11
/
139352
Phụ huynh chuyển con sang trường tư vì "không học thêm là không yên"
phu-huynh-chuyen-con-sang-truong-tu-vi-khong-hoc-them-la-khong-yen
news

Phụ huynh chuyển con sang trường tư vì "không học thêm là không yên"

Thứ 2, 12/12/2022 | 08:07:31
2,185 lượt xem

Bức xúc vì phải "tự nguyện" đăng ký học phụ đạo, áp lực khi cả lớp đi học thêm còn con mình thì không, nhiều phụ huynh đã chuyển con từ trường công sang trường tư, chấp nhận trả học phí cao hơn.

Giáo viên vô tình hoặc cố ý tạo áp lực

Hết kỳ nghỉ hè vừa qua, con trai chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội) lên lớp 8, chị quyết định chuyển con từ một trường công sang trường tư. Trước đó, vợ chồng chị đã bức xúc vì những bất công ở trường công trong nhiều năm liền.

Chị Thủy cho biết, khi học ở trường công, con chị phải đi học phụ đạo ở trường vào các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6. Bức xúc hơn cả là ngoài học thêm ở trường, con chị và nhiều bạn khác phải chịu áp lực "không học thêm là không yên".

Phụ huynh chuyển con sang trường tư vì không học thêm là không yên - 1

Phụ huynh chuyển con sang trường tư vì "không học thêm là không yên" (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Đầu năm học nào giáo viên chủ nhiệm cũng gửi mẫu đơn xin học phụ đạo hoặc trái ca vào nhóm lớp, nhắc phụ huynh viết tay và nộp vào buổi họp đầu năm, ngoài ra không giải thích gì thêm. Lúc có phụ huynh thắc mắc, cô giáo mới nói đây là lịch học tự nguyện.

"Cô không quên nhấn mạnh là cả lớp đã đăng ký, con nên học phụ đạo để củng cố kiến thức. Dù không định phản đối học phụ đạo nhưng tôi cảm giác con mình bị bắt buộc học trên tinh thần tự nguyện", chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, mỗi tháng, con phải học hơn 60 tiết vào buổi chiều. Tiền học phụ đạo hơn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhà trường còn phát sinh thêm tiết học câu lạc bộ. Có lần, chị Thủy gợi ý con nghỉ học câu lạc bộ nhưng thằng bé bảo không được, vì giáo viên chủ nhiệm thường thay tiết học này bằng tiết dạy bù, ôn tập.

Khó chịu vì con phải "tự nguyện" học phụ đạo quá nhiều đã đành, điều khiến chị không chấp nhận được là áp lực học thêm mà thầy cô tạo ra cho phụ huynh và học sinh. Đa số thầy cô của con đều mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường, ngang nhiên động viên phụ huynh cho con đi học thêm, giao bài tập ở lớp học thêm ngay trong nhóm chat chung của lớp chính khóa.

Gần 2/3 học sinh trong lớp đi học thêm các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh với thầy cô dạy chính khóa. Chị Thủy không cho con trai học thêm vì cho rằng con học phụ đạo buổi chiều là quá đủ.

"Tuy nhiên, con không học thêm là không yên. Bất cứ thông báo gì về lịch học, chương trình ôn tập trước kỳ thi hay điểm số của các con ở lớp học thêm đều được các thầy cô thông báo vào nhóm chat chung của lớp chính khóa. Thỉnh thoảng, thầy cô lại nhắn tin động viên cha mẹ cho con đi học thêm. Lý do là chương trình ngày càng khó, sắp tới kỳ thi và cả lớp đều học thêm.

Tôi không dám khẳng định là con không học thêm sẽ bị thầy cô trù dập, nhưng giáo viên dù vô tình hay cố ý bàn chuyện học thêm trong nhóm lớp chung đã tạo áp lực, khiến nhiều phụ huynh phải "cắn răng" cho con đi học. Trong đó, nhiều người còn có hoàn cảnh khó khăn", chị Thủy bức xúc.

