Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT được các trường THPT, giáo viên áp dụng linh hoạt, đa dạng.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ ôn tập, phụ đạo cho học trò vào buổi tối. Ảnh: NTCC
Theo đó, ngoài lớp ôn thi ở trường, các lớp phụ đạo, bồi dưỡng trực tiếp, trực tuyến, thầy cô còn hướng dẫn học sinh tự học thông qua các kênh như: Zalo, Facebook và YouTube…
Thành lập các group
Là giáo viên Địa lý, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), cô Trần Thị Nga được nhà trường phân công dạy 5 lớp 12. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo chủ trương của nhà trường nên cô Nga dạy học theo hình thức on/off (mô hình lớp học “2 trong 1”). Vì thế, việc triển khai ôn tập cho học sinh cũng được cô thực hiện theo hình thức này.
“Tất cả vì học sinh và cũng là giải pháp ứng phó với dịch bệnh nên tôi tận dụng tối đa các hình thức dạy học khác nhau để trò tiếp cận được kiến thức bài học, học đâu chắc đấy. Bằng các hình thức này, các em sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi, nhất là với những em thuộc diện F0, F1. Tất cả học trò đều được bình đẳng trong học tập”, cô Nga chia sẻ.
Để tăng hiệu quả trong giờ ôn tập, cô Nga còn áp dụng một số phần mềm về dạy học, đồng thời sử dụng mạng xã hội nhằm đa dạng hình thức dạy – học, ôn tập cho học sinh. Qua đó, hỗ trợ các em về kiến thức, kỹ năng và ý thức tự giác trong học tập. Theo đó, cô thường sử dụng ứng dụng Shub Classroom để giao bài tập cho học sinh tự học. Đồng thời, tạo nhóm lớp trên Facebook, Zalo để nhắc nhở và quản lý học trò trong quá trình ôn tập.
Với 100 học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Văn Tập – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ (Điện Biên) – cho biết: Nhà trường đã có kế hoạch ôn tập cho các em. Theo đó, ngoài các lớp ôn tập ở trường, nhà trường hướng dẫn giáo viên thành lập các group theo từng bộ môn và lớp học, nhằm hỗ trợ kịp thời cho học sinh. Ngoài mục đích giao bài cho học sinh tự học, việc thành lập các nhóm còn là kênh tương tác giữa giáo viên và trò trong quá trình học tập. Trên cơ sở đó, các em có thể trao đổi với thầy/cô về nội dung kiến thức bài học hoặc nhờ thầy cô tư vấn về trang tự học trên mạng hoặc YouTube….
Cũng theo thầy Tập, ngoài các hình thức bổ trợ trên, nhà trường còn mở cửa các phòng học vào buổi tối trong tuần để học sinh có thể lên lớp ôn tập. Theo đó, nhà trường sẽ bố trí giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ trò trong quá trình tự học. “Các lớp học này hoàn toàn miễn phí. Nhà trường hỗ trợ tối đa cho học sinh, chỉ mong các em chăm chỉ ôn tập để có kiến thức vững vàng, tự tin bước vào Kỳ tốt nghiệp THPT 2022 và đạt kết quả cao”, thầy Tập trải lòng.
Cô Trần Thị Nga trong một buổi lên lớp. Ảnh: NVCC
Lớp học miễn phí
Tại Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh theo hình thức “lớp cấp tốc” miễn phí. Cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên trong trường – chia sẻ: Hình thức này được nhà trường áp dụng nhiều năm qua. Nhờ đó, kết quả học sinh đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt 100%. Song, quan trọng là không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
“Năm nay, “lớp học cấp tốc” sẽ tiếp tục vận hành” – cô Huyền cho biết, đồng thời chia sẻ: Nhà trường sẽ tổ chức đăng ký tham gia lớp học này sau bài kiểm tra giữa kỳ II. Hình thức này giúp học sinh có động lực trong học tập và đặt mục tiêu, trách nhiệm cao hơn. Khi các em thực hiện được, giáo viên chủ nhiệm cũng có nhiều hình thức để khen thưởng, khích lệ. Bằng cách này, giúp tinh thần và phong trào học tập của học sinh giữa các lớp sôi nổi hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm, cô Trần Thị Nga – cho rằng: Đa dạng hoá hình thức ôn tập cho học sinh nhằm tăng hứng thú học tập cho các em. Sau khi ôn lại lý thuyết, cô thường hướng dẫn học sinh làm câu hỏi trắc nghiệm theo chủ đề. Ngoài ra, cô Nga còn thiết kế một số trò chơi để các em ôn tập theo nhóm, chẳng hạn như: Trả lời nhanh, đánh bài, bingo…
Theo kinh nghiệm của cô Nga, dựa trên kế hoạch ôn tập chung của nhà trường, thầy cô cần xây dựng kế hoạch ôn tập thống nhất trong tổ nhóm chuyên môn. Riêng với môn Địa lý, kế hoạch này nên được chia thành 2 phần: Đó là kỹ năng khai thác Atlat và nhận dạng biểu đồ, bảng số liệu. Đề thi tốt nghiệp THPT 2021, câu hỏi trong nội dung này chiếm 19/41 câu. Vì thế, việc rèn cho học sinh nắm chắc kỹ năng nhận dạng, phân tích bảng số liệu và biểu đồ, kỹ năng khai thác Atlat là rất quan trọng. Trong quá trình học, các em cần nắm được các từ khoá, làm nhiều đề, làm quen với việc xem Atlat để khi bước vào kỳ thi không bị bỡ ngỡ.
Tiếp đó, với phần lý thuyết cần trang bị cho học sinh kiến thức nền thật vững trước khi cho các em luyện đề. Vì vậy, có thể cho học sinh hệ thống hoá bằng sơ đồ tư duy nội dung kiến thức lý thuyết; nhấn mạnh các từ khoá quan trọng cho mỗi nội dung khi ôn tập. Trong quá trình ôn tập, cần tiếp tục gắn liền với kỹ năng xem Atlat.
Thầy Nguyễn Văn Tập cho biết: Nhà trường chia thành 3 giai đoạn để tổ chức, hướng dẫn học sinh ôn tập. Theo đó, giai đoạn 1 là: Học đâu chắc đó. Tức là, hướng dẫn học sinh những kiến thức đã học và học bài nào, chắc bài đó. Giai đoạn 2, hướng dẫn học sinh ôn tập theo định hướng của đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT công bố. Giai đoạn 3 – “nước rút”, ngoài việc hệ thống hoá toàn bộ kiến thức trọng tâm, nhà trường sẽ rèn học sinh luyện tập theo các dạng đề tổng hợp; đồng thời tổ chức thi thử cho các em trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
Đến giai đoạn nước rút, tôi hướng dẫn học sinh luyện đề tổng hợp. Đồng thời, giúp học sinh tự thiết kế câu hỏi trắc nghiệm và đáp án để các nhóm khác trong lớp cùng thảo luận. Ngoài ra, tôi khai thác triệt để các phần mềm ứng dụng dạy – học để hỗ trợ học sinh trong quá trình ôn thi tốt nghiệp. Hình thức này, tôi đã áp dụng trong năm 2021 và đạt hiệu quả tích cực. - Cô Trần Thị Nga |
Theo Minh Phong/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/on-tap-mua-dich-da-dang-hinh-thuc-thoi-on-off-zORqo4P7R.html