11
/
141036
Cách nào giúp trò bắt nhịp sau nghỉ Tết?
cach-nao-giup-tro-bat-nhip-sau-nghi-tet
news

Cách nào giúp trò bắt nhịp sau nghỉ Tết?

Thứ 6, 13/01/2023 | 08:22:06
2,237 lượt xem

Giáo viên cần lên kế hoạch và hướng dẫn học sinh cách học tập trong thời gian trước nghỉ Tết phù hợp.

Sản phẩm của học sinh thực hiện theo yêu cầu của cô Mông Triệu Nguyệt Nga.

Sản phẩm của học sinh thực hiện theo yêu cầu của cô Mông Triệu Nguyệt Nga.

Điều này giúp các em có thể nhanh chóng bắt nhịp lại việc học sau một kỳ nghỉ dài.

Hệ thống lại kiến thức

Kinh nghiệm 24 năm dạy học ở tiểu học, NGƯT Tô Ngọc Sơn (Đồng Tháp) cho biết luôn thống kê, hệ thống lại một cách ngắn gọn nhất các kiến thức trước khi nghỉ Tết để học sinh dễ ghi nhớ. Hướng dẫn học trò vận dụng kiến thức đó trong thời gian nghỉ Tết.

Cùng với đó, đưa ra kiến thức cơ bản, trọng tâm nhất mà học sinh sẽ học sau Tết. Giáo viên nên gắn kết chơi Tết với việc học thông qua hoạt động, trải nghiệm. Chẳng hạn khi thăm ông bà dịp Tết, học sinh lựa chọn từ ngữ, câu nói hay để chúc Tết ông bà. Hoặc ghi nhớ những địa điểm đẹp, ấn tượng khi chơi Tết để kể lại với thầy cô, bạn bè. Có thể mở một sân chơi nho nhỏ để các em cùng kể lại những câu chúc hay, hoạt động Tết hấp dẫn…

Với học sinh, theo NGƯT Tô Ngọc Sơn, cần ghi lại ngắn gọn lời dặn của giáo viên. Nên làm một bảng nội dung trong ngày Tết. Khuyến khích bảng được trang trí và ghi theo phong cách riêng, bắt mắt để sau Tết có thể mang đến lớp cùng trưng bày.

Là giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Dịu, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn cùng học sinh lập một số kế hoạch cụ thể cho việc học trước và trong thời gian nghỉ Tết. Theo đó, công việc không thể thiếu trước nghỉ Tết là cùng học sinh hệ thống lại kiến thức từng môn học bằng bản đồ tư duy. Điều này vừa giúp trò một lần nữa ghi nhớ, tổng hợp lại kiến thức đã học, vừa dễ dàng ôn lại sau kỳ nghỉ.

Trong kỳ nghỉ, cô Dịu sẽ “tặng” mỗi trò một lì xì trải nghiệm, bên trong gồm các thử thách bí mật, tương ứng với các ngày nghỉ lễ. Thử thách đó có thể là những bài tập trải nghiệm nho nhỏ như dọn dẹp nhà cửa, cắm một lọ hoa, hay bày mâm ngũ quả…, hoặc một hai câu hỏi nhỏ để học sinh có thể nhớ lại kiến thức lý thuyết. Đặc biệt, với mỗi câu hỏi, cô Dịu đều lồng ghép kiến thức vào thực tế ngày Tết để học sinh hào hứng hơn khi làm bài. Vượt qua một thử thách, bố mẹ sẽ là trọng tài để tích vào phần kết quả, học sinh nộp lại kết quả thử thách cho giáo viên chủ nhiệm khi trở lại trường.

“Trong những ngày nghỉ cuối, tôi lần lượt đưa ra thử thách về thời gian ngủ - thức và xen kẽ việc hệ thống lại kiến thức đã học để học sinh tự ôn lại. Sau kỳ nghỉ, tôi dành thời gian tổng hợp, ôn lại kiến thức một lần nữa trước khi dạy bài mới cho học sinh”, cô Nguyễn Thị Dịu chia sẻ.

Cách nào giúp trò bắt nhịp sau nghỉ Tết? ảnh 1

Phiếu cô Nguyễn Thị Dịu gửi học sinh trước nghỉ Tết.

Tạo động lực duy trì việc học

Liên quan đến nội dung này, thầy Nguyễn Tấn Thành, giáo viên Trường THPT Phú Điền (Tháp Mười, Đồng Tháp) lưu ý với môn Ngữ văn lớp 12 ở cả 3 nội dung đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Theo đó, phần đọc hiểu, giáo viên ra bài tập các văn bản ngoài sách giáo khoa. Tạo nhóm Zalo lớp và quy định một số ngày ôn kỹ năng bài tập đọc hiểu. Giáo viên có thể có điểm cộng vào cột kiểm tra thường xuyên để tạo thêm động lực cho học sinh.

