Nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ việc công nhận văn bằng đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo nước ngoài đạt kiểm định.
Sinh viên hệ đào tạo từ xa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh minh họa: ITN
Tuy nhiên, cho phép điều này cần những điều kiện đi kèm, quy định chặt chẽ để bảo đảm chất lượng.
Phù hợp thông lệ thế giới
Theo TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam (CHLB Đức), công nhận bằng cấp đối với chương trình đào tạo từ xa của các trường ĐH nước ngoài có kiểm định mở ra cho người học cơ hội mới trong học ĐH và sau ĐH.
Đối với những người không có điều kiện tài chính, để thực hiện một khóa học trực tiếp ở nước ngoài, hoặc vừa làm vừa học, thì tham gia khóa học từ xa là giải pháp phù hợp. Việc công nhận này cũng góp phần tăng cường cung cấp cho thị trường lực lượng lao động được đào tạo theo chương trình quốc tế.
TS Nguyễn Văn Cường thông tin thêm: Trong phạm vi quốc tế, đào tạo ĐH từ xa có lịch sử hàng trăm năm và ngày nay phát triển mạnh nhờ công nghệ thông tin, Internet. Ở Đức, Viện Đào tạo từ xa đầu tiên được thành lập từ đầu thế kỷ 20 tại Potsdam. Trong thời kỳ nước Đức chia cắt, Cộng hòa dân chủ Đức phát triển mạnh hình thức đào tạo ĐH từ xa tại chức cho người lao động. Khoảng một phần tư người tốt nghiệp ĐH thông qua hình thức này.
Trường ĐH chuyên đào tạo từ xa đầu tiên của Đức là Fernuniversität Hagen thuộc bang Nordrhein-Westfalen được thành lập năm 1974. Cho tới nay, đây cũng là trường ĐH công chuyên đào tạo từ xa duy nhất của Đức. Hiện, với khoảng 70 nghìn sinh viên theo học các khóa đào tạo ĐH, sau ĐH từ xa, Fernuniversität Hagen trở thành trường ĐH có số lượng sinh viên lớn nhất của Đức.
Ở Đức cũng có một số trường ĐH tư thục chuyên đào tạo từ xa, chủ yếu được thành lập sau 1990. Ngoài ra, nhiều trường ĐH bên cạnh hình thức đào tạo truyền thống là trực tiếp, cũng có thêm một số chương trình đào tạo từ xa.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh - phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng, mỗi hình thức đào tạo mang đặc thù riêng và hình thức học từ xa có ưu điểm; đặc biệt với bậc sau ĐH, khi người học có khả năng tư duy độc lập, kỹ năng học tập chủ động. Vì vậy, cần công nhận bằng cấp đào tạo từ xa các trường ĐH được kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng.
Tương tự, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số, việc cơ sở giáo dục ĐH mở ra phương thức giáo dục phi truyền thống và cấp bằng đào tạo tương ứng, cung cấp cơ hội học tập ngày càng rộng mở cho người học là điều bình thường.
Mặt khác, bản thân khái niệm “đào tạo từ xa” đã chuyển dịch từ nội hàm “khoảng cách địa lý giữa người học và cơ sở giáo dục” sang tư duy về các phương thức giáo dục phi truyền thống, dựa trên nền tảng của công nghệ giáo dục hội tụ mới nổi mang tính mở và ngày càng thông minh hơn.
Chương trình đào tạo theo phương thức này được kiểm định bởi các tổ chức giáo dục uy tín; thị trường lao động ngày càng “thực chứng” chứ không “thực bằng”, thì việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa không chỉ là việc đáng làm mà còn là hành động thiết thực để thúc đẩy phát triển xã hội học tập và học tập suốt đời.
Ảnh minh họa: ITN
Cần chế tài chặt chẽ
Tuy nhiên, để việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của các cơ sở giáo dục nước ngoài bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện Việt Nam cần có chính sách, quy định phù hợp.
Theo ông Tôn Quang Cường, trước hết, cơ quan quản lý cần thường xuyên cập nhật, rà soát, cung cấp công khai danh sách chương trình đào tạo theo phương thức phi truyền thống của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài mọi trình độ (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ), được kiểm định bởi cơ quan giáo dục có thẩm quyền, uy tín.
Bên cạnh đó, cung cấp thông tin bổ trợ liên quan đến sử dụng nguồn nhân lực, phản hồi đánh giá từ thị trường lao động, nhà tuyển dụng của Việt Nam và quốc tế; thông tin các hiệp định, công ước trong khu vực và quốc tế về công nhận văn bằng đào tạo…
Ông Tôn Quang Cường đồng thời cho rằng, cơ sở giáo dục ĐH trong nước cần phát huy tính tự chủ, trách nhiệm giải trình xã hội trong tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài, thực hiện chương trình đào tạo theo phương thức phi truyền thống được kiểm định bởi cơ quan giáo dục có uy tín.
Tăng cường sự vào cuộc, giám sát và thông tin phản hồi của tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động, tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên… liên quan đến ngành, nghề đào tạo theo phương thức phi truyền thống ở cơ sở giáo dục nước ngoài.
Ngoài ra, người học có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn tham gia chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài theo phương thức phi truyền thống để đảm bảo tính hợp lệ, uy tín về bằng cấp.
Công nhận bằng cấp đối với chương trình đào tạo từ xa của các trường ĐH nước ngoài của Việt Nam là phù hợp với xu hướng quốc tế trong thời đại công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu người học cũng như phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Khẳng định điều này, TS Nguyễn Văn Cường lưu ý, khi thực hiện cần có quy định pháp lý phù hợp, không phân biệt giữa bằng cấp học trực tiếp và từ xa. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có biện pháp để bảo đảm bằng cấp đào tạo từ xa được công nhận phải là bằng cấp các trường ĐH có kiểm định và có quy định nhằm xác nhận tính hợp pháp của bằng cấp được công nhận.
Với PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh, để bảo đảm chất lượng, việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của trường nước ngoài cần thiết kèm theo các điều kiện. Ví dụ như, minh chứng trường nước ngoài cấp bằng phải đạt kiểm định chất lượng quốc tế đầy đủ, hoặc đạt kiểm định chất lượng của chính phủ nơi trường thành lập, hay các tổ chức được cơ quan chính phủ công nhận. Trên văn bằng có nội dung đào tạo thì cần phải thể hiện hình thức đào tạo, có yêu cầu minh chứng rõ ràng, đủ pháp lý để bảo đảm người có tên trên văn bằng học thật, thi thật.
“Đối với ngành đặc thù liên quan Giáo dục học, văn hóa truyền thống Việt Nam, cần xem xét chuẩn đầu ra hình thức đào tạo có tiệm cận chuẩn quốc gia của Việt Nam chưa. Đây là vấn đề quan trọng không chỉ với người học mà cả các trường, thị trường sử dụng lao động của Việt Nam”, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh lưu ý thêm.
Ở Đức, bằng cấp của hình thức đào tạo từ xa và đào tạo trực tiếp được công nhận tương đương về mặt pháp lý. Theo khảo sát thực tiễn ở 300 doanh nghiệp lớn với số lao động từ 150 người, kết quả cho thấy người tốt nghiệp chương trình đào tạo từ xa được các nhà quản lý nhân sự thừa nhận và tuyển dụng. - TS Nguyễn Văn Cường |
Theo Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/cong-nhan-bang-cap-chuong-trinh-dao-tao-tu-xa-can-che-tai-chat-che-post658958.html