Năm học mới tại Israel sẽ bắt đầu từ ngày 1/9 nhưng xung đột với Hamas khiến nhiều trường học bị phá hủy, trẻ em không thể đến lớp.
Trường học tại Gaza bị phá hủy nghiêm trọng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Gaza.
Trong số 60 nghìn dân thường được sơ tán khỏi miền Bắc Israel từ sau xung đột với lực lượng Hamas, 14,6 nghìn người là trẻ em. Họ ở tạm trong các trường mẫu giáo, trường phổ thông trên khắp cả nước.
Bộ trưởng Giáo dục Israel, Yoav Kisch, cho biết nước này đang chi 38 triệu USD để xây dựng các trường mẫu giáo, trường phổ thông ngoài tầm bắn tên lửa ở phía Bắc. Trường mới sẽ tiếp nhận học sinh nếu trường cũ của các em chưa an toàn trước ngày 1/9.
Ước tính, Israel sẽ mất ít nhất một tháng để xây dựng trường mới hoặc khôi phục các trường học cũ đang chìm trong đổ nát. Mục tiêu là hoàn thiện cơ sở vật chất trước ngày 1/9 để đón học sinh trong năm học mới. Nếu việc xây dựng không diễn ra theo đúng kế hoạch, nước này sẽ chuyển sang phương án khác.
Học sinh tại khu vực phía Bắc Israel, nơi tiếp giáp với những cuộc xung đột trong thời gian qua, đang trượt dốc không phanh và tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa. Ông Kisch cho biết tỷ lệ bỏ học trung học của những em này có thể lên tới 5%, gấp đôi mức trung bình toàn quốc.
Các giáo viên chỉ ra nguyên nhân nằm ở việc học sinh bị mất chỗ ở, không thể làm bài tập về nhà trong điều kiện sống hạn hẹp. Một số phụ huynh tìm cách tái định cư lâu dài, không trở về quê hương nên con cái mất thời gian hòa nhập với cuộc sống mới. Chưa kể, điều quan trọng nhất là trường học bị phá hủy và học sinh không thể đến trường.
Còn tại Gaza, 8 tháng xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã tàn phá hệ thống giáo dục của khu vực này.
Atef Al-Buhaisi, 6 tuổi, từng mơ ước trở thành kiến trúc sư nhưng bây giờ, tất cả những gì cậu bé khao khát là trở lại trường học. Trong xung đột, nhà của Atef bị tàn phá còn trường học trở thành nơi ẩn náu cho những người phải di dời.
Bà của Atef, Irada Ismael, cho biết: “Điều chúng tôi mất đi nhiều nhất là tương lai của con cái chúng tôi và nền giáo dục của chúng. Nhà có thể xây lại, tiền có thể kiếm lại nhưng làm cách nào có thể bù đắp việc học hành của cháu tôi?”.
Tất cả trường học ở Gaza hiện đóng cửa khiến hàng trăm nghìn học sinh như Atef không thể đến trường hay không có nơi an toàn để học tập. Ước tính, gần 90% các tòa nhà trường học ở Gaza bị hư hại hoặc bị phá hủy.
Trẻ em nằm trong nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Liên hợp quốc ước tính khoảng 19 nghìn trẻ em mồ côi và gần 1/3 trẻ dưới 2 tuổi mắc suy dinh dưỡng cấp tính. Trong trường hợp khẩn cấp như trên, giáo dục xếp sau an toàn, sức khỏe và vệ sinh, nhưng điều này sẽ để lại hậu quả lâu dài.
Theo Liên hợp quốc, trước xung đột, Gaza là nơi sinh sống của hơn 625 nghìn học sinh và 20 nghìn giáo viên trong cộng đồng dân cư có trình độ học vấn cao. Trong các cuộc xung đột khác, các nhóm viện trợ có thể tạo không gian an toàn cho trẻ em ở các nước láng giềng. Đơn cử, Ba Lan có thể làm nơi trú ẩn và học tập cho học sinh Ukraine. Nhưng điều này là không thể ở Gaza. Vì vậy, học sinh ở khu vực này không có cách nào khôi phục học tập trong thời gian ngắn. |
Theo Phạm Khánh/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/tre-em-lac-long-giua-xung-dot-israel-va-hamas-post686421.html