Với phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, yêu cầu trò viết đoạn theo đúng cấu trúc, nội dung; đưa ra thời gian nộp bài hợp lý. Đề yêu cầu học sinh làm cần có không khí ngày Tết. Ví dụ: Viết đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Hoặc: Trình bày suy nghĩ của em về thanh niên cần làm gì để hưởng Tết an toàn, lành mạnh…

Phần nghị luận văn học, do thời điểm này học sinh vừa học tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), “Vợ nhặt” (Kim Lân) của chương trình Ngữ văn 12, tập 2, nên trong thời gian nghỉ Tết cần giúp các em nắm rõ lại nội dung tác phẩm, như hoàn cảnh sáng tác, nét chính về tác giả, chi tiết, hình ảnh, nhân vật, so sánh đối chiếu 2 tác phẩm để chỉ ra nét tương đồng và khác biệt...

“Giáo viên cần tạo tâm lý thoải mái cho học sinh khi nộp bài tập hay ôn trực tuyến. Bài tập ở mức độ vừa phải, thời gian hoàn thành bài tập hợp lý. Trường hợp học sinh nộp trễ hay làm sai bài tập theo yêu cầu, giáo viên cần động viên, tạo động lực tinh thần giúp các em khắc phục, không nên phê bình gay gắt tạo thêm áp lực.

Ngoài ra, giáo viên bộ môn cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm lớp để nắm bắt kịp thời những em có nguy cơ bỏ học sau Tết. Trước nghỉ Tết, cho học sinh ký cam kết vui Xuân an toàn, lành mạnh, tuyên truyền một số tệ nạn xã hội để ngăn ngừa. Sau khi nghỉ Tết, cần quan tâm tới đối tượng học lực yếu, thực hiện mô hình học sinh khá giỏi giúp đỡ học sinh yếu. Sắp xếp chỗ ngồi phù hợp, ra bài tập mức độ vừa phải tạo điều kiện cho học sinh yếu đạt điểm tối đa để tạo động lực, nhằm ngăn chặn nguy cơ bỏ học”, thầy Nguyễn Tấn Thành chia sẻ.

Cô Mông Triệu Nguyệt Nga, Trường THCS 719 (Krông Pắc, Đắk Lắk) chia sẻ cách làm riêng, đó là hướng dẫn học sinh ghi nhật ký đọc sách. Phương pháp cô sử dụng là dạy học theo dự án. Học sinh cứ sau khoảng 3 đến 4 tuần là nộp sản phẩm nhật ký đọc sách lại cho cô kiểm tra. Sản phẩm nhật ký đọc sách thường là những thông tin về tác giả, tác phẩm, nội dung, chủ đề, thông điệp, đặc điểm hình thức của tác phẩm. Cũng có thể là nhận xét của học sinh về những câu thơ, câu văn, chi tiết, hình ảnh... trong bài học ở sách giáo khoa và văn bản đọc mở rộng ngoài chương trình.

“Giai đoạn trước và sau Tết, tôi thường áp dụng kết hợp kiểm tra nhật ký, đọc sách và cho điểm lì xì đầu năm vào phần kiểm tra thường xuyên. Để học sinh không vì vui Xuân mà quên việc học, tôi vẫn nhắn tin trên nhóm Zalo như: “Có các phần quà lì xì đầu xuân cho những bạn chăm chỉ ghi nhật ký đọc sách nhé”. Hay “Hai ngày nữa là các bạn đến trường học tiếp, cô có bông hoa điểm mười cho những ai chuẩn bị bài chu đáo trong nhật ký đọc sách. Có ai hứng thú không nhỉ?”... Vì muốn đạt điểm cao nên hầu hết học sinh chuẩn bị khá kỹ”, cô Mông Triệu Nguyệt Nga cho hay.

Theo Hiếu Nguyễn/GD-TĐ

https://giaoducthoidai.vn/cach-nao-giup-tro-bat-nhip-sau-nghi-tet-post622499.html

  • Từ khóa

Có chắc suất vào đại học khi trúng tuyển sớm?

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên chủ quan khi biết mình trúng tuyển bằng phương xét tuyển sớm.
09:38 - 19/05/2024
88 lượt xem

Làm gì để bảo vệ nhà khoa học?

Sự việc gây xôn xao trên nhiều diễn đàn nghiên cứu khoa học tuần qua là một tạp chí quốc tế gỡ bỏ bài báo có tên tác giả là giáo sư kinh tế Việt Nam.
07:35 - 18/05/2024
717 lượt xem

Thủ tướng chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung...
08:32 - 17/05/2024
1,273 lượt xem

Vụ lật xuồng chở công nhân ở Phú Yên: Do xuồng va đập vào thành cầu

Xác định nguyên nhân ban đầu của vụ lật xuồng chở công nhân trên sông Ba (Phú Yên) khiến 1 người chết và 2 người mất tích.
11:15 - 16/05/2024
1,832 lượt xem

Lùm xùm hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Bất cập quản lý, tổ chức thi

Vụ lùm xùm liên quan hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bị Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận tổ chức 'trái phép', vi phạm quy định tại VN là một sự việc...
07:55 - 16/05/2024
1,877 lượt xem