếp và nhà nước có quyền thu hồi lại”.

Hơn 50% sinh viên học sư phạm không làm trong ngành giáo dục, gây lãng phí (ảnh minh hoạ)

Hơn 50% sinh viên học sư phạm không làm trong ngành giáo dục, gây lãng phí (ảnh minh hoạ)

Ông Sơn cũng cho rằng chính sách miễn học phí này cũng đang “va đập” với chính sách cho vay học phí. Theo ông Sơn, sinh viên khó khăn không nên “vịn” vào lý do “mình nghèo” để đòi học miễn phí thay vào đó là nên vay học phí của nhà nước, khi học xong thì đi làm để trả nợ. Đó là cách làm của giáo dục toàn cầu chứ không phải chỉ là giáo dục nhân văn.

Sẽ là không công bằng khi thực tế có những sinh viên học ngành ngoài sư phạm và học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm rồi về dạy ở các trường phổ thông. “Những sinh viên này phải tốn gồm 40 triệu đồng học ở các trường ĐH ngoài sư phạm và 5 triệu đồng đã học nghiệp vụ sư phạm. Nếu những sinh viên này tự nguyện vào làm ở ngành giáo dục thì phải trả lại cho họ 45 triệu đó. Nếu có cơ chế đó thì ngành giáo dục mới thu hút được những sinh viên rất giỏi, những cử nhân khoa học ở các trường về làm giáo viên”, ông Sơn nêu dẫn chứng.

“Như vậy, chính sách học phí này vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, những yếu tố vẫn còn “sứt mẻ” cần phải quan tâm và ở góc độ luật cần xem xét một cách hệ thống và bài bản. Nếu vẫn còn miễn giảm học phí thì sức cạnh tranh của các trường sư phạm và đặc biệt hướng đi tự chủ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tất nhiên phải nghiên cứu lộ trình chứ không phải cắt liền ngay lập tức chính sách miễn học phí này, nhất là khi các sinh viên năm nhất phải được thụ hưởng trọn vẹn ít nhất 3 năm chính sách này nữa”, ông Sơn nói.

Theo Lê Phương/Dân trí

  • Từ khóa

Giới trẻ Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực tiếng Anh

Các khoa tiếng Anh của các trường ĐH chủ yếu đào tạo về chuyên sâu về ngôn ngữ và giảng dạy, trong khi đó các trung tâm ngoại ngữ mạnh hơn về kỹ năng.
07:51 - 22/12/2024
231 lượt xem

Bạo lực súng đạn đe dọa trường học ở Mỹ

Bạo lực súng đạn tại các trường học ở Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.
20:03 - 21/12/2024
531 lượt xem

Cần giảm bớt khâu trung gian trong chọn sách giáo khoa

Trong gần 5 năm học thực hiện sách giáo khoa xã hội hóa, đã có tới 3 lần thay đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn...
10:25 - 21/12/2024
716 lượt xem

Thêm một địa phương thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ bảy

Sở GD-ĐT Phú Thọ vừa có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy.
16:20 - 20/12/2024
1,198 lượt xem

Đào tạo truyền thông: Sinh viên nên được tiếp cận nghề nghiệp sớm

Khối ngành truyền thông có hơn 30 trường đại học đào tạo. Vấn đề đặt ra làm sao để đảm bảo quyền lợi sinh viên, tránh chạy theo số lượng tuyển sinh.
14:29 - 20/12/2024
1,251 lượt xem