Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu đến năm 2040, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân.
Nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, nhiều trường ĐH đồng loạt mở ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn.
VN đặt mục tiêu đến năm 2040 quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là trên 100.000 kỹ sư, cử nhân
"LẤY ĐÂU RA ĐỦ GIẢNG VIÊN ĐỂ DẠY ?"
Năm 2024, hàng loạt trường ĐH tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn như Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM); Bách khoa Hà Nội; Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn (ĐH Đà Nẵng); Việt Đức; Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; Công nghiệp TP.HCM; Cần Thơ, FPT; Lạc Hồng; Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông...
Trong năm đầu tiên, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tuyển sinh được 60 sinh viên (SV) chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch (thuộc ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông) với điểm chuẩn là 26,3.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), cho biết: "Khi Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng dự định mở ngành về thiết kế vi mạch, nhà trường đã gặp một số khó khăn như giảng viên (GV), phần mềm chưa được trang bị đầy đủ, phòng thực hành thiết kế, phòng thí nghiệm đo đạc thiết bị điện tử đã lỗi thời… Trong đó, việc tuyển dụng GV ngành vi mạch, bán dẫn gặp thách thức khi nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này đang có xu hướng làm việc tại các công ty thiết kế do có thu nhập cao hơn hẳn so với GV".
Năm nay Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng lần đầu tiên tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, nhận định các trường đều có nhân lực GV ở lĩnh vực/ngành gần, nhưng nếu xét từng lĩnh vực hẹp của vi mạch, bán dẫn thì lại không có nhiều.
"Chắc chắn việc chạy đua mở ngành mà thiếu hụt nhân lực giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, chúng ta rất cần bổ sung đội GV vi mạch bán dẫn cho các trường ĐH", PGS-TS Thắng cho hay.
Lãnh đạo một cơ sở giáo dục ĐH tại TP.HCM nhấn mạnh: "Phải xây dựng chương trình đúng theo mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành). Đi từ chuẩn đầu ra để ngược lại chọn học phần và phương pháp giảng dạy, đánh giá... Tiếp theo phải có đủ đội ngũ giảng dạy. Các trường lấy đâu ra đủ đội ngũ GV để dạy với kiến thức và kỹ năng đáp ứng đầu ra phù hợp công nghệ mới hiện nay? Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất khó vì với quy mô hàng chục ngàn nhân lực trong thời gian tới, làm sao có đủ GV theo quy định 20 SV/1 GV? Chưa kể đội ngũ này phải đủ chuẩn và có kiến thức cập nhật theo thực tế".
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng cho rằng để đào tạo, cần đội ngũ GV có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tế trong thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. "Tuy nhiên, VN đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu chuyên gia trong lĩnh vực này khiến các trường ĐH khó tuyển dụng và đào tạo đội ngũ GV chất lượng", ông Quỳnh nhận định.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản
GỬI GV ĐI ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU
Lãnh đạo các trường ĐH cho biết đang nỗ lực để có thể hoàn thiện dần đội ngũ GV cả về số lượng lẫn chất lượng, cũng như tập trung nguồn lực tài chính vào các phòng thí nghiệm, thực hành.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin trường đang đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch thuộc ngành công nghệ kỹ thuật máy tính với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 là 100 SV, trong tương lai có thể tăng thêm.
"GV tham gia quá trình đào tạo đến từ nhiều chuyên ngành, trong đó chủ yếu từ các chuyên ngành như kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, điện tử truyền thông, công nghệ thông tin. Những GV này đã có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và được tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn. Tuy nhiên, để đào tạo tốt lĩnh vực này cần đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác thực nghiệm thiết kế, gia công và kiểm thử các sản phẩm liên quan đến vi mạch - bán dẫn; đồng thời GV cần thêm các khóa bồi dưỡng chuyên sâu để khai thác hệ thống phòng thí nghiệm này", tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
Mới đây, vào tháng 7, hơn 120 GV của 6 trường ĐH gồm Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), Việt - Đức, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Lạc Hồng đã tham gia chương trình đào tạo đặc biệt của Tập đoàn Synopsys về ngành vi mạch bán dẫn.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ: "Khóa học này cung cấp kiến thức cập nhật về công nghệ vi mạch, đồng thời trang bị cho GV khả năng khai thác và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực vi mạch trong nước".
Theo ông Quỳnh, thời gian qua, Trường ĐH Lạc Hồng đã ký kết với nhiều trường ĐH của Đài Loan và các tập đoàn vi mạch - bán dẫn để hợp tác đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là việc đào tạo GV và SV trong các chương trình ngắn hạn lẫn dài hạn.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu cũng cho biết đối với mảng thiết kế mạch, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có 2 phó giáo sư và hàng chục tiến sĩ đã được đào tạo tại các nước phát triển, có kinh nghiệm thiết kế toàn bộ chip, kể cả layout (thiết kế vật lý), và làm mạch in để đo đạc chip đã thiết kế.
"Trong ngắn hạn cũng như dài hạn, trường tiếp tục gửi GV học chuyên sâu về bán dẫn tại các trường danh tiếng trên thế giới mà trường đã có mối quan hệ từ trước, đồng thời chọn lựa SV gửi đi đào tạo để tạo nguồn nhân lực phát triển sau này. Trường cũng tiếp tục tuyển dụng, mời các chuyên gia đầu ngành đến giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục phối hợp với NIC, nhóm Tresemi.. tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho GV, SV", ông Hiếu thông tin.
1.300 GV sẽ được đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn Ngày 21.9.2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong chương trình này, dự kiến có 18 cơ sở giáo dục ĐH công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở, bao gồm: ĐH Quốc gia TP.HCM (Trường ĐH Công nghệ thông tin), ĐH Quốc gia Hà Nội (Trường ĐH Khoa học tự nhiên), ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Điện lực, Học viện Kỹ thuật mật mã, Trường ĐH Việt Đức. Chương trình cũng đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 GV của VN giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2050, các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục ĐH đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của VN. |
Lộ trình phát triển công nghiệp bán dẫn theo 3 giai đoạn Tại Quyết định số 1018 ngày 21.9.2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, VN định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. - Giai đoạn 1 (2024 - 2030) phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn. Quy mô nhân lực giai đoạn này phải đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân. - Trong giai đoạn 2, đến năm 2040, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân. - Tại giai đoạn 3 (đến năm 2050), quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. |
Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/cuoc-dua-dao-tao-vi-mach-ban-dan-thach-thuc-ve-doi-ngu-giang-vien-185240929212830799.htm