11
/
169637
Tự công nhận giáo sư, phó giáo sư: Có khả thi?
tu-cong-nhan-giao-su-pho-giao-su-co-kha-thi
news

Tự công nhận giáo sư, phó giáo sư: Có khả thi?

Thứ 2, 16/09/2024 | 07:32:00
2,117 lượt xem

Trong bối cảnh tự chủ đại học và hội nhập quốc tế, cần xem xét triển khai thí điểm mô hình trường đại học công nhận chức danh GS, PGS...

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng công bố các quyết định bổ nhiệm, vinh danh các PGS năm 2023. Ảnh: NTCC 

Việc đại học đề xuất “tự phong” giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) không mới. Cách đây gần 10 năm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã bổ nhiệm GS, PGS, gây ra tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh tự chủ đại học và hội nhập quốc tế, cần xem xét triển khai thí điểm mô hình trường đại học công nhận chức danh GS, PGS.

Điều kiện cần và đủ

PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc “phong hàm GS, PGS” hay “tự phong”, “tự bổ nhiệm” GS, PGS như một số thông tin bàn luận có vẻ chưa chuẩn, dẫn đến những người bên ngoài ngành cảm giác “loạn”.

Theo phân tích của PGS.TS Võ Văn Minh thì việc “phong hàm” đã chấm dứt từ lâu, thay vào đó là “công nhận đạt tiêu chuẩn” và “bổ nhiệm”. “Tiêu chuẩn GS, PGS đã có Hội đồng GS Nhà nước quy định; cơ bản trong thời gian qua luôn cập nhật; quy trình chặt chẽ, hồ sơ ứng viên được công khai…

Nhiều trường hợp ứng viên phi liêm chính đã được loại bỏ. Có thể nói khó có thể hoàn hảo, nhưng nhìn tổng thể quy trình và tiêu chuẩn như vậy chấp nhận được”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận xét.

Các tiến sĩ muốn trở thành PGS phải đạt “điều kiện cứng” trong xét duyệt theo tiêu chuẩn mới gồm 3 bài báo trên hệ thống WoS/Scopus và phải hướng dẫn tối thiểu 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

Theo quy trình, hồ sơ của ứng viên phải qua 3 vòng thẩm định từ Hội đồng GS cơ sở (các đại học, trường đại học). Hội đồng này xem hồ sơ và loại nhiều ứng viên trước khi thông qua danh sách đề nghị công nhận chức danh gửi Hội đồng GS ngành, liên ngành. Hội đồng này tiếp tục xem xét và loại những ứng viên chưa đủ điều kiện trước khi chốt danh sách đề nghị Hội đồng GS Nhà nước công nhận.

Hội đồng GS Nhà nước chỉ công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS còn các cơ sở giáo dục đại học căn cứ yêu cầu thực tế và chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS thực hiện bổ nhiệm chức danh PGS, GS có thời hạn. PGS.TS Võ Văn Minh khẳng định: “Như vậy không có việc “phong hàm” và mãi mãi có giá trị; cũng như bổ nhiệm PGS, GS cho tất cả cơ sở giáo dục đại học”.

Những ứng viên sau khi được Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn mà không cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm thì chưa được gọi là GS, PGS. Theo lý giải của GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, “Nhà nước cũng mong muốn các ứng viên không được bổ nhiệm ở các đại học lớn, có thể về đại học tại địa phương đăng ký bổ nhiệm làm GS, PGS”.

Như vậy, với việc Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn thì ứng viên mới chỉ đạt điều kiện cần, phải được một trường đại học cụ thể bổ nhiệm sau đó thì mới đạt chức danh PGS hoặc GS.

“Từ thực tế kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, chúng tôi thấy rằng, một giảng viên đạt chức danh PGS, GS khi chuyển đơn vị công tác, tức là ra khỏi trường đại học đã trao quyết định bổ nhiệm thì không còn chức danh đó nữa. Trường hợp này, chỉ còn là nguyên hoặc cựu PGS, GS. Chỉ có các cá nhân được trường đại học phong cho danh hiệu PGS, GS danh dự thì mới là suốt đời”.

Hội nghị tập huấn công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với các Hội đồng GS cơ sở năm 2024 cho các ứng viên các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Ảnh: Đại học Đà Nẵng cung cấp 

Chuẩn và trên chuẩn

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Cơ khí - Động lực cho rằng, xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS hiện nay phù hợp với thực tế nước ta. Hội đồng GS Nhà nước chỉ xét để công nhận ứng viên đạt chuẩn GS, PGS và sau đó các trường tự bổ nhiệm. Hội đồng GS Nhà nước chỉ xét để đảm bảo mặt bằng chất lượng tối thiểu. Các trường có thể yêu cầu ứng viên có chất lượng cao hơn mới được bổ nhiệm.

Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, chức danh GS, PGS cần xét trên nhiều mặt như thâm niên, giờ giảng, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu các cấp, công bố quốc tế, viết giáo trình, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Hiện có không ít giảng viên trẻ điểm về công trình khoa học dư nhiều nhưng xét toàn diện các tiêu chí thì lại không đạt chuẩn.

Kể từ khi Luật Giáo dục đại học 2013 được ban hành thì GS, PGS là chức danh của giảng viên đại học chứ không phải học hàm như trước. Ứng viên phải đáp ứng tất cả tiêu chuẩn của ngạch này mới được công nhận.

Các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành (Quyết định 37 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ) đều cần thiết như nhau. Điều quan trọng nhất trong việc xét công nhận GS, PGS là tiêu chuẩn, còn tổ chức xét thế nào là quy trình kỹ thuật.

“Nếu ĐH Quốc gia TPHCM hay đơn vị nào đó muốn xét tiêu chuẩn cao hơn thì rất hoan nghênh. Nhưng trước hết phải đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu mà hội đồng GS Nhà nước đang áp dụng”, GS.TSKH Bùi Văn Ga phân tích.

Theo đó, trong đề xuất cơ chế đặc thù cho ĐH Quốc gia TPHCM xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, trước hết phải quy định các ứng viên đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn hiện hành của Hội đồng GS Nhà nước và bổ sung các tiêu chuẩn khác theo đặc thù riêng của đơn vị. Nếu đạt được tiêu chuẩn công khai, minh bạch thì xét ở đâu cũng có kết quả như nhau.

Có cùng quan điểm, PGS.TS Võ Văn Minh phân tích: Nếu ĐHQG TPHCM công khai tiêu chuẩn “bằng hoặc cao hơn” tiêu chuẩn do Hội đồng GS Nhà nước, có quy trình bổ nhiệm chặt chẽ, cơ chế giám sát rõ ràng, chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là có cơ chế chính sách hợp lý, không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành… thì nên khuyến khích để có cơ sở đánh giá thực tiễn và định hướng hội nhập sớm hơn.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là để tôn vinh, giao nhiệm vụ và nhằm trọng dụng có hiệu quả nguồn lực lao động có chất lượng cao, chứ không phải vì danh xưng. Vì vậy, cần có sự thay đổi tích cực để nhìn nhận đúng bản chất của “chức danh khoa học”, phân biệt với “học hàm” như trước đây.

Việc các trường đại học xét công nhận PGS, GS là một trong những nội dung của tự chủ đại học. Trong bối cảnh khu vực đại học hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, xét công nhận PGS, GS nên tính đến thông lệ quốc tế. Trước mắt, có thể thí điểm ở một số cơ sở giáo dục đại học đang theo mô hình đại học hai cấp như ĐHQG, đại học vùng. Trong đó, các đơn vị phải lấy Quyết định 37 làm thước đo chung để ít nhất bằng chuẩn hoặc vượt chuẩn.

Chúng ta thường nói nhiều về tiêu chuẩn công bố bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín nhưng chưa có quy chuẩn nào về những đóng góp cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước. Điều này có thể đưa vào tiêu chí riêng để phù hợp với định hướng, mục tiêu đặc thù của các cơ sở giáo dục đại học. - GS.TS Trần Văn Nam (Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng)

Theo Hà Nguyên/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/tu-cong-nhan-giao-su-pho-giao-su-co-kha-thi-post700727.html

  • Từ khóa

Đại học Bách khoa Hà Nội lên tiếng về bữa ăn GD QP-AN không đảm bảo

ĐH Bách khoa Hà Nội gửi lời xin lỗi và mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các bậc phụ huynh, các em sinh viên.
10:30 - 08/10/2024
84 lượt xem

Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ngày 7/10 ký ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức...
09:02 - 08/10/2024
109 lượt xem

Nâng chuẩn giáo viên: Bảo đảm quyền lợi chính đáng

Sau 4 năm thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn.
07:20 - 08/10/2024
160 lượt xem

Nhiều vướng mắc trong công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài

Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài hiện đang gặp nhiều khó khăn....
15:36 - 07/10/2024
551 lượt xem

Quy định về quản lý, cấp và hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ GD&ĐT

Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về việc in, quản lý, cấp và hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ GD&ĐT.
14:45 - 07/10/2024
571 lượt xem