Phụ huynh chuyển con sang trường tư vì không học thêm là không yên - 2

Giáo viên vô tình hay cố ý cũng tạo áp lực khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Phải chứng kiến những bất cập trên, đúng lúc kinh tế gia đình khá giả hơn, vợ chồng chị quyết định chuyển con sang trường tư thục.

Theo chị Thủy, con sang trường tư không có nghĩa là được học ít hơn ở trường công. Con vẫn phải học vào các buổi chiều nhưng phần lớn là tiết tiếng Anh, con được tự chọn các môn thể thao, nghệ thuật để học.

"Vì con đã được học nhiều các môn tiếng Anh, thể thao, âm nhạc ở trường nên tôi không cần cho con đi học thêm ở ngoài. Thoải mái hơn là không có chuyện học phụ đạo tự nguyện trên tinh thần bắt buộc như ở trường công, cũng không thầy cô nào đề cập đến việc học thêm ngoài nhà trường", chị Thủy nói.

"Chạy trốn" khỏi áp lực điểm số, thi cử

2 năm trước, chị Vũ Thị Đào (Hà Nội) cũng đã chuyển con gái từ một trường công sang trường tư. Mục đích là giúp con "chạy trốn" khỏi áp lực điểm số, thi cử.

Chị Đào nhớ lại, khi còn học ở trường công, con gái chị rơi vào cảnh sợ học. Lý do là con phải học từ sáng đến tối, từ ở trường đến lớp học thêm. Buổi tối, con phải thức đến nửa đêm để hoàn thành bài tập chính khóa và luyện đề của thầy cô dạy thêm giao.

Ngày nào không đi học thêm, con thường chỉ phải dành 1,5-2 tiếng mỗi buổi tối để làm bài tập. Nếu học thêm, 7 rưỡi tối con mới về đến nhà, ăn cơm, tắm rửa xong là 8 giờ hơn. Con ngồi vào bàn học đến 12 giờ đêm mới được nghỉ ngơi vì bài tập ở lớp học thêm còn nhiều hơn bài tập trên lớp.

"Học buổi chiều ở trường đã mệt, con còn phải học thêm 5 buổi tối/tuần. Đề cương, đề thi thử chất đống trên bàn học. Việc học thêm cướp hết thời gian nghỉ ngơi, giải trí khiến con sợ học. Ngày trước, không ít lần con xin bố mẹ cho nghỉ học thêm", chị Đào nói.

Phụ huynh chuyển con sang trường tư vì không học thêm là không yên - 3

Những em không đi học thêm thường được thầy cô "quan tâm" gọi trả bài (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo chị Đào, ở trường công, điều khiến chị bất bình nhất là việc thầy cô có sự phân biệt giữa học sinh đi học thêm với phần còn lại.

Năm con gái lên lớp 6, giữ quan điểm từ ngày con học tiểu học, chị Đào chỉ cho con học thêm tiếng Anh với gia sư, nói không với các môn khác. Trong khi đó, có tới hơn nửa lớp chọn học thêm toán, ngữ văn, tiếng anh với các thầy cô dạy chính khóa.

Kết quả là cả năm lớp 6, con gái chị và phần lớn những bạn không đi học thêm luôn đứng ở nửa dưới của bảng điểm các môn trên.

Ở môn ngữ văn, điểm thi của những bạn không học thêm không đến nỗi kém, con chị Đào luôn được điểm khá nhưng điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên lại thấp hẳn so với phần còn lại. Đây cũng là những học sinh được cô "quan tâm" gọi lên bảng trả bài nhiều nhất.

Đáng nói, ở môn toán, đề cương ôn tập được giáo viên phát cho cả lớp. Tuy nhiên, thầy giáo chỉ chữa đề cương chi tiết ở buổi học thêm, các em không đi học thêm chỉ được chấm điểm chứ không được chữa trong buổi học chính khóa. Vì vậy, điểm môn toán cũng có sự chênh lệch lớn giữa 2 nhóm đối tượng.

"Hết năm lớp 6, gần như cả lớp phải đăng ký học thêm. Nhiều phụ huynh "nói nhỏ" với nhau rằng cho con học thêm để được yên thân. Nếu không thì thỉnh thoảng lại bị thầy cô nhắc tên trong nhóm chat hoặc trong cuộc họp phụ huynh hết vì lý do này đến lý do khác. Tôi cũng không thể làm ngơ nên buộc phải cho con đi học với các bạn.

