BGTV- Xác định việc sáp nhập các trường nhỏ lẻ là chủ trương phù hợp điều kiện thực tế, tạo động lực để các trường củng cố, sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, giáo viên phù hợp với vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định thực hiện Đề án sáp nhập trường Trung học cơ sở (THCS), trường Tiểu học. Tuy nhiên sau khi sáp nhập, một số trường không tránh khỏi những khó khăn, bất cập.
Thực hiện theo Đề án, năm học 2017-2018 huyện Yên Dũng cũng triển khai sáp nhập 6 trường Tiểu học, THCS để thành trường liên cấp Tiểu học. Theo đó, ngay từ đầu năm học, trường Tiểu học Tân An và trường THCS Tân An đã chính thức sáp nhập thành trường Tiểu học và THCS Tân An Đến nay toàn trường hiện có 20 lớp, 520 học sinh, trong đó có 12 lớp tiểu học và 8 lớp trung học cơ sở, với 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là sau khi sáp nhập nhà trường dư 2 cán bộ quản lý, 1 kế toán và 2 giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu - Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Tân An - Yên Dũng cho biết: “Do thời lượng mỗi tiết học, giờ ra chơi ở 2 cấp khác nhau, vì vậy trong cùng một không gian nếu sử dụng nhiều tín hiệu báo hết giờ sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh, cùng với đó việc họp chuyên môn cũng không thể tập trung thảo luận sâu kỹ”. Ngoài ra, quá trình sáp nhập cũng dẫn đến những xáo trộn, đặc biệt là vấn đề tinh giản biên chế vì liên quan đến quyền lợi, việc làm, đời sống, thu nhập của mỗi cán bộ, giáo viên.
Cùng với huyện Yên Dũng, trường Tiểu học An Dương số 1 và Trường Tiểu học An Dương số 2, huyện Tân Yên được thành lập trên cơ sở sáp nhập. Sau khi sáp nhập, nhà trường có nhiều thuận lợi như: Cả 2 đơn vị đều đạt chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất đảm bảo tốt cho nhu cầu dạy và học. Vì vậy nhà trường tập trung công tác quản lý, bố trí chuyên môn hợp lý cho giáo viên và tăng cường được các hoạt động kiểm tra, dự giờ, Song, trường Tiểu học An Dương hiện cũng gặp phải một số khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Văn Vinh - Giáo viên môn Mỹ Thuật, trường Tiểu học An Dương – Tân Yên cho biết: “Trước kia khi chưa sát nhập công việc của tôi cũng đỡ hơn, tuy nhiên sau khi sáp nhập, công việc vất vả rất nhiều, cùng với đó lại phải kiêm nhiệm nhiều việc điều đó ít nhiều cũng ảnh hưởng công tác giảng dạy”.
Giờ học của Cô, trò Trường Tiểu học An Dương
Theo kế hoạch, năm học 2017-2018 toàn tỉnh có 30 trường tiểu học, THCS trong diện sáp nhập. Trong đó, huyện Sơn Động, Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa sáp nhập trường tiểu học với THCS để thành trường liên cấp Tiểu học và THCS; huyện Việt Yên, Tân Yên sáp nhập trường đồng cấp tiểu học. Huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang không có trường sáp nhập đợt này, còn huyện Yên Thế sẽ sáp nhập vào năm 2018. Khảo sát cho thấy, các điểm trường đều có quy mô nhỏ, ít học sinh, lãng phí cơ sở vật chất, việc sát nhập sẽ giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Đặc biệt, đối với những môn chung như: Mỹ thuật, Âm nhạc... giáo viên có thể dạy hai cấp tiểu học và THCS, điều đó sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, qua thực tế tại các trường sáp nhập vẫn còn những tồn tại, vướng mắc. Do công tác sắp xếp, sáp nhập trường liên quan trực tiếp đến công tác chuẩn bị nhân sự, bộ máy quản lý nhà trường, công tác sắp xếp điều chuyển giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất trường học nên quá trình thực hiện sáp nhập phải có lộ trình, thận trọng. Điều quan trọng là phải đảm bảo không ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên, ổn định tâm lý cho đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy.
Có thể thấy, sáp nhập các trường học có ít học sinh, ít lớp học là một chủ trương đúng đắn của tỉnh, song đồng thời cũng đặt ra không ít những khó khăn cho nhiều địa phương. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần vào sự phát triển giáo dục và đào tạo chung của tỉnh Bắc Giang../.
Mai Hương