Là năm học đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10; học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới nên giáo viên lẫn học sinh đều rất hồi hộp và bị động khi cấu trúc đề mới có rất nhiều xáo trộn.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương là kỳ thi rất quan trọng, đòi hỏi học sinh (HS) chuẩn bị kỹ nhưng nhiều địa phương vẫn đang loay hoay trong việc sẽ ra đề thi như thế nào khi đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới).
"Ngồi trên đống lửa" chờ kỳ thi
Chương trình mới có nhiều điểm khác biệt với chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, đó là có 2 môn tích hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và môn lịch sử - địa lý. Việc có thêm môn học mới khiến phụ huynh cũng như HS mong chờ sự hướng dẫn từ các sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) về cách thức tổ chức kỳ thi cũng như cấu trúc đề thi các môn.
Tại TP Hà Nội, số HS lớp 9 là hơn 100.000 em nhưng chỉ có khoảng 62% em trúng tuyển vào trường công lập. Số HS còn lại sẽ lựa chọn vào trường tư, trường đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi này nhận được rất nhiều sự quan tâm và băn khoăn về số lượng môn thi. Nếu phương án vẫn thi 3 môn như năm học trước là toán, ngữ văn, ngoại ngữ thì nhiều người lo lắng HS bỏ qua các môn tổ hợp, khi lên THPT sẽ không có kiến thức nền tảng để lựa chọn tổ hợp. Tuy nhiên, nếu phương án thi 4 môn thì việc lựa chọn môn học nào trong các môn thành phần hay chọn theo môn tích hợp cũng là vấn đề cần tính toán thật kỹ để bảo đảm việc học cũng như ôn tập của các em. Đến thời điểm này, phụ huynh ở Hà Nội như "ngồi trên đống lửa".
Tại TP HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng được xem là "cuộc chiến khốc liệt" để giành một suất vào trường công. Cô giáo N.Ng, giáo viên (GV) ngữ văn một trường THCS tại TP HCM, cho biết từ đầu năm nghe thông tin đề thi môn văn tuyển sinh lớp 10 - phần nghị luận văn học sẽ ra ngữ liệu ngoài 3 bộ sách giáo khoa (SGK) hiện có, cô cảm thấy rất bối rối vì vô hình trung HS sẽ phải học và đọc rất nhiều bài đọc ngoài SGK, trong khi năm cuối cấp, các em còn phải học các môn khác để có thể hoàn thành chương trình THCS và ôn tập các môn thi khác của kỳ thi lớp 10. "Tôi cảm nhận HS rất lo lắng và GV cảm thấy hoang mang. Kiến thức cung cấp cho HS sẽ phải mở rộng, cả thầy và trò đều áp lực" - cô Ng. chia sẻ.
Rất nhiều thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT khiến cả học sinh và giáo viên hồi hộp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lo lắng về cách ra đề, chấm thi
Bên cạnh kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có quy mô, tính chất rất mới và rất hệ trọng. 2025 là năm đầu tiên HS học theo chương trình mới tốt nghiệp bậc THPT. Chương trình này có nhiều điểm khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông trước đó - từ mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục, cơ cấu hệ thống cũng như các môn học, đặc biệt là ở bậc THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 6 môn thi, trong đó toán, ngữ văn, ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc, HS tự chọn tổ hợp môn để thi giữa khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) với 4 buổi thi. Kỳ thi năm 2025 có 4 môn thi gồm toán, ngữ văn thi bắt buộc, HS tự chọn thêm 2 môn trong các môn (ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật), trong đó tin học và công nghệ là 2 môn thi mới. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định có thể đăng ký miễn thi môn này nhưng không được tính điểm 10.
Với phương án thi này, trên lý thuyết, thí sinh có tới 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp. Đây là phương án rất khác so với các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, gây nhiều băn khoăn về cách thức tổ chức thi. Theo tính toán, ngoài 2 môn thi toán, văn, mỗi điểm thi sẽ có nhiều phòng thi với 2 môn tự chọn khác nhau trong số 36 tổ hợp môn. Việc này đòi hỏi lãnh đạo điểm thi, thư ký điểm thi, giám thị và cán bộ thu bài thi phải làm việc khoa học, cẩn thận để tránh nhầm lẫn, sai sót trong việc phát đề, thu bài giữa các môn thi.
