11
/
56032
Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: Nhiều ý kiến trái chiều
du-thao-sua-doi-luat-giao-duc-dai-hoc-nhieu-y-kien-trai-chieu
news

Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: Nhiều ý kiến trái chiều

Thứ 3, 12/12/2017 | 15:28:06
449 lượt xem

Ai sẽ có quyền công nhận hiệu trưởng? Số thành viên hội đồng trường là người ngoài trường ở tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý? Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ và gặp nhiều tranh cãi khi góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

(Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Theo bà Nguyễn Thị Minh Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường trực ban soạn thảo Dự thảo, đây cũng là hai nội dung mà ban soạn thảo băn khoăn và các ý kiến thì 50-50.

Ai công nhận hiệu trưởng?

Theo điều 16 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, hội đồng trường sẽ bầu ra hiệu trưởng. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng? Hiện nay, hiệu trưởng do cơ quan chủ quản của trường đại học quyết định. Tuy nhiên, giáo dục đại học đang hướng tới tự chủ, tương lai sẽ xóa bỏ cơ quan chủ quản, vì thế, trong Luật cần tìm ra một đại diện khác công nhận hiệu trưởng.

Bà Phụng cho biết, hiện có hai phương án cho vấn đề này. Thứ nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công nhận hiệu trưởng, do Bộ là đơn vị đưa ra các quy chuẩn. Phương án hai có tính mở hơn, là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ công nhận hiệu trưởng.

Đánh giá việc dự thảo Luật sửa đổi cho phép hội đồng trường bầu hiệu trưởng là một bước tiến mới tích cực, bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, nên chọn phương án một: Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hiệu trưởng.

Tuy nhiên, ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Giao thông vận tải lại cho rằng nên chọn phương án 2: cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng. Theo ông Đông, cách làm này sẽ đảm bảo Luật có tính thực thi lâu dài hơn, cả ở giai đoạn hiện tại và tương lai.

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Nếu quy định theo phương án 2 thì sau này Luật cũng không bị lạc hậu,” ông Nội nói.

Còn theo ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, nếu quy định cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng thì việc vận dụng trong tương lai sẽ thuận lợi hơn.

Sinh viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Nên có bao nhiêu người ngoài trường tham gia hội đồng trường?

Bên cạnh vấn đề công nhận hiệu trưởng, tỷ lệ người ngoài trường tham gia hội đồng trường bao nhiêu là hợp lý cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, tỷ lệ này tối thiểu là 30%. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng con số này là quá nhiều, trong khi có ý kiến lại nhận định tỷ lệ đó vẫn còn khiêm tốn.

Lý giải về con số 30%, bà Phụng cho biết ban soạn thảo đã tham khảo Luật và thực tế hội đồng trường ở các nước phát triển. Kết quả cho thấy, có 50% đến 65% hội đồng trường là người bên ngoài trường. Điều này nhằm mang thực tế vào định hướng phát triển của trường.

Đồng ý với ý kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Minh Phụng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội Lê Minh Thắng cho rằng tỷ lệ này là hợp lý, thậm chí chưa phải là cao khi ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này còn lên đến trên 50%.

Cũng theo bà Thắng, thành viên ngoài trường phải chọn người thực sự tâm huyết và ưu tú. Kinh nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội là chọn cựu sinh viên là doanh nghiệp có tuyển dụng sinh viên của trường. “Họ tham gia hội đồng trường vì tình yêu, niềm vinh dự được cống hiến cho trường, cho xã hội. Họ có ý kiến tích cực để đóng góp với trường, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cho trường phát triển hơn,” bà Thắng nói.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Đào Văn Đông lại cho rằng tỷ lệ này là khá cao và gây khó cho các trường vì chọn người tham gia không hề dễ. “Tôi đề xuất Luật chỉ nên quy định tối thiểu là 20%,” ông Đông nói.

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nội cho rằng, để thể hiện được vai trò của hội đồng trường thì cần tăng tỷ lệ cán bộ giảng viên trong trường, không nhất thiết phải có tối thiểu 30% là người bên ngoài trường. “Thầy Đông nói nên quy định tối thiểu 20%, tôi nghĩ là hợp lý,” ông Nội nhận định.

Thừa nhận vai trò rất lớn của việc đưa người ngoài trường vào hội đồng trường sẽ mang hơi thở cuộc sống vào chương trình đào tạo vốn đang nặng tính hàn lâm của Việt Nam, tuy nhiên, Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Nguyễn Đình Thi chia sẻ, kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu mời các đại diện bên ngoài trường vào hội đồng trường, họ có thể nắm vững về chuyên môn nhưng nếu nói về tổ chức đào tạo thì họ không có nhiều kinh nghiệm.

“Họ giúp trường hiểu rõ nhu cầu thực tế của lĩnh vực đó cần gì để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp nhưng nếu tỷ lệ quá nhiều thì không tốt cho chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo. Tôi cho rằng nên giảm xuống tối thiểu 20%, tỷ lệ vừa không quá lớn lại vẫn có độ mở cho các trường linh hoạt,” ông Thi nói./.

Theo Phạm Mai (VIetnam+)

  • Từ khóa

Lần đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu du học sinh thi đầu vào mới được nhập học

Kỳ thi tuyển sinh ĐH này áp dụng với một số đối tượng nhất định, theo thông tin do Hội đồng xét duyệt học bổng Trung Quốc (CSC) thuộc Bộ Giáo dục Trung...
10:48 - 03/05/2024
85 lượt xem

Thành lập hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
09:16 - 03/05/2024
120 lượt xem

Từ hôm nay, Úc tiếp tục tăng yêu cầu chứng minh tài chính với du học sinh

Sau hơn nửa năm kể từ khi công bố yêu cầu mới về tài chính, Úc tiếp tục tăng mức tối thiểu mà du học sinh phải chứng minh để được xét duyệt thị thực du...
06:45 - 03/05/2024
186 lượt xem

Chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh phù hợp

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng như những năm gần đây. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho...
16:40 - 02/05/2024
508 lượt xem

100 trường học ở Ấn Độ đồng loạt bị đe dọa đánh bom

Có tới 100 trường học trên khắp Delhi và vùng thủ đô quốc gia (NCR) của Ấn Độ đã nhận được thư điện tử đe dọa đánh bom. Trong đó, hàng chục trường học đã...
15:12 - 02/05/2024
565 lượt xem