Bắt đầu từ kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đề thi sẽ có phần liên quan lớp 11 và từ năm 2019, đề thi sẽ bao gồm cả chương trình THPT.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa chốt phương án thi THPT Quốc gia 2018. Về cơ bản, phương án thi vẫn được tổ chức như năm 2017. Tuy nhiên, có điểm mới là đề thi của thí sinh sẽ không còn chỉ nằm trong chương trình lớp 12 mà có cả lớp 11.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi rõ hơn về phương án thi THPT Quốc gia 2018.
Bộ GD-ĐT vừa chốt phương án thi THPT Quốc gia 2018, xin Thứ trưởng cho biết vì sao Bộ vẫn giữ phương án thi như năm 2017?
Theo Luật Giáo dục hiện hành thì học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông phải qua kỳ thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Còn về tuyển sinh thì do các trường đại học (ĐH) tự chủ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Bộ tổ chức kỳ thi THPT còn các trường ĐH chủ động tổ chức tuyển sinh.
Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các trường đều mong muốn Bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, công bằng, tin cậy để các trường sử dụng kết quả xét tuyển. Xuất phát từ yêu cầu đó, trong 3 năm qua, Bộ GD-ĐT đã từng bước hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả của kỳ thi đã giúp cho việc đánh giá chất lượng dạy, học ở bậc phổ thông ngày càng chuẩn xác hơn. Mặt khác, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã tin cậy sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển, không tổ chức thi riêng, hạn chế tối đa tình trạng học thêm, dạy thêm, luyện thi tràn lan.
Sau 3 năm thực hiện đổi mới, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Đó là cơ sở quan trọng để Bộ quyết định phương án thi/tuyển sinh trong những năm tới được giữ ổn định như năm 2017.
Đề thi bao gồm cả lớp 11 đã được thông báo trước cho thí sinh
Phương thức thi và tuyển sinh giai đoạn 2018-2020 có những thay đổi gì cụ thể so với năm 2017, thưa ông?
Trong giai đoạn 2018-2020 trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng thì việc tổ chức thi các bài thi, môn thi sẽ không thay đổi gì so với năm 2017. Các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường thêm trong những năm tới nhờ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được hoàn thiện, bổ sung và công nghệ thông tin trong việc tổ chức kỳ thi được áp dụng phổ biến hơn.
Những điều chỉnh kỹ thuật cho kỳ thi/tuyển sinh trong những năm tới cũng đã được công bố trước trong quy chế thi/tuyển sinh năm 2017, như việc bỏ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, nội dung thi ngoài chương trình lớp 12 còn có phần liên quan lớp 11 (đối với kỳ thi năm 2018) và liên quan đến cả chương trình THPT (đối với kỳ thi năm 2019).
Những điều này đã được Bộ thông báo cùng với phương án thi/tuyển sinh từ cuối năm 2016 nên thí sinh và nhà trường đều đã biết và đã có sự chuẩn bị. Các bài thi tổ hợp vẫn được chấm điểm từng môn thi thành phần nhưng Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi các bài thi này được thực hiện phù hợp hơn dựa trên kinh nghiệm tổ chức thi năm 2017.
Sẽ công bố đề thi minh họa theo hướng chuẩn hóa
Điểm mới trong kỳ thi năm 2018 là sẽ kiểm tra cả kiến thức lớp 11 của học sinh và bắt đầu từ năm 2019, đề thi sẽ bao gồm cả kiến thức cả 3 năm học THPT. Xin ông cho biết, công tác chuẩn bị cho đề thi để học sinh có thể đáp ứng được cách ra đề mới này đang được Bộ GD-ĐT thực hiện như thế nào?
Kỳ thi THPT quốc gia ngoài mục đích để xét tốt nghiệp THPT còn cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh. Vì thế, đề thi được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân hóa. Vì số câu hỏi phân hóa ít nên mức độ phân hóa đề thi có phần hạn chế so với đề thi chỉ dùng với mục đích tuyển sinh.
Để cải thiện việc này, ngay từ đầu năm học mới, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, tăng cường mức độ phân hóa cho đề thi. Bộ sẽ công bố đề thi minh họa trong thời gian tới để thí sinh tham khảo.
Trước khi công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2018, có nhiều ý kiến cho rằng, với bài thi tổ hợp KHXH và KHTN thì phương án thi nên thay đổi theo hướng: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017. Với phương án này sẽ đỡ mất thời gian trong công tác thu đề các môn giữa chừng, chấm thi và giảm mệt mỏi hơn cho thí sinh khi phải thi ngắt quãng. Bộ GD-ĐT tiếp nhận đề xuất trên như thế nào, thưa ông?
Rõ ràng việc tổ chức bài thi tổ hợp thống nhất, lấy một đầu điểm thì khâu tổ chức thi sẽ đơn giản hơn, thí sinh nhận đề thi một lần như những môn thi khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì sẽ gây lo lắng đối với thí sinh vì các em đã định hướng thi theo khối xét tuyển ĐH từ những năm trước. Mặt khác, nếu không có điểm các môn thi thành phần thì các trường đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển cũng không kịp xây dựng phương án tuyển sinh.
Thực tế năm 2017, các trường có thể xây dựng tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả toàn bài thi KHTN, KHXH nhưng số trường có tổ hợp này hầu như không đáng kể, đặc biệt là những trường có tính cạnh tranh cao hầu như không có trường nào sử dụng tổ hợp xét tuyển gồm điểm các bài thi tổ hợp mà đều sử dụng điểm của các môn thi thành phần.
Mặt khác, theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới thì học sinh cấp THPT ngoài các môn bắt buộc được chọn học các môn trong các nhóm khoa học xã hội, nhóm khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật. Do đó việc xây dựng phương thức thi trong giai đoạn 3 năm tới cũng cần hướng tới sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV