Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí trường nghề số sẽ sớm được ban hành nhằm đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Chương trình đào tạo GDNN được tích hợp năng lực số
Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã diễn ra chiều nay, 13/12, tại Hà Nội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phạm Vũ Quốc Bình cho biết: Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là một trong những đề án chuyển đổi số đầu tiên mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định 2222/QĐ-TTg đã nêu rõ 8 giải pháp tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi số bao gồm thể chế, cơ chế chính sách, chương trình đào tạo, hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu, quản trị, hợp tác quốc tế, an ninh an toàn trên không gian mạng…
Tổng cục GDNN đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 601/QĐ-LĐTBXH ngày 05/7/2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg (Quyết định số 601). Sau hai năm triển khai, phần lớn các địa phương đã xây dựng, ban hành chương trình chuyển đổi số trong hoạt động GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với nhiệm vụ, chương trình chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương.
Hội giảng nhà giáo GDNN tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (Ảnh: BCI).
Theo báo cáo sơ kết của Tổng cục GDNN, công tác chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.
Về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số GDNN, hiện hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến GDNN đã được sửa đổi, xây dựng một cách hệ thống và về cơ bản đã bao phủ các vấn đề liên quan.
Đáng chú ý, Tổng cục GDNN phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho việc đánh giá trường cao đẳng số. Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn này sẽ song hành với chương trình chuyển đổi số của các trường.
Tuy nhiên, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chuyên ngành GDNN để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, văn bản quy định về cơ sở dữ liệu GDNN đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu theo quy định… chưa được triển khai kịp thời, theo báo cáo sơ kết.
Về phát triển chương trình đào tạo các cấp trình độ GDNN, Tổng cục GDNN đang dự thảo trình lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH (Thông tư 03) quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo, trong đó quy định một số nội dung về năng lực số.
Song song, Tổng cục kết hợp với GIZ xây dựng mô đun đào tạo "Năng lực số" trình độ trung cấp, cao đẳng với mục tiêu trang bị cho người học những kỹ năng số cơ bản và cần thiết, đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới.
Về phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số, Tổng cục GDNN đã đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến, nền tảng quản trị, nền tảng tài nguyên giáo dục mở cho một số trường.
Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu GDNN được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2018. Phần mềm dịch vụ công trực tuyến trong GDNN đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2022, với tổng số 18 dịch vụ công mức độ 3,4.
Nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tài trợ đã được xây dựng, cung cấp 22 khóa học (gồm kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp…) với tổng số người dùng là 14.942 người.
Về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, chương trình đổi mới đào tạo nghề thuộc GIZ đã tổ chức 135 sự kiện, 49 khóa tập huấn, 35 buổi họp chiến lược.
Tuy nhiên, việc phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số tại các cơ sở GDNN còn hạn chế. Nhiều kế hoạch, chương trình chưa được thực hiện cho việc thiếu kinh phí và chậm triển khai các nội dung.
Về hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, Tổng cục GDNN đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh báo cáo thống kê về GDNN và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên phần mềm cơ sở dữ liệu.
Một tiết học được ứng dụng các kỹ năng số trong bài giảng (Ảnh: BCI).
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tiến hành rà soát, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số, từng bước đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, kiểm tra, đánh giá và công nhận chất lượng theo hướng mở, đáp ứng chuẩn đầu ra, gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động triển khai xây dựng, đầu tư các phần mềm mô phỏng, thực tế ảo để phục vụ công tác đào tạo của nhà trường.
Về hợp tác quốc tế, Tổ chức GDNN phối hợp làm việc với các đối tác quốc tế như EU, GIZ, Aus4skills, Đan Mạch… đề xuất các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với chuyển đổi số, gắn chuyển đổi số với chuyển đổi xanh.
Các cơ sở GDNN cũng có nhiều hoạt động về hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số như: Hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý; hợp tác về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển...
Về đảm bảo đảm an toàn, an ninh mạng, trung tâm dữ liệu GDNN được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn Tier 2+, đang đề xuất cấp độ an toàn mức độ 3 theo quy định của Nghị định 85/2016/NĐ-CP.
Các hệ thống thông tin của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng được đề xuất cấp độ an toàn từ mức độ 2 trở lên, phù hợp với mục tiêu, chức năng của phần mềm.
Các cơ sở GDNN đã triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng như: Đầu tư các thiết bị an toàn chuyên dụng; áp dụng các biện pháp bảo mật về dữ liệu cá nhân như mã hóa thông tin, quản lý quyền truy cập, và theo dõi các hoạt động truy cập dữ liệu…
Đề xuất sớm ban hành Thông tư 03 sửa đổi trước mùa tuyển sinh 2024
Trong phần lấy ý kiến các địa phương và cơ sở GDNN trên cả nước, đại diện Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đề xuất 5 giải pháp.
Một là Tổng cục GDNN cần sớm ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về trường nghề số để các trường có định hướng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho sát.
Hai là Thông tư 03 sửa đổi cần được ban hành trước tháng 5/2024 là thời điểm các trường công bố chính sách tuyển sinh.
Ba là chương trình đào tạo giáo viên, đào tạo chức danh nghề nghiệp với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN nên gắn với chuyển đổi số, cho phép đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Bốn là cần các văn bản pháp quy quy định rõ ràng, cụ thể về số hóa văn bản, biểu mẫu trong nhà trường, sớm giải quyết tồn tại hiện nay là văn bản đã số hóa vẫn phải in ra để ký và phục vụ công tác lưu trữ, thanh kiểm tra.
Năm là cần liên thông trong chuyển đổi số công tác tuyển sinh giữa Tổng cục GDNN và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho phép các trường nghề được kết nối dữ liệu của học sinh phổ thông nhằm gia tăng hiệu quả tuyển sinh.
Một tiết học thực hành tại Trường Cao đẳng nghề An Giang (Ảnh: AGVC).
Cũng liên quan vấn đề chuyển đổi số trong tuyển sinh GDNN, đại diện Trường Cao đẳng nghề An Giang hiến kế: Nên xây dựng xa lộ thông tin để kết nối dữ liệu giữa các trường nghề với dữ liệu của Tổng cục GDNN thay vì phải thiết kế một phần mềm dùng chung phức tạp.
Vị này cho rằng mỗi trường có một đặc thù đào tạo riêng, mã ngành mã nghề riêng, chương trình và phương thức đánh giá riêng, rất khó dùng chung một hệ thống. Việc thiết kế xa lộ thông tin là phương án thực tiễn nhất để quản trị dữ liệu và thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh, một trong những việc các cơ sở GDNN cần làm ngay trên tiến trình chuyển đổi số là nhập dữ liệu về nhà giáo lên phần mềm cơ sở dữ liệu GDNN. Ông Bình cho rằng các trường chưa chú trọng công tác này dẫn tới sự chậm trễ.
"Lĩnh vực GDNN có 83.000 nhà giáo trên cả nước. Mỗi trường có không quá 300 nhà giáo, nhập liệu chắc không hết 2 ngày. Vậy tại sao lại khó khăn trong công tác triển khai? Cần kiểm điểm nghiêm túc xem lỗi ở đâu", ông Phạm Vũ Quốc Bình chỉ đạo.
Theo Hoàng Hồng/ Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/se-som-ban-hanh-tieu-chuan-truong-nghe-so-20231213222158527.htm