19
/
88915
Vĩnh biệt nhạc sỹ Phong Nhã, người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc
vinh-biet-nhac-sy-phong-nha-nguoi-viet-bien-nien-su-doi-bang-am-nhac
news

Vĩnh biệt nhạc sỹ Phong Nhã, người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc

Chủ nhật, 29/03/2020 | 14:01:03
614 lượt xem

Điều khiến nhạc sỹ Phong Nhã thấy hạnh phúc nhất chính là những sáng tác của ông dù đã ra đời hơn nửa thế kỷ vẫn được các em thiếu nhi hát vang trong mỗi gia đình, từ thế hệ cha mẹ tới con cái.

Nhạc sỹ Phong Nhã - Người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc

Nhạc sỹ Phong Nhã, "Nhạc sỹ của tuổi thơ," “Người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc,” đã ra đi vào lúc 4 giờ 8 phút sáng 28/3/2020, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới văn nghệ sỹ cũng như đông đảo những người yêu thích các ca khúc bất hủ của ông.

Hẳn là lúc này, trong ký ức của nhiều người lại ùa về những ngày Hè tuổi thơ ngập tràn niềm vui, là những ngày sinh hoạt Hè hăng say luyện tập nghi thức đội, cùng nhau hát vang “Cùng nhau ta đi lên," rồi cả những ca khúc nhắc đến ai cũng có thể hát được: “Nhanh bước nhanh nhi đồng," “Đi ta đi lên," “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng..."

Nhạc sỹ của tuổi thơ - Người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc

Nhạc sỹ Phong Nhã, tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 4/4/1924, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sỹ Phong Nhã đã sáng tác được trên 250 ca khúc, hầu hết các sáng tác của ông đều thể hiện sâu sắc tinh thần của thế hệ thiếu nhi Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, nổi bật là những ca khúc như “Nhanh bước nhanh nhi đồng," "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng," “Kim Đồng," hay “Anh còn sống mãi," “Cùng nhau ta đi lên," “Bác sống đời đời," “Hành khúc Đội," “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh."..

Điều khiến nhạc sỹ Phong Nhã thấy hạnh phúc hơn tất cả chính là những sáng tác của ông dù đã ra đời hơn nửa thế kỷ vẫn được các em thiếu nhi hát vang trong mỗi gia đình, từ thế hệ cha mẹ, rồi tới con cái. 

Nhạc sỹ Phong Nhã từng tâm sự rằng: "Tôi không nghĩ mình có tài năng gì đặc biệt cả mà có lẽ vì cuộc đời tôi đều được làm những công việc gắn bó với các cháu thiếu nhi nên hiểu được tâm tư, tình cảm của các cháu. Từ xuất phát điểm là anh phụ trách đội, luôn vui như trẻ em, hồn nhiên như trẻ em, cùng làm, cùng học với các em thì mới thu hút các em vào phong trào được nên tôi có nhiều cảm hứng khi viết về thiếu nhi cũng là điều dễ hiểu."

Như bao thanh niên yêu nước khác, nhạc sỹ Phong Nhã đi theo cách mạng từ rất sớm. Năm 1944, chàng thanh niên Phong Nhã đã về quê cha ở xã Hoàng Động (Duy Tiên, Hà Nam) và được giao nhiệm vụ xây dựng phong trào thiếu nhi. 

Chàng trai trẻ tuổi đầy nhiệt huyết đã dạy thiếu nhi nhiều bài hát và lập ra đội thiếu nhi làng Ngọc Động quê mình. 

Nỗi băn khoăn của anh phụ trách là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước đã giúp ca khúc đầu tay “Nhanh bước nhanh nhi đồng” nhanh chóng ra đời. 

Các em nhỏ trong vùng nhanh chóng được học và hát vang đầy hào hứng: “Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng...."

Chỉ ít lâu sau, bài hát thứ hai “Kim Đồng” ra đời và cũng nổi tiếng ngay lập tức. Bài hát được sáng tác trong những ngày nhạc sỹ hoạt động trong Đội nhạc miền Bắc của trường Mạc Đĩnh Chi.

Sau này, những bài hát khác của nhạc sỹ như: “Lê Văn Tám," “Anh còn sống mãi," “Đội ta lớn lên cùng đất nước," “Em yêu Đội nhi đồng," “Bác sống đời đời," “Hành khúc Đội," “Đi ta đi lên," “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh," “Bài ca sum họp," “Đội em làm kế hoạch nhỏ..." đều thể hiện sức trẻ, sự vui tươi, niềm say mê lý tưởng cao đẹp của thiếu nhi Việt Nam.

Những ca khúc thiếu nhi của nhạc sỹ Phong Nhã hết sức gần gũi, giàu hình tượng; giai điệu không phức tạp, cầu kỳ mà vẫn vẫn thể hiện được sự hào hùng, trang nghiêm, thôi thúc thiếu nhi nỗ lực trong học tập cũng như noi gương các anh hùng thiếu niên dũng cảm, ghi nhớ công ơn của Bác Hồ kính yêu để thực hiện tốt những nhiệm vụ của công dân nhỏ tuổi. 

Bằng những cảm xúc, tình cảm dạt dào, chân thành đầy ngẫu hứng của mình, nhạc sỹ đã cho ra đời những ca khúc đậm chất chính trị với giai điệu giản dị, hào hùng mà lời ca lại giàu chất thơ, khiến sáng tác của ông mãi có sức sống mãnh liệt trong lòng người yêu nhạc.

