Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân vì sao?
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết đại học này luôn chú trọng đến việc công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học - Ảnh: KHẮC HIẾU
Theo Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 1-2017 đến hết tháng 11-2023 đã nhận được tổng 37.436 hồ sơ, được công nhận là 35.662 hồ sơ (95,26%), chưa công nhận 1.774 hồ sơ (4,74%).
Số hồ sơ chưa được công nhận gồm cả những hồ sơ chưa nộp đủ thủ tục công nhận.
Những văn bằng liên kết với nước ngoài không được công nhận vì sao?
Chia sẻ tại buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài vừa được tổ chức tại Đại học Quốc gia TP.HCM, TS Lê Mỹ Phong - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay việc công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Thông tin thêm về những khó khăn, vướng mắc trong công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài hiện nay, ông Phong cho biết: "Các đơn vị liên kết không cung cấp kịp thời thông tin, làm ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu hồ sơ. Bên cạnh đó, quy trình còn gặp phải một số khó khăn khác như nơi đào tạo không được công nhận, chương trình liên kết thiếu người học, thiếu minh chứng ngoại ngữ…".
Văn bằng cấp trong các chương trình liên kết đào tạo: chương trình liên kết đào tạo thực hiện khi chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục; chương trình liên kết đào tạo không đáp ứng quy định về liên kết đào tạo tại Việt Nam;
Các cơ sở giáo dục liên kết chưa được kiểm định chất lượng, không được phép cấp bằng hoặc không được phép hoạt động tại Việt Nam; văn bằng cấp trong chương trình liên kết đào tạo không được cơ quan có thẩm quyền của nước cấp bằng công nhận; chương trình thực hiện không đáp ứng các điều cơ bản của quyết định cho phép như điều kiện đầu vào, số tín chỉ...
Văn bằng cấp cho người học theo hình thức từ xa, liên kết đào tạo từ xa, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam nhưng chương trình đào tạo lại chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Văn bằng cấp cho người học theo hình thức du học toàn phần: cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc chương trình đào tạo không được/chưa được kiểm định/công nhận chất lượng/chưa được phép cấp bằng bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại; văn bằng nước ngoài không được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước cấp bằng công nhận.
Điều kiện công nhận văn bằng liên kết đào tạo
Theo TS Trần Thị Ngọc Bích - giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng - Cục Quản lý chất lượng, điều kiện được công nhận văn bằng liên kết đào tạo là cơ sở đào tạo ở nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Theo quy định hiện nay, thẩm quyền công nhận văn bằng: cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Đồng thời, chương trình giáo dục phải được cơ quan có thẩm quyền hai bên cho phép, kiểm định và quản lý. Mẫu văn bằng được cấp theo đúng quy định và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại công nhận.
"Đối với điều kiện ngoại ngữ, yêu cầu đối với người học là IELTS 5.5, TOEFL 500 hoặc TOEFL iBT 46. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chấp nhận một số chứng chỉ như: ngoại ngữ Bậc 4; Aptis ESOL International Certificate B2; Pearson English International Certificate (PEIC) Level 3; Pearson Test of English Academic (PTE Academic) 59", bà Bích cho biết thêm.
Đại học Quốc gia TP.HCM chú trọng việc công nhận văn bằng chương trình liên kết Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, gần 30 năm hình thành và phát triển, Đại học Quốc gia TP.HCM đã liên kết với nhiều cơ sở giáo dục, đối tác nước ngoài, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ động tạo cơ hội thuận lợi cho người học tiếp cận các chương trình giáo dục quốc tế, hỗ trợ học phí, học bổng… Đồng thời, Đại học Quốc gia TP.HCM chú trọng đến việc công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học. |
Theo Trần Huỳnh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhieu-vuong-mac-trong-cong-nhan-van-bang-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-nuoc-ngoai-20241007102440231.htm