11
/
159363
Dùng TikTok tư vấn nghề nghiệp được không?
dung-tiktok-tu-van-nghe-nghiep-duoc-khong
news

Dùng TikTok tư vấn nghề nghiệp được không?

Thứ 4, 24/01/2024 | 15:39:00
1,989 lượt xem

Một khảo sát cho thấy khoảng 41% người dùng TikTok đưa ra quyết định nghề nghiệp dựa trên thông tin họ thấy trên nền tảng này.

Kênh TikTok của HUTECH với nội dung đa dạng từ tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, trải nghiệm trường học đến chia sẻ bí quyết thi cử - Ảnh chụp màn hình

TikTok hiện có nhiều clip tư vấn nghề nghiệp sai lệch. Nhưng nhìn ở góc độ khác, nền tảng này vẫn đang thu hút hàng triệu người dùng trẻ tuổi tại Việt Nam, đồng thời các clip ngắn cũng đang vào thời "hoàng kim". Vậy dùng TikTok để hướng nghiệp đúng, được không?

Một số cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã xem TikTok là một kênh truyền thông mới.

Đa dạng nội dung

Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là một trong những trường đầu tư khá mạnh cho kênh TikTok với nhiều nội dung tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp khác nhau. Đến mỗi kỳ thi lớn, kênh của trường thường kết hợp thêm với các giáo viên THPT có thêm những nội dung cùng sĩ tử ôn tập hay với những bác sĩ, chuyên gia tâm lý chia sẻ những bí quyết giữ sức khỏe thể chất, tinh thần ổn định trước ngày thi.

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, giám đốc trung tâm marketing và phát triển thương hiệu của trường, cho biết khi phát triển các clip cho TikTok, đội ngũ thực hiện sẽ phải phân chia thành các nhóm nội dung, mỗi nhóm sẽ tương ứng với một phong cách làm clip và thông điệp truyền tải nhất quán. Kể cả những chi tiết nhỏ như cách dùng từ khi viết câu giới thiệu (caption), cách đặt từ khóa hashtag cũng sẽ khác nhau tùy vào mỗi nhóm.

Ví dụ, với nhóm nội dung trải nghiệm ngành học và môi trường học, clip sẽ có tiết tấu nhanh, vui nhộn. Còn những clip tư vấn hướng nghiệp nhắm đến đối tượng xem là phụ huynh và học sinh cấp III thì sẽ tiết chế yếu tố vui nhộn lại một chút để thêm vào sự nghiêm túc.

"Bởi với những nội dung vui vẻ, người ta thường xem để giải trí nhiều hơn. Những nội dung tư vấn, hướng nghiệp muốn đọng lại cho người nghe thì nội dung phải có sự nghiêm túc. Tuy nhiên về hình thức thì clip vẫn phải chịu khó bắt trend, chẳng hạn lồng ghép một vài câu nói, bài nhạc đang thịnh hành" - ông Phương nói.

Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) cũng phát triển kênh TikTok với nhiều nội dung gần gũi với bạn trẻ. Kênh thường tập trung vào những nội dung giúp học sinh hình dung được môi trường học thực tế trên đại học và giúp các sinh viên biết một số mẹo học tập tốt.

Nhiều clip thu hút trên 100.000 lượt xem, chẳng hạn clip giới thiệu những trang web hữu dụng cho việc học của sinh viên hút đến gần 800.000 lượt xem, clip giới thiệu các trang podcast luyện ngoại ngữ hút 200.000 lượt xem, hay clip về cách trích dẫn nguồn tham khảo khi viết luận hơn 150.000 lượt xem...

Đặc biệt, hầu hết những người dẫn chuyện (host) trong các clip đều là sinh viên của viện. Đại diện Viện ISB cho biết đây là một trong những hướng tiếp cận khi xây dựng kênh TikTok để các bạn giới thiệu cho nhau và cho những học sinh cấp III về chương trình học, môi trường học, bí quyết học tập... Nhiều clip do sinh viên tự quay, bộ phận marketing của trường sẽ hỗ trợ biên tập và kiểm tra qua về nội dung và thông điệp.

Đa nền tảng

Phó hiệu trưởng một trường trung cấp có các khóa học về nghề bếp, pha chế tại TP.HCM cho biết cách đây 2 tháng, trường bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một kênh TikTok để thêm một công cụ hướng nghiệp, tuyển sinh. Bà nghĩ các hoạt động trong các lớp nấu ăn, pha chế của trường cũng dễ thu hút người xem. Do không có đội ngũ sản xuất video riêng, trường muốn liên kết với một đơn vị ngoài để sản xuất clip và quản lý kênh TikTok.