Cũng giống như tuyển sinh lớp 10, một thay đổi rất lớn cũng khiến HS, GV quan tâm là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngữ liệu sử dụng ra đề thi không có trong các bộ SGK. Môn ngữ văn thi tự luận lấy ngữ liệu ngoài, gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm), viết (6 điểm).
TS Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM), chia sẻ việc đề thi không sử dụng ngữ liệu của 3 bộ SGK là một thách thức lớn trong việc ra đề thi, kiểm tra của GV hiện nay, đặc biệt là GV dạy chương trình lớp 12. GV hiện phải soạn đề cương cho HS và ra đề kiểm tra theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã công bố nhưng không phải ai cũng nắm được định hướng ra đề và chọn ngữ liệu. Về cơ bản, dù đã được trải nghiệm cách học, cách kiểm tra của chương trình mới năm lớp 10 và 11 nhưng cả HS và GV vẫn rất lo lắng. "Các năm trước HS đã quen cách học định vị được ngữ liệu đề thi, ví dụ học 10 tác phẩm thì 1 trong 10 tác phẩm ấy sẽ chắc chắn được đề cập trong đề. Còn năm nay, theo cấu trúc ra đề mới, về mặt ngữ liệu HS thì phải "tự bơi". GV cũng phải có khả năng chọn ngữ liệu để ra đề kiểm tra gần với cấu trúc đề thi tốt nghiệp. Chính GV cũng rất hồi hộp về ngữ liệu sẽ ra ở tác phẩm nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT" - cô Hiền chia sẻ.
Rất nhiều GV cho rằng việc ra đề thi theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và chương trình mới là quá sức với rất nhiều GV; trong khi hầu hết GV không được tập huấn kỹ năng ra đề nên mỗi GV tự ra đề kiểu "mỗi nơi một phách". Điều này khiến cho việc đánh giá năng lực của HS khó đồng đều, khó đáp ứng được mục tiêu như chương trình mới kỳ vọng.
Xét tuyển vào đại học cũng nhiều xáo trộn Với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương án tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 sẽ được điều chỉnh, trong đó có việc tính toán giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để bảo đảm nguồn tuyển đầu vào. Khảo sát do các trường ĐH thực hiện cho thấy những năm qua, tỉ lệ thí sinh lựa chọn các môn học thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên truyền thống (khối A, B) thấp hơn so với thí sinh lựa chọn các môn khoa học xã hội hoặc tổ hợp khối D00 và A01. Điều này dẫn đến hạn chế về nguồn tuyển đối với các trường đào tạo khoa học kỹ thuật. Nhiều trường đã dự kiến điều chỉnh giảm tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ tuyển theo phương thức này 15% tổng chỉ tiêu. ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT còn 40% (năm 2024 là 50%); Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông Phạm Thanh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải, cho biết năm 2025 lần đầu tiên các môn tin học, công nghệ được đưa vào để thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp. Nhà trường sẽ cân nhắc để xây dựng các tổ hợp xét tuyển có sử dụng kết quả của các môn thi này nhưng cũng chỉ xem xét để tuyển sinh cho một số ít ngành đặc thù. Về nền tảng, trường vẫn định hướng ưu tiên kiến thức của các môn toán, khoa học tự nhiên (tổ hợp A00, A01). Theo ông Trịnh Văn Toàn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, trường vẫn chưa thống nhất về việc xây dựng tổ hợp xét tuyển, còn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc xây dựng phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Với quy định mỗi ngành học không quá 4 tổ hợp xét tuyển, nhà trường đang cân nhắc sử dụng môn thi công nghệ hoặc tin học vào tuyển sinh. |
Cần định hướng ôn tập Ngày 2-10, Sở GD-ĐT TP HCM công bố đề thi minh họa tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM. Cuối tháng 8-2024, Sở GD-ĐT TP Hà Nội công bố cấu trúc định dạng và đề thi minh họa tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 được xây dựng theo chương trình mới. Lãnh đạo các trường cho rằng cấu trúc định dạng đề thi này là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Với đề thi minh họa được công bố, các nhà trường có thể áp dụng cấu trúc định dạng đề thi của từng môn học để xây dựng các đề kiểm tra, có kế hoạch hướng dẫn HS ôn tập ngay từ đầu năm học mới để các em không bỡ ngỡ với những thay đổi của đề thi tuyển sinh lớp 10. |
Theo Yến Anh - Bảo Lâm/ Người lao động
https://nld.com.vn/chat-vat-voi-chuong-trinh-pho-thong-moi-thap-thom-doi-moi-thi-cu-196241002212806004.htm