Hai năm sau thảm hoạ động đất ở Tây Java, Indonesia vẫn nỗ lực khôi phục hệ thống trường học bị hư hại, khiến hàng nghìn trẻ em không thể đến trường.
Trường học Indonesia bị hư hại nặng nề sau thảm hoạ động đất năm 2022.
Bên cạnh đó, nước này cũng tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai để hạn chế những sự cố đáng tiếc.
Hàng năm Indonesia hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, núi lửa phun trào, lở đất..., gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong lĩnh vực giáo dục, thiên tai khiến trường học bị hư hại nặng nề, học sinh bị gián đoạn học tập và phải mất nhiều năm để khôi phục.
Đáng chú ý, trận động đất mạnh 5,6 độ richter xảy ra tại tỉnh Tây Java, Indonesia vào tháng 11/2022 khiến hơn 13 nghìn học sinh bị gián đoạn học tập. Đến nay, một bộ phận học sinh chưa thể trở lại trường dù thiên tai đã qua đi 2 năm vì trường học bị phá huỷ hoàn toàn.
Chị Rahmawatti, phụ huynh có con học mẫu giáo, cho biết: “Sau trận động đất, trường học đóng cửa. Vì vậy, học sinh được giao làm bài tập trực tuyến qua điện thoại di động hoặc học qua Zoom. Điều này không có lợi cho con tôi vì cháu không thể khám phá hay giao lưu với bạn bè”.
Trong nỗ lực nhằm giải quyết tác động của thiên tai nói chung và trận động đất tại tỉnh Tây Java năm 2022 nói riêng, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã làm việc với Chính phủ Indonesia để nhanh chóng khôi phục môi trường học tập an toàn. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là đưa học sinh trở lại trường học.
Hiện nay, nhiều ngôi trường đang được tu bổ và xây mới. Những trường xây mới được ứng dụng công nghệ chống chịu động đất tốt hơn, thiết kế thân thiện với môi trường.
Thầy giáo Hari Suherman, hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Cianjur, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất năm 2022, cho biết: “Gần đây chúng tôi lại có một trận động đất. Nó rung lắc khá mạnh, cường độ khoảng 4,1 độ richter nhưng ngôi trường mới không bị thiệt hại nào. Điều này có nghĩa là trường mới có khả năng chống chịu động đất tốt hơn”.
Bên cạnh việc khôi phục cơ sở hạ tầng giáo dục, Chính phủ Indonesia đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ quan tâm, chăm lo cho đời sống của học sinh.
Đơn cử, hồi năm 2023, một năm sau trận động đất ở phía Tây Indonesia, tổ chức Plan Indonesia đã phân phát gần 500 bộ dụng cụ học tập cho 3 trường học và các bộ dụng cụ phát hiện thiên tai cho 10 trường học.
Tổ chức cũng triển khai hoạt động đào tạo về An toàn trường học toàn diện (CSS) cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân viên trường học.
Plan Indonesia cũng phân phát 350 gói vệ sinh cá nhân cho học sinh ở thành phố Cianjur do sau động đất, nguồn nước và vệ sinh chưa được đảm bảo.
Chính phủ Indonesia đã và đang tăng cường triển khai chương trình giáo dục về thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai trong trường học. Chương trình bao gồm tìm hiểu về thiên tai, kỹ năng ứng phó với thiên tai, phát hiện thiên tai... dành cho học sinh tiểu học, trung học, đại học.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, trong 15 năm qua, hơn 15 nghìn trường học đã hứng chịu thiệt hại do thiên tai. Tác động của thiên tai lên trường học ở nhiều khía cạnh như hư hỏng cơ sở hạ tầng, gián đoạn khả năng tiếp cận giao thông, trang thiết bị học tập bị hư hỏng, học sinh phải nghỉ học... |
Theo Phạm Khánh/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/indonesia-no-luc-khoi-phuc-giao-duc-sau-dong-dat-post685385.html