Do điều kiện gia đình, nhiều trẻ em Malaysia không học mầm non, ảnh hưởng đến khả năng và trình độ học tiểu học.
Một tiết học nhận biết chữ cái của trẻ mẫu giáo Malaysia.
Chính phủ Malaysia đang triển khai nhiều chính sách để giải quyết vấn đề trên.
Brandon Lim, 13 tuổi, trốn học nhiều lần trong tháng với lý do không thích đến trường. Nam sinh khó tập trung vào tiết học, không thể hoàn thành bài tập về nhà do em không hiểu.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Brandon là một trong 24% trẻ em Malaysia thiếu các kỹ năng cần thiết để học tiểu học. Điều này đồng nghĩa các em không được học mầm non và kỹ năng đọc hiểu kém. Báo cáo nhấn mạnh, 1/10 trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 6 tại Malaysia không được tiếp cận giáo dục mầm non.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi những em này học tiểu học từ năm 7 tuổi. Theo báo cáo, 42% học sinh Malaysia không thể đọc thành thạo sau khi học hết lớp 5, tức 11 tuổi. Với những học sinh nhỏ tuổi hơn, gia đình thu nhập thấp, con số này lên tới 61%.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Malaysia tăng cường chương trình giáo dục mầm non. Đơn cử, chính phủ nên xem xét triển khai ít nhất một năm giáo dục mầm non bắt buộc, miễn phí cho trẻ em Malaysia và đảm bảo đủ giáo viên giáo dục mầm non.
Báo cáo lưu ý: “Tiến hành xác định khoảng cách tuyển sinh và cung cấp hỗ trợ tài chính cho phụ huynh, trường công lập... Cải thiện trình độ giáo viên, phát triển chuyên môn của giáo viên, hệ thống đảm bảo chất lượng và cung cấp chương trình giảng dạy mầm non là những điều cơ bản”.
Khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới về việc Malaysia cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục mầm non được đánh giá là đúng đắn. Các nhà giáo dục và nhà hoạt động vì quyền trẻ em cho biết, giai đoạn học tập đầu tiên rất quan trọng khi đất nước phấn đấu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao.
Theo Cục Thống kê Malaysia, tính đến tháng 11/2023, khoảng 2,35 triệu trẻ em Malaysia dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có ý định hoặc phương tiện cho con học mầm non hoặc có thời gian cần thiết để giúp phát triển kỹ năng đọc của con khi còn nhỏ.
Trong trường hợp của Brandon, cha em, ông Peter Lim, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cho các con đi học mầm non. Khi chúng còn nhỏ, chúng tôi trả tiền cho hàng xóm nhờ chăm sóc con. Giáo viên nhận xét rằng con trai tôi không hiểu rõ môn học”.
Trong báo cáo khác vào tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới thống kê Malaysia có hơn 16,7 nghìn trường mầm non công lập và hơn 9,1 nghìn trường mầm non tư thục. Tuy nhiên, số lượng này gần như không đủ đáp ứng nhu cầu của đất nước.
Ước tính, khoảng 25% cơ sở chăm sóc trẻ em và trường mẫu giáo tư nhân ở Malaysia đã đóng cửa trong giai đoạn 2020 - 2021 do dịch Covid-19 và không bao giờ mở cửa lại. Trước đó, Malaysia đã thiếu cơ sở giáo dục mầm non.
Không phải trẻ em nào tại Malaysia cũng có cơ hội đến trường học, thậm chí nhiều em không có thời gian học tiểu học, THCS. Một giáo viên làm việc tại bang Kelantan cho biết, từ nhỏ, nhiều người đã giúp đỡ gia đình kiếm sống. Điều này phải trả giá bằng quá trình học tập của các em.
“Một trong những học sinh của tôi là con trai gia đình bán hàng ăn. Mỗi ngày, cậu bé thức dậy từ 4 giờ sáng để phụ mẹ dọn hàng. Khi đến trường, cậu bé không thể tập trung vào bài học. Những người em của cậu bé cũng phải phụ mẹ từ rất nhỏ nên hay ngủ quên trong giờ học vì kiệt sức”, giáo viên này nói.
Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, bà Fadhlina Sidek, cho biết, chính phủ đang triển khai nhiều sáng kiến để cải cách hệ thống giáo dục quốc gia. Trong đó bao gồm tái cơ cấu hệ thống giáo dục mầm non, giải quyết vấn đề mất khả năng học tập thông qua can thiệp vào chương trình giảng dạy. |
Theo Tú Anh/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/tre-em-malaysia-kho-tiep-can-giao-duc-mam-non-post682525.html