Trong số hơn 250 ca khúc cho thiếu nhi, có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục.

Bốn ca khúc của ông, gồm: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng," “Hành khúc Đội," “Kim Đồng” và “Đội ta lớn lên cùng đất nước," đã được bình chọn vào danh sách "50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20."

Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đến nay vẫn hát vang những giai điệu của "Nhanh bước nhanh nhi đồng," "Cùng nhau ta đi lên," “Đội ta lớn lên cùng đất nước," "Hành khúc đội..."

Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đều cho rằng, điểm nổi bật trong ca khúc thiếu nhi của nhạc sỹ Phong Nhã là luôn gắn liền với sự kiện phong trào thiếu nhi. 

Qua những ca khúc của ông, chúng ta thấy lịch sử Đội thiếu niên tiền phong vang lên với những âm thanh tha thiết, trong sáng và hào hùng của lớp tuổi thơ trong suốt nửa thế kỷ qua. 

Có người đã ví nhạc sỹ Phong Nhã là người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc.

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”

"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" là ca khúc thứ 3 trong sự nghiệp sáng tác về thiếu nhi của "anh phụ trách đội" Phong Nhã. 

Năm 1999, ca khúc được bầu chọn là bài hát hay nhất về Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những bài hát có số phiếu cao nhất trong cuộc bình chọn "50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20" do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức năm 2000… 

Và có lẽ, bài hát đã khơi nguồn một dòng chảy mãnh liệt, một nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn trong tâm hồn người nhạc sỹ tài năng.

Nhạc sỹ Phong Nhã từng chia sẻ rằng, ông sáng tác bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” để bày tỏ lòng kính yêu tới vị “Cha già của dân tộc."

Ngày ấy, ông không phải là nhạc sỹ chuyên nghiệp mà chỉ là anh quản ca kiêm phụ trách nghi thức đội. Vì thế, Phong Nhã được giao nhiệm vụ dắt các em thiếu nhi tham gia cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình và nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhạc sỹ Phong Nhã nhớ như in hình ảnh Bác nhoài người vẫy các em thiếu nhi bằng cả hai tay trong ngày lịch sử 2/9/1945 khiến ai nấy rưng rưng xúc động… Và bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” đã ra đời vào những ngày cuối năm 1945, trở thành biểu tượng chung cho lòng yêu kính Bác Hồ của thiếu nhi Việt Nam.

Ngay đầu năm 1946, bài hát được giải Nhất trong cuộc thi do Ban Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức.

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một MV ca nhạc (Music video) đặc biệt "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" đã được thực hiện với sự tham gia của 1.250 em thiếu nhi và 50 nghệ sỹ khắp cả nước. 

Điều đặc biệt hơn cả là trong sản phẩm âm nhạc mà Hội đồng Đội Trung ương phát hành đã có sự góp mặt của nhạc sỹ Phong Nhã, tác giả của ca khúc nổi tiếng này và hàng trăm bài hát thiếu nhi khác.

Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng nhạc sỹ Phong Nhã vẫn tham gia đệm đàn và hát vang cùng các em thiếu nhi biểu diễn. 

MV ca nhạc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" ra đời không chỉ kỷ niệm những sự kiện thiêng liêng của đất nước mà còn ghi dấu "tuổi đời" gần 70 năm của ca khúc này. 

Từ ngày ra đời tới nay, ca khúc vẫn có một sức sống mãnh liệt, trẻ trung trong tâm hồn các thế hệ thiếu nhi quả là một điều vô cùng đáng quý, đáng tự hào. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện là nơi lưu giữ bút tích đầu tiên của bài hát này.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp giáo dục thanh-thiếu niên nói riêng, năm 2001, nhạc sỹ Phong Nhã đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho bộ ba ca khúc: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng," “Nhanh bước nhanh nhi đồng” và “Kim Đồng."

Ông cũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác, như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc... ./.

Theo Phương Nam (TTXVN/Vietnam+)

  • Từ khóa

Công bố 100 tư liệu và hình ảnh về đường Trường Sơn huyền thoại

100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn đã được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ...
16:12 - 26/04/2024
161 lượt xem

Hải Phòng một ngày kêu gọi được 22 tỉ đồng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

Chỉ trong ngày đầu tiên gặp mặt kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 22 tỉ đồng. Ngân sách...
15:20 - 26/04/2024
193 lượt xem

Thạch nhũ đẹp mê hồn bên trong hang động mới phát hiện tại Quảng Bình

Một hang động mới được phát hiện tại 'vương quốc hang động' Quảng Bình, với hệ thạch nhũ được đánh giá như những tấm thảm đẹp mê hồn.
15:43 - 26/04/2024
169 lượt xem

Bảo vật quốc gia: Hình tượng bảo vật trở thành biểu trưng của bảo tàng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lấy hình tượng vũ nữ Apsara Trà Kiệu trên phù điêu mới được công nhận là bảo vật quốc gia làm biểu trưng. Tuyệt tác điêu...
13:12 - 26/04/2024
240 lượt xem

Nghệ An sẽ có tượng Bác Hồ về thăm quê

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề 'Bác Hồ về thăm quê' sẽ được đặt tại sân vận động Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
10:13 - 26/04/2024
302 lượt xem