Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, một nhà toán học Việt kiều Pháp, thì việc AI có thể làm việc hiệu quả như một nhà toán học chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, thế giới vẫn luôn cần các nhà toán học.
Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã tổ chức bài giảng đại chúng chủ đề "AI trở thành nhà toán học như thế nào". Bài giảng do GS Nguyễn Tiến Dũng, một nhà toán học Việt kiều Pháp, thực hiện.
Chiều 12.8, GS Nguyễn Tiến Dũng đã thực hiện bài giảng đại chúng "AI trở thành nhà toán học như thế nào" tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán
Triển vọng 5 - 10 năm tới của AI
Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, chúng ta đang sống trong thời đại phát triển như vũ bão của AI (trí tuệ nhân tạo). Cách đây khoảng dăm năm, người ta từng dự đoán ở hầu hết ngành nghề, phải đợi đến năm 2070 thì AI mới đạt được hiệu quả làm việc tương đương con người.
Nhưng từ khi xuất hiện mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT thì người ta lại dự đoán ngày đó sắp đến rồi, chỉ khoảng 2030 - 2035 thôi. "Đây không còn là triển vọng của một hai thế hệ mà là câu chuyện của 5 - 10 năm tới. Một khi khả năng làm việc của AI đã tương đương với con người thì sau đó nó sẽ vượt qua", GS Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, trong tương lai không xa, khả năng làm việc của AI sẽ đạt mức một nhà toán học
Với câu hỏi "AI sẽ ảnh hưởng tới công việc của nhà toán học như thế nào", GS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, một trong những triển vọng chắc chắn nhất trong thời gian không xa nữa là AI sẽ làm được toán ở mức độ nhà nghiên cứu toán học.
Ông cho biết: "Vừa rồi, trong cộng đồng toán xôn xao về việc AI giải được bài toán dành cho kỳ thi học sinh giỏi quốc tế IMO với kết quả ở mức độ có thể đạt huy chương bạc. Tất nhiên, với các nhà toán học thì kỳ thi toán quốc tế chỉ là một trò chơi dành cho "trẻ con". Nhưng thực tế là không lâu nữa AI có thể thay thế các nhà toán học, nghĩ ra các giả thuyết, nghĩ ra các định lý, nghĩ ra các lý thuyết mới, rồi giải thích lại cho các nhà toán học".
GS Nguyễn Tiến Dũng giải thích, "trí tuệ" của các phần mềm tin học ngày xưa có tính tĩnh. Còn ngày nay thì trí tuệ của máy móc sinh động ở mức độ là có thể "học", tức là nó giống một bộ não, sau đó thì có sự thay đổi liên tục nhờ "học".
"Giống như con người, ban đầu chúng ta có một bộ não trắng tinh, sau đó thì mỗi ngày học thêm được một ít, học cho đến khi thành giỏi. AI cũng thế, việc học của nó thể hiện là nó sẽ thay đổi liên tục cho đến khi đạt được sự hợp lý nhất trong khi xử lý một công việc nào đó. Có nhiều phương pháp học tập khác nhau, tất cả đều dựa trên phương pháp tối ưu hóa của toán học, máy học thực sự rất giống với con người học. Máy học sử dụng rất nhiều toán trong quá trình học", GS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Không có gì là AI không làm được
Cũng theo GS Nguyễn Tiến Dũng, AI thực chất là toán ứng dụng. Vì thế, trong thời đại AI, trẻ con càng cần học toán, đặc biệt khi mà sự phát triển của AI là cuộc chơi của thuật toán. Ngày xưa, lập trình rất khó, nhưng ngày nay nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mà việc lập trình trở nên dễ dàng hơn.
Vì thế, một người chỉ biết nghĩ cấu trúc thuật toán tốt mà không biết lập trình thì vẫn tạo được sản phẩm AI tốt. "Ăn nhau là ở thuật toán tốt. Mà toán học chẳng qua là xây dựng hệ thống thuật toán. Vì thế, khi dạy học sinh học toán là anh phải dạy về thuật toán. Còn cho các em ngồi giải bài tủ là hầu như các em sẽ chẳng học được cái gì", GS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.
