240
/
70310
Những người quyết hy sinh cho Tổ quốc
ky-niem-40-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-17-2-1979-17-2-2019-nhung-nguoi-quyet-hy-sinh-cho-to-quoc
news

KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17.2.1979 - 17.2.2019): Những người quyết hy sinh cho Tổ quốc

Thứ 5, 14/02/2019 | 12:12:54
466 lượt xem

Chiến trường Vị Xuyên tháng 2 năm 1979 và cả những năm tháng trong gần 10 năm sau đó, có những người lính đã hy sinh, có những thương binh, cựu binh, những người lính can trường, quả cảm từ chiến trường Vị Xuyên không bao giờ bị quên lãng…

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP và ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, sáng mồng 2 Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: P.V

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP và ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, sáng mồng 2 Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: P.V

Chuyện tình của hai liệt sĩ

Chuyện tình của liệt sỹ Bùi Văn Lượng - chiến sĩ biên phòng đồn Pò Hèn và nữ liệt sĩ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm - những người cùng nhiều đồng đội khác đã ngã xuống trong trận đánh chống quân xâm lược Trung Quốc vào sáng 17.2.1979 - sẽ còn mãi được ngợi ca về một tình yêu đẹp, sự can trường, lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tháng 8.2017, 38 năm sau trận đánh Pò Hèn, hai gia đình của hai liệt sĩ mới gặp lại nhau và cùng đồng đội cũ tổ chức lễ cưới đặc biệt cho hai người.

Nhà ông Bùi Văn Huy - anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng trong một ngõ nhỏ, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Từ tháng 8.2017, trên bàn thờ liệt sĩ Lượng có thêm ảnh của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Tại nhà ông Hoàng Văn Lợi - em trai của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm - ở Bình Ngọc, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cũng từ thời điểm đó, trên bàn thờ nữ anh hùng có thêm ảnh của liệt sĩ Lượng.

Ông Huy kể, em trai ông và nữ mậu dịch viên Chiêm yêu nhau từ lâu và đã có hẹn ước nên vợ thành chồng. Ngày đó, cả gia đình ông vẫn ở huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), còn cô Chiêm ở Móng Cái. Dịp Tết Nguyên đán 1979 - trước trận đánh ngày 17.2, chiến sĩ Lượng dẫn cô Chiêm về quê ăn Tết, nói với gia đình ra Giêng sẽ ra gia đình người yêu ở Móng Cái xin cưới.

Nhưng, đám cưới không đến, lời ước hẹn của đôi trai gái không thành hiện thực, cả hai đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ác liệt, không cân sức để bảo vệ Tổ quốc.

Khi ấy, cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm được lệnh lên cửa hàng cũ ở Pò Hèn dọn dẹp một số hàng rồi rút về tuyến sau, tiện dịp cô ghé thăm người yêu. Cô đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng anh Lượng và đồng đội của người yêu, rồi hy sinh tại trận địa khốc liệt sáng 17.2.1979.

Năm ấy, nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm 25 tuổi, còn chiến sĩ biên phòng Bùi Văn Lượng 26 tuổi.

Đám cưới cho người đã khuất

Ngày 6.8.2017, có một đám cưới đặc biệt diễn ra tại Quảng Ninh, với hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái. Đó là đám cưới của hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội hai liệt sĩ…, trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên. Chỉ có điều, khác biệt là hai họ đón dâu, rể là đón nhận 2 tấm ảnh chân dung của hai liệt sĩ.

“Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình” - cựu binh Nguyễn Đức Tuấn - người trực tiếp sát cánh cùng cô dâu, chú rể trong trận đánh sáng 17.2.1979 tại Pò Hèn - kể.

Ông Bùi Văn Huy bảo, kể từ khi hai người hy sinh cho đến giờ, mỗi lần thắp hương cho em trai vào các dịp giỗ, Tết, lễ, gia đình vẫn nhắc tên cô Chiêm, bởi