Sáng nay (19/11), tại Hà Nội, khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm để tới đây Đại hội lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị và tổ chức thật tốt.
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương về những ý nghĩa quan trọng xung quanh hội nghị này.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Theo ông Nguyễn Đức Hà, việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc với số lượng khoảng 500 đại biểu, không chỉ để tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 mà chính là rút ra bài học kinh nghiệm để tới đây chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ông Hà nhấn mạnh rằng, từ trước tới nay, chưa có kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp nào mà Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Tổng Bí thư tập trung chỉ đạo cao độ như lần này. Sau 6 ngày khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp thì ngày 6/6/2019, Tổng Bí thư đã có bài viết chỉ đạo quan trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020 và Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (5/2020) bàn về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết chỉ đạo quan trọng thứ hai: “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.
Gần đây, tại Hội nghị Trung ương 13, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lại có bài viết thứ ba: “Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới”.
Ông Nguyễn Đức Hà phân tích, ít có kỳ Đại hội đại biểu các cấp lần nào mà Tổng Bí thư có ba bài phát biểu, ba bài viết chỉ đạo một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội như lần này. Chưa có kỳ đại hội nào, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 12 đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình ở tất cả 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương để phát hiện những vấn đề cần uốn nắn, để xem xét những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, để chỉ đạo, ổn định tình hình, để chuẩn bị cho tốt. Và cũng chưa có kỳ đại hội đảng các cấp nào mà tập thể Bộ Chính trị phân công cụ thể, nghe, cho ý kiến chỉ đạo về văn kiện, về nhân sự của 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương, trong đó một số Đảng bộ trực thuộc Trung ương được tập thể Bộ Chính trị do Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì.
“Trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19 và tình hình mưa lũ của miền Trung, tác động lớn, để lại hậu quả rất nặng nề, chúng ta vẫn tổ chức tốt, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây là sự quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, cũng đồng thời là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Đại hội đại biểu các cấp lần này ở cấp huyện, cấp tỉnh đều tổ chức thành công sớm hơn quy định. Đến ngày 30/6 là hạn tổ chức ở cấp cơ sở, chúng ta đã có 99,8% Đại hội cơ sở tổ chức xong. Đến 30/8 theo Chỉ thị của Bộ Chính trị là thời điểm cuối của Đại hội cấp trên trực tiếp cơ sở, chúng ta cũng có 98,8% Đảng bộ đã tổ chức, số còn lại là do ảnh hưởng của COVID-19 và bão lũ. Hạn đến 31/10, nhưng ngày 29/10, có 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành xong Đại hội.
Ít có kỳ Đại hội nào, Thường trực Ban Bí thư ban hành 6 công điện về vấn đề Đại hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 công điện, 21 chỉ thị để vừa thực hiện “nhiệm vụ kép”, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh kinh tế, vừa tích cực phòng chống bão lũ cũng như phòng chống dịch.
Đại hội lần này có nhiều nội dung mới, đều được triển khai thực hiện rất khẩn trương, rất nghiêm túc, vượt yêu cầu đề ra. Ví dụ, Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu tăng tỉ lệ nữ, không dưới 15%, kết quả bầu cử ở cả 3 cấp đều vượt yêu cầu (ở cấp cơ sở là 21%, cấp huyện là 17%, cấp tỉnh là 16%). Với Bí thư cấp tỉnh, nhiệm kỳ trước là 3 đồng chí, nhiệm kỳ này là 9 đồng chí nữ. Ở nhiệm kỳ trước, Bí thư Tỉnh ủy là người dân tộc chỉ có 5 đồng chí, lần này là 6.
Chỉ thị lần này yêu cầu tăng cường Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Kết quả, trong các đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy có 27 đồng chí không phải là người địa phương, 464 đồng chí Bí thư Huyện ủy không phải người địa phương. Như vậy, đối với cấp tỉnh là 43%, cấp huyện là 65%.
Yêu cầu lần này là giảm bớt số lượng cấp ủy viên khoảng 5% vì chúng ta sắp xếp lại tổ chức biên chế gọn hơn. Chúng ta đã thực hiện rất quyết liệt và cuối cùng cấp tỉnh giảm được 6,2%, cấp huyện giảm được 11,5%. Mặc dù, Chỉ thị của Bộ Chính trị không yêu cầu giảm ở cấp cơ sở, nhưng trong thực tế, cấp cơ sở lại giảm đến 12,5%. “Chỉ riêng giảm số tiền phụ cấp cấp ủy viên một năm đã giảm được gần 300 tỷ đồng, cho thấy hiệu quả rất lớn, quyết tâm rất lớn”, ông Nguyễn Đức Hà đưa ra nhận định.
“Có thể nói, Đại hội Đảng bộ các cấp lần này có rất nhiều vấn đề mới và đều được triển khai thực hiện nghiêm túc với kết quả rất cao, thậm chí vượt yêu cầu đề ra. Để chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, tới đây tổ chức thật tốt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Hà mong đợi.
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Khai-mac-Hoi-nghi-can-bo-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-to-chuc-DH-Dang-bo-cac-cap/414481.vgp