GS Ngô Bảo Châu (thứ 4 từ trái qua, hàng ghế đầu) là một trong những người đến nghe bài giảng đại chúng của GS Nguyễn Tiến Dũng
GS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, khả năng làm toán của AI hiện còn hẹp. Hiện tại, AI hỗ trợ rất hiệu quả các nhà toán học ở một số chuyên ngành, ví dụ như hệ động lực. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu tương lai có còn cần đến nhà toán học nữa không?
GS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ông từng thử nghiệm với ChatGPT phiên bản 3, với yêu cầu chứng minh Pi là số vô tỉ, kết quả cho ra một bài chứng minh nhiều bước, đọc nghe rất hay, nhưng khi đi vào từng chi tiết cụ thể thì thấy nó làm sai. "Cơ bản là nó cứ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia", GS Nguyễn Tiến Dũng giải thích.
Tuy nhiên, ChatGPT có khả năng học thuộc lòng rất tốt. Nhưng khả năng suy luận logic bị hạn chế. Như vậy, nếu sự phát triển của AI chỉ dừng lại với mô hình ngôn ngữ lớn thì chắc chắn AI sẽ không thể trở thành nhà toán học. Nhưng nếu mô hình ngôn ngữ lớn cộng với cái khác nữa (đặc biệt là ngôn ngữ hình thức toán học) thì câu trả lời có thể là có. Cho nên, có lẽ không có gì là AI không thể làm được, vấn đề là thời gian.
Sẽ đến lúc nhà toán học dạy AI làm thứ mình cần
"Nếu hiểu nhà toán học là những người nghĩ ra các giả thuyết, nghĩ ra các định lý, nghĩ ra các lý thuyết mới, rồi trình bày lại được cho người khác hiểu, cái nghĩ ra được phải đẹp, hoặc phải có nhiều ứng dụng… thì AI cũng sẽ trở thành được người như thế", GS Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
Lịch sử toán học kéo dài hàng nghìn năm, bắt đầu bằng việc đếm, sau đó thì có các phép tính cộng trừ nhân chia, rồi tiến đến việc có các khái niệm. Càng về sau thì càng mở rộng các khái niệm. Sự phát triển nào cũng cần thời gian, trong hành trình phát triển đó sẽ có vô số thứ dở hơi và thời gian chỉ giữ lại những gì đẹp, giá trị. AI về cơ bản cũng sẽ đi theo con đường đó, mà quá trình học của AI nhanh hơn con người nhiều.
GS Nguyễn Tiến Dũng liên tưởng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, khi đó, rất nhiều người phản đối máy móc vì người ta sợ nông dân thất nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy mất việc này sẽ có việc khác. Ngày xưa, để nuôi sống thế giới thì cần tới 90% người làm nông dân, giờ chỉ cần 2 - 3% người làm nông dân thì thế giới cũng đủ lương thực, thực phẩm để sống. Cũng như vậy, AI cũng sẽ giúp cho thế giới này tốt lên.
"Nhà toán học không thất nghiệp được, vẫn được làm toán, chỉ là không làm toán theo cách cũ. Bản thân AI không biết con người cần gì, chỉ có con người mới biết mình cần gì. Vì vậy, cách làm việc mới của chúng ta sẽ là không phải tự mình làm toán, mà dạy cho AI để AI làm ra thứ mà mình cần", GS Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
GS Nguyễn Tiến Dũng (54 tuổi) là nhà toán học Việt kiều Pháp, là người đến nay vẫn giữ kỷ lục học sinh Việt Nam được huy chương vàng IMO ít tuổi nhất (khi chưa đầy 15 tuổi). Ông vốn làm việc ở Đại học Toulouse, được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp (CNU) phong hàm giáo sư hạng nhất khi mới 37 tuổi (2007). Từ 5 năm nay, ông bỏ môi trường hàn lâm và thành lập Torus, một công ty quốc tế nghiên cứu và sản xuất sản phẩm trí tuệ nhân tạo. |
Theo Quý Hiên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/ai-co-the-thay-the-nha-toan-hoc-185240812211826754.htm