Bi hài hơn là tôi phải cho con học thêm tiếng Anh cùng lúc với cô chủ nhiệm và gia sư. Học với giáo viên chủ nhiệm để lấy lòng cô, còn học với gia sư để lấy kiến thức và kỹ năng giao tiếp cho con", chị Đào nói.

Gia sư tiếng Anh cũng chỉ ra đa số tài liệu ở lớp học thêm của con đều có sẵn trên mạng. Cô chủ nhiệm chỉ biên soạn lại thứ tự rồi in ra, phát cho học sinh.

Sau 2 năm chuyển con sang trường tư, chị Đào không hối hận. Vào giờ tan học, con gái chị không còn phải tập trung với các bạn ở cổng trường công để chờ giáo viên dẫn đến lớp học thêm. Phụ huynh nào muốn cho con học thêm có thể tự do lựa chọn thầy cô ngoài nhà trường. Chị Đào chưa bao giờ nghe giáo viên trường tư đề cập chuyện học thêm.

"Bài tập về nhà của con ở trường tư cũng nhiều không kém trường công. Tuy nhiên, con không phải làm đủ loại bài nâng cao, đề cương ở lớp học thêm như trước. Từ khi con học trường tư, tôi không thấy con phải ngồi vật vờ bên bàn học đến tận nửa đêm", chị Đào cho biết.

Cũng chuyển con từ trường công sang trường tư, anh Nguyễn Duy Phương (Hà Nội) so sánh, lớp học ở trường công có tới 40-50 học sinh nên giáo viên khó có thể quan tâm đến từng em. Trong khi đó, khả năng nhận thức của mỗi học sinh là khác nhau. Vì vậy, nhu cầu dạy và học thêm là dễ hiểu.

"Việc giáo viên trường công có mức lương thấp cũng khiến các thầy cô phải dạy thêm, thậm chí tạo áp lực để buộc phụ huynh cho con học thêm. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn phản đối việc này, đây cũng là lý do tôi chuyển trường cho con.

Ở trường tư, lớp của con tôi chỉ có 20 học sinh nhưng mỗi môn học có từ 2-3 giáo viên. Giáo viên chính, trợ giảng và một giáo viên hỗ trợ chuyên kèm học sinh yếu. Dường như các dịch vụ học tập, trải nghiệm, vui chơi đều được gói gọn trong nhà trường. Chuyển con sang trường tư, tôi nhẹ nhõm hẳn vì không phải lo chạy đua cho con đi học thêm", anh Phương nói.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi

Theo Quang Trường/Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/phu-huynh-chuyen-con-sang-truong-tu-vi-khong-hoc-them-la-khong-yen-20221211093806120.htm

  • Từ khóa

Làm gì để bảo vệ nhà khoa học?

Sự việc gây xôn xao trên nhiều diễn đàn nghiên cứu khoa học tuần qua là một tạp chí quốc tế gỡ bỏ bài báo có tên tác giả là giáo sư kinh tế Việt Nam.
07:35 - 18/05/2024
404 lượt xem

Thủ tướng chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung...
08:32 - 17/05/2024
960 lượt xem

Vụ lật xuồng chở công nhân ở Phú Yên: Do xuồng va đập vào thành cầu

Xác định nguyên nhân ban đầu của vụ lật xuồng chở công nhân trên sông Ba (Phú Yên) khiến 1 người chết và 2 người mất tích.
11:15 - 16/05/2024
1,512 lượt xem

Lùm xùm hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Bất cập quản lý, tổ chức thi

Vụ lùm xùm liên quan hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bị Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận tổ chức 'trái phép', vi phạm quy định tại VN là một sự việc...
07:55 - 16/05/2024
1,577 lượt xem

Trưởng khoa có ‘thực tài’ mới làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường?

Mặc dù pháp luật hiện nay không cho phép nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều trưởng khoa, giảng viên là giám đốc doanh nghiệp để dạy tốt hơn, vì phải...
15:53 - 15/05/2024
1,934 lượt xem