Ngày 8/11/2017, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các đại học vành đai Thái Bình Dương và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC (APEC University Leaders’ Forum) 2017.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa bên lề Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC 2017 và là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng giáo dục đại học trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Lấy chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với 02 phiên thảo luận về Phát triển bền vững, Dữ liệu lớn và các thách thức trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Sustainable Development, Big Data and Asia-Pacific Challenges) và Vấn đề việc làm trong kỷ nguyên Kinh tế số và Trí tuệ nhân tạo (Employment in the Age of the Digital Economy and Artificial Intelligence).
Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC 2017 tạo cơ hội cho lãnh đạo các đại học, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách từ các nền kinh tế thành viên APEC gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong bối cảnh giáo dục đại học khu vực và thế giới đang đứng trước đòi hỏi phải đối mới để thích ứng với sự bất định của thế giới và những thay đổi nhanh chóng do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Với sự tham dự của gần 60 đại biểu đến từ các đại học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực, Diễn đàn không chỉ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đa phương giữa các đại học nói riêng, củng cố quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nói chung, mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng và thúc đẩy mối liên kết chính phủ - đại học – doanh nghiệp.
Qua đó đưa cộng đồng giáo dục đại học trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và toàn thế giới.
Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH QGHN cho rằng, nằm trong khu vực kinh tế năng động với 2,8 tỷ người chiếm 39% dân số thế giới với tổng GDP chiến 57% toàn cầu và 47% thương mại thế giới, các đại học APEC với tri thức và sáng tạo có vai trò không nhỏ trong việc dẫn dắt và tạo giá trị gia tăng cho xã hội nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước những thách thức của kỷ nguyên mới, các đại học đều phải đối diện với yêu cầu gắt gao đối với đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp mới. Để khẳng định được sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực và sáng tạo tri thức mới của các đại học, việc đổi mới, triển khai những triết lý giáo dục mới cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn trở thành nhu cầu tất yếu .
Việt Nam đang tiến hành đổi mới toàn diện nền kinh tế, kiến tạo đường hướng phát triển đất nước, đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Diễn đàn này là dịp tốt cho các đại học Việt Nam học hỏi và đổi mới phát triển.
"Chúng ta cùng nhau tạo ra những công dân toàn cầu và công dân thời đại công nghiệp mới… ĐHQGHN mong muốn hợp tác sâu sắc, toàn diện và bền vững với các đại học khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi tin tưởng rằng, sự cộng hưởng sức mạnh của tri thức và sáng tạo của các đại học sẽ tạo xung lực mới cho hợp tác APEC và trở thành một trụ cột quan trọng bên cạnh hợp tác kinh tế, chính trị, thương mại" - Giám đốc ĐH QGHN nhấn mạnh.
Giám đốc ĐH QGHN hy vọng, những ý kiến thảo luận và đề xuất của chúng ta ngày hôm nay sẽ là những gợi ý quan trọng cho lãnh đạo các quốc gia APEC, giúp xây dựng chính sách, hoàn thiện chiến lược và mô hình phát triển hiệu quả không chỉ cho giáo dục đại học mà còn cả tổng thể kinh tế xã hội của từng quốc gia và khu vực APEC trong tương lai.
Theo Hồng Hạnh/Dân trí