Khi nhận được báo giá, bà đắn đo. Một clip nếu quay bằng máy móc chuyên nghiệp, có thêm diễn viên rơi vào khoảng 4 triệu đồng/clip. Trường cũng tham khảo thêm chi phí không thuê đội mà thuê một nhân sự ngoài vừa quay, dựng và quản lý kênh, tất nhiên sẽ chất lượng không bằng một đội, nhưng chi phí được báo là hơn 15 triệu đồng/tháng cho 5 clip.

Theo ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, vì dung lượng ngắn, các clip chỉ gợi mở được những vấn đề ban đầu để thu hút sự quan tâm của bạn trẻ. Nhưng sau những nội dung ngắn đó, học sinh và phụ huynh cũng cần những nội dung với dung lượng dài hơn để có thể tìm hiểu sâu.

"Sẽ cần đa nền tảng để học sinh, phụ huynh dễ tham chiếu và tùy vào định hướng của từng trường mà sẽ đẩy mạnh những nội dung nào" - ông Phương nói.

Gen Z các nước cũng bị ảnh hưởng

Không chỉ ở Việt Nam, TikTok cũng đang chi phối góc nhìn của nhiều bạn trẻ trên thế giới. Một cuộc khảo sát mới về những người lao động từ 21 đến 40 tuổi của ResumeBuilder.com cho thấy một nửa thế hệ gen Z và thế hệ Millennials đang nhận được lời khuyên nghề nghiệp từ ứng dụng này.

Các lời khuyên bao gồm lựa chọn ngành học, nghề nghiệp đến cách phỏng vấn, cách xây dựng hồ sơ tuyển dụng hoặc cách dùng mạng xã hội LinkedIn.

Cụ thể, khoảng 41% người dùng TikTok trong khảo sát đưa ra quyết định nghề nghiệp dựa trên thông tin họ thấy trên TikTok. Ít nhất 88% nghe theo lời khuyên của TikTok cho biết chúng có tác động tích cực đến cuộc sống, 10% cho biết đó là trung lập và chỉ 2% cho biết những quyết định đó có tác động tiêu cực.

Ngược lại, ba trong bốn người dùng được hỏi thừa nhận rằng họ "đôi khi" hoặc "thường xuyên" gặp phải thông tin sai lệch liên quan đến nghề nghiệp.

Tại Mỹ, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2022, cứ sáu thanh thiếu niên thì có một người xem TikTok "gần như liên tục". Nhà nghiên cứu TikTok Abbie Richards nhận định TikTok là "một nền tảng đang định hình cả một thế hệ học cách nhận thức thế giới".

Chuyên gia lên sóng

Ngoài nội dung từ các sinh viên, Viện ISB cho biết hướng phát triển kênh TikTok của viện sắp tới là tăng cường sự xuất hiện của các chuyên gia. Chẳng hạn, một giảng viên lên clip để chia sẻ về ngành học, chương trình học và những lưu ý với thí sinh.

Bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp có liên kết với viện cũng có thể được mời lên sóng chia sẻ góc nhìn của chính đơn vị tuyển dụng này về một ngành học và những yêu cầu của họ khi lựa chọn ứng viên. Nhờ đó, thí sinh sẽ không chỉ có góc nhìn về thời gian học tại trường mà còn nhìn xa hơn đến lúc ra trường.

Theo Trọng Nhân/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/dung-tiktok-tu-van-nghe-nghiep-duoc-khong-20240124090527879.htm

  • Từ khóa

Khó khăn trong phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS

Công tác phân luồng học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS gặp nhiều khó khăn, thách thức do bệnh thành tích và tâm lý của phụ huynh.
08:47 - 11/05/2024
153 lượt xem

1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công

Chiều 10/5, Bộ GD&ĐT có báo cáo về công tác đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
19:13 - 10/05/2024
493 lượt xem

Trường THPT công lập nào ở Hà Nội có tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất?

Hôm nay 10.5, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố số thí sinh đăng ký thi lớp 10 vào các trường THPT công lập năm nay.
17:25 - 10/05/2024
541 lượt xem

17 giờ hôm nay kết thúc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, 17 giờ hôm nay 10.5 là thời điểm kết thúc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, sau thời gian này thí sinh sẽ không được...
14:20 - 10/05/2024
613 lượt xem

Trẻ em Malaysia khó tiếp cận giáo dục mầm non

Do điều kiện gia đình, nhiều trẻ em Malaysia không học mầm non, ảnh hưởng đến khả năng và trình độ học tiểu học.
10:23 - 10/05/2024
689 lượt xem