Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do bộ trưởng, các thứ trưởng làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, từ ngày 9-2
Gần 100% học sinh THCS của 57 tỉnh, thành; 100% học sinh THPT của 63 tỉnh, thành trên cả nước đã chính thức trở lại trường học vào hôm qua, 8-2.
Học tập an toàn
Ngày 8-2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường học ở 30 quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội trở lại trường học trực tiếp sau thời gian học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19.
Từ 6 giờ sáng, tại cổng các trường học trên địa bàn thành phố đều có cán bộ, giáo viên, nhân viên trực để hướng dẫn học sinh di chuyển vào khu vực các lớp bảo đảm giãn cách. Các học sinh đều náo nức trong ngày đầu tiên trở lại trường.
Cùng với việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, ngay trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, các nhà trường đều khẩn trương ổn định nền nếp, nỗ lực tận dụng thời gian tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm hiệu quả. Theo thống kê của Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên), sáng 8-2, có 30 học sinh không đến trường học trực tiếp vì các lý do liên quan đến yếu tố dịch tễ. Để giúp các em không bị gián đoạn việc học, nhà trường đã lắp đặt thiết bị tại các phòng học để giáo viên dạy song song hai hình thức, bảo đảm để học sinh không đến trường vẫn được học trực tuyến cùng nội dung với các bạn đang học trực tiếp tại trường. Trong khi đó, tại Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên), có hơn 40 học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Nhà trường đã chuẩn bị 3 phòng học trực tuyến ở mỗi khối lớp để học sinh không thể đến trường được tập trung theo khối cùng học trực tuyến.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) hào hứng trong ngày đầu trở lại trường học (Ảnh: LOAN NGUYỄN)
Tới thăm và chúc Tết cán bộ, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết thành phố đã chuẩn bị chu đáo trong nhiều tháng qua để đón học sinh trở lại trường. Chủ tịch UBND TP Hà Nội kỳ vọng các học sinh có môi trường học tập an toàn trong trạng thái bình thường mới và cho biết sắp tới, thành phố tiếp tục có lộ trình tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ông Chu Ngọc Anh cũng cho hay học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã sẽ trở lại trường vào ngày 10-2 vì còn cần để thời gian cho các trường học chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án an toàn đón học sinh trở lại trường. Sau đó thành phố sẽ có lộ trình tiếp với 12 quận. "Thành phố sẽ có chỉ đạo để có lộ trình an toàn cho tất cả học sinh ở các lứa tuổi trên địa bàn thủ đô đi học trực tiếp" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Khảo sát, tháo gỡ khó khăn
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngày 8-2, đối với khối mầm non và tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2-2022, trong đó 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học học trực tiếp từ ngày 7 đến 14-2.
Ở khối THCS, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2-2022, trong đó có 57/63 tỉnh, thành phố đã cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8-2. Đối với khối THPT, 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 7-2. 100% cơ sở giáo dục ĐH đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14-2.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nói thêm ở thời điểm này, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát. Tỉ lệ tiêm vắc-xin cho người lớn và lứa tuổi 12 đến 18 cũng rất cao. Ngành y tế đã có thuốc điều trị và đã có kinh nghiệm thực tế trong phòng chống dịch cũng như gia tăng khả năng điều trị Covid-19. Ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn.
"Trong điều kiện đó, việc đưa học sinh trở lại trường lúc này là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến ĐH. Đây không phải chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định.
Cũng theo bà Ngô Thị Minh, để đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, ngày 9-2, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do bộ trưởng, các thứ trưởng làm trưởng đoàn để khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến ĐH. Đoàn kiểm tra sẽ cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các sở, ngành liên quan và đại diện các cơ sở giáo dục; trực tiếp kiểm tra tại cơ sở giáo dục, qua đó nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là nhanh chóng mở cửa trường học an toàn ở tất cả các địa phương, bậc học.
Mở cửa trường là ưu tiên hàng đầu
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, mở cửa trường học và giữ cho trường học luôn mở cửa là ưu tiên hàng đầu vì ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng đối với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, rủi ro về sức khỏe đối với trẻ em và nhân viên giáo dục có thể được giảm thiểu. Mở cửa trường học trở lại là biện pháp tốt nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để bắt đầu khắc phục tình trạng gián đoạn việc dạy - học. Khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên cho thấy việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.
Theo Yến Anh/ NLĐ
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tai-thiet-giao-duc-sau-dich-benh-20220208210630482.htm