11
/
172158
Tổng Bí thư Tô Lâm nói về tình trạng thiếu giáo viên
tong-bi-thu-to-lam-noi-ve-tinh-trang-thieu-giao-vien
news

Tổng Bí thư Tô Lâm nói về tình trạng thiếu giáo viên

Chủ nhật, 10/11/2024 | 07:25:28
2,192 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo phải giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên hiện nay.

Ngày 9-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi phát biểu trong thảo luận tổ về Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh dự thảo luật được trình Quốc hội vào tháng 11, gần Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với nhiều ý nghĩa, khẳng định sự tôn vinh đối với nghề giáo.

Tổng Bí thư khẳng định giáo dục có vị trí rất quan trọng, là đột phá để phát triển đất nước. Với vị trí, vai trò đó của lĩnh vực giáo dục, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng dự thảo Luật cần bao quát và thể hiện được vị thế, tầm và vai trò đó.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: Như Ý

Tổng Bí thư cho rằng dự thảo hiện nay mới chỉ "quy định những điều chưa được quy định" mà chưa thể hiện được tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục, trong đó chủ thể chính là nhà giáo.

Theo Tổng Bí thư, trong dự thảo Luật Nhà giáo, việc giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò như thế nào? "Đã nói đến thầy, thì phải có học trò. Do đó cần phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa thầy và trò"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Dẫn chứng về thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, Nhà nước có chính sách các cháu đến tuổi được đi học là phải được đến trường, nên theo Tổng Bí thư Tô Lâm, không thể nói là thiếu giáo viên, thiếu thầy cô được. "Có trò là phải có thầy để dạy, cần phải có quy định rõ"- Tổng Bí thư phát biểu.

Tổng Bí thư cho biết hiện để nắm số lượng các cháu đến trường mỗi năm tại từng địa phương là rất dễ dàng nhờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên phải căn cứ vào đó để có phương án bố trí thầy cô.

Tổng Bí thư đặt vấn đề nếu thiếu thầy thì các trò thế nào và nhấn mạnh việc này cần được bao quát, giải quyết tốt trong dự thảo Luật Nhà giáo. Tổng Bí thư cho biết đây là vấn đề đang rất thời sự, chúng ta đang nhắc đến tình trạng thiếu giáo viên, không có biên chế, chưa kể đến các vùng sâu, vùng xa.

Một vấn đề lớn khác được Tổng Bí thư đề cập là xác định người thầy là một nhà khoa học. Do đó, mối quan hệ giữa thầy giáo - nhà khoa học như thế nào, cần được thể hiện trong dự thảo luật.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước hội nhập thì lĩnh vực giáo dục - đào tạo hội nhập thế nào, thầy cô hội nhập thế nào. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện chúng ta đang tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì các yêu cầu tiếng Anh đối với thầy cô giáo phải như thế nào, cần có quy định cụ thể.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận ở tổ Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Cùng với đó là chính sách về học tập suốt đời. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu quy định "khô cứng" trong luật thì rất khó, không thể hiện được tinh thần học tập suốt đời, trong đó có các đề xuất về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo.

"Thầy giáo mà quy định nghỉ hưu không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn, trong khi chúng ta là chính sách học tập suốt đời. Thầy càng lớn tuổi thì càng có uy tín, nếu chúng ta quy định không phù hợp thì không huy động được nguồn lực"- Tổng Bí thư nêu rõ.

Cho rằng cần có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực giáo dục, công tác giảng dạy, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết ở các môi trường giáo dục đặc biệt lại càng cần chính sách này hơn.

Nhắc đến vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trong giáo dục, Tổng Bí thư băn khoăn khi học sinh phải đi học xa nhà hàng chục cây số, một số nơi chưa có điểm bán trú cho học sinh, các thầy cô cũng chưa được đảm bảo về nhà công vụ.

"Cô giáo lên trường miền núi, vùng sâu vùng xa, không có thanh niên nào cả, chỉ có công an và bộ đội biên phòng, thì cả thanh xuân sẽ như thế nào"- Tổng Bí thư nói và yêu cầu dự thảo luật cần rà soát, bao quát các chính sách để thể hiện đầy đủ nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng phải coi khu vực miền núi là môi trường giáo dục đặc biệt bởi còn rất nhiều khó khăn. Ở đó, thầy cô giáo vừa làm công tác giảng dạy, vừa kêu gọi các cháu học sinh đến trường, vừa chăm lo cho các cháu, những điều đó thầy cô giáo đều phải hi sinh. Theo Tổng Bí thư, môi trường giáo dục trong trại giam cũng cần xem xét ra sao vì tại đó cũng rất đặc biệt.

Tổng Bí thư lưu ý Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho cho thầy cô trong công tác giảng dạy, không phải ban hành luật để thầy cô thấy khó khăn hơn trong môi trường giáo dục.

Theo Minh Chiến - Văn Duẩn/ Người lao động

https://nld.com.vn/tong-bi-thu-to-lam-noi-ve-tinh-trang-thieu-giao-vien-19624110912343128.htm

  • Từ khóa

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2024

Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; Quy trình xây dựng, thẩm định, phương pháp định giá dịch vụ giáo dục,...
15:33 - 02/12/2024
61 lượt xem

Thay đổi quy định điểm sàn khi xét tuyển đại học ngành y dược, sư phạm

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến áp dụng một mức điểm sàn cho nhóm ngành y dược và sư phạm.
14:50 - 02/12/2024
71 lượt xem

Tuyển dụng giảng viên: Thảm đỏ cũng… khó mời

Hiện có nhiều rào cản khiến các trường gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài...
10:42 - 02/12/2024
172 lượt xem

‘Còn vị thi cử thì còn dạy thêm’

Trong các hệ thống giáo dục, đặc biệt ở nhiều nước Đông Á, "giáo dục vị thi cử" - hay còn gọi là "teaching to the test" - đã trở thành hiện tượng phổ...
08:53 - 02/12/2024
214 lượt xem

Học sinh đổi kế hoạch, 'tìm đường lui' trước khả năng siết xét tuyển

Nâng ngưỡng đầu vào ngành sư phạm và sức khỏe, siết quy định xét tuyển bằng học bạ là một số quy định mới trong dự thảo của Bộ GD-ĐT khiến nhiều học sinh...
07:36 - 02/12/2024
271 lượt xem