Dự thảo Luật Nhà giáo định hướng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình tại phiên họp.
Sáng 8/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 38, cho ý kiến về Luật Nhà giáo.
Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Thị Thanh; các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình vắn tắt, tập trung vào những điểm có tính chất điều chỉnh, tiếp thu các ý kiến sau phiên họp lần thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong phát biểu, Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, tạo điều kiện cho việc trình dự thảo Luật Nhà giáo lần này. Đây là sự thể hiện mối quan tâm đến đội ngũ các nhà giáo trên cả nước.
Trước đó, tại các cuộc thảo luận, góp ý trong khuôn khổ tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri đã bày tỏ sự ủng hộ và trông đợi Luật Nhà giáo sẽ được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội lần này. Đây cũng là lần thứ 2 Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật với mong muốn có một dự thảo tốt nhất.
Ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo đã được trình bày chi tiết trong các tờ trình và các báo cáo gửi Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo đã được thực hiện theo căn cứ chính trị và định hướng chỉ đạo tại Kết luận số 91 của bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; trong đó coi việc phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố nền tảng, quyết định chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước.
Kiến tạo một số chính sách mới, đột phá
Về quan điểm chính khi triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, bằng Luật này sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, phẩm chất và năng lực nghề nghệp; giúp nhà giáo yên tâm công tác, thêm yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời cũng xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm đối với nhà giáo; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.
Các chính sách mới cũng bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập để phù hợp với đối tượng nhà giáo ngoài công lập đang ngày càng gia tăng, có vai trò quan trọng trong đời sống giáo dục.
Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo đã trình Quốc hội tại Tờ trình số 406/TTr-CP ngày 6/9/2024 gồm 9 chương, 71 điều được quy định theo hướng toàn bộ các quy định về nhà giáo được quy định tại Luật này từ thời điểm vào ngành cho đến khi được nghỉ chế độ.
Với việc kế thừa các quy định của Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động cùng với các chính sách có tính đặc thù của nhà giáo được quy định tại Luật này thì việc điều chỉnh các mối quan hệ của nhà giáo chỉ cần áp dụng Luật Nhà giáo, vì tất cả các quy định ở các luật liên quan đều được quy định tập trung tại luật này.
Toàn cảnh phiên họp.
Định hướng nhà giáo công lập và ngoài công lập
Ngày 25/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung: chỉ quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; những nội dung đã có quy định ở các Luật khác sẽ không quy định trong Luật này.
Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.
Tiếp thu và điều chỉnh theo hướng đó, những nội dung đã có trong luật khác và những nội dung chi tiết, cụ thể được xem xét cắt bỏ, điều chỉnh, diễn đạt lại. Dự thảo 5 Luật Nhà giáo (bản chỉnh lý đến ngày 1/10/2024) gồm 9 Chương 45 Điều (giảm 26 Điều so với dự thảo bản trình Quốc hội ngày 6/9/2024).
Dự thảo Luật Nhà giáo định hướng: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, theo đó nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động đặc biệt, thực hiện các quy định của Bộ Luật lao động và các quy định đặc thù của nhà giáo trong Luật này.
Đảm bảo tính toàn diện, bình đẳng, đồng bộ về nhà giáo trong toàn hệ thống
Bộ trưởng cũng cho biết, việc chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo không làm thay đổi 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 126-NQ/CP ngày 1/9/2024.
Để đảm bảo tính toàn diện, bình đẳng, đồng bộ về nhà giáo trong toàn hệ thống, dự thảo đã bao quát tối đa các nội dung quy định chung không phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập (tập trung ở các nội dung quy định về chức danh, chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, quyền và nghĩa vụ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, thu hút, thi đua, khen thưởng); đồng thời có những nội dung phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập trong từng điều khoản (về thẩm quyền, phương thức tuyển dụng, về thử việc, trả lương…).
Dự kiến một số tác động tích cực của Luật Nhà giáo
Chia sẻ dự kiến một số tác động tích cực của Luật Nhà giáo đem lại, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến việc ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Cùng với đó, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn phấn đấu trong học tập, bồi dưỡng, không ngừng cập nhật kiến thức kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển không ngừng của giáo dục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề, trách nhiệm cao nhất với nghề.
Tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập - không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động mà còn đầy đủ tư cách của nhà giáo.
Theo Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/du-thao-luat-nha-giao-dinh-huong-nha-giao-cong-lap-la-vien-chuc-dac-biet-post703895.html