Hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố kế hoạch khai thác bay thương mại vào tháng 7/2020. Ngay sau đó, Công ty CP Hàng không Thiên Minh đề xuất thành lập hãng hàng không KiteAir. Cục Hàng không cũng đã thông qua đề án thành lập Vietravel Airlines.
Sau thương vụ liên doanh bất thành với hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia, hồi cuối tháng 6, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group - đã đứng ra thành lập CTCP Hàng không Thiên Minh. Theo giấy đăng ký kinh doanh, ông Trần Trọng Kiên là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Công ty Hàng không Thiên Minh.
Mới đây, Công ty CP Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở KH-ĐT Quảng Nam đề xuất thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Thiên Minh dự kiến lập hãng hàng không tại Cảng Hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.
Về quy mô dự án, Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương). Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72.
Hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, ngoài các hãng đang khai thác thì mới đây có thêm một số hãng mới ra đời
Một đại gia về du lịch khác là ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel - cũng ấp ủ kế hoạch thành lập hãng hàng không của riêng mình từ lâu, với lựa chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ. Sau khi hoàn tất nhiều thủ tục “dài hơi”, Vietravel mới đây đã nhận được cái “gật đầu” từ Cục Hàng không Việt Nam.
Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thẩm định xong dự án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel. Cục Hàng không đánh giá định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter) như Vietravel Airlines là hình thức khá mới lạ tại Việt Nam.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Vietravel Airlines trong bối cảnh nhu cầu nguồn lực của ngành hàng không tăng cao, Vietravel - chủ sở hữu của Vietravel Airlines đã mua lại cổ phần Trường cao đẳng quốc tế KENT để tập trung đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không.
Vietravel Airlines cũng đã làm việc với các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực hàng không quốc tế như Brookfiel Aviation, Sigma Aviation Services… để cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, đặc biệt là phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay… cho Vietravel Airlines.
Cần phải nói thêm rằng, cách đây khoảng 10 năm, Indochina Airlines, Trãi Thiên, Blue Sky, Air Mekong... cũng lần lượt ra đời. Ông chủ của các hãng hàng không này đều là những đại gia, cá biệt có cả người nhạc sỹ tài hoa Hà Dũng - tất cả họ đều thể hiện niềm đam mê kinh doanh hàng không và tham vọng chiếm lĩnh thị phần.
Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 năm rầm rộ tuyên bố thành lập, các hãng nói trên lại “đua nhau” phá sản và “mất hút” khỏi thị trường, thậm chí có hãng “ra đi” mà chưa một lần cất cánh. Cho đến thời điểm này, ông chủ của các hãng bay một thời dường như vẫn chưa thể “tìm lại giấc mơ”!
10 năm sau, nhiều cái tên mới được “xướng tên” trong danh sách “lấn sân” sang lĩnh vực hàng không. Những tham vọng của các đại gia vẫn tràn trề, thị trường đang tiếp đà tăng trưởng nóng, cạnh tranh giữa các hãng còn khốc liệt, nhưng hi vọng cuộc “chạy đua” kinh doanh hàng không sẽ nối dài và khác 10 năm trước...
Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không đang kinh doanh, khai thác thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet, Hải Âu và Bamboo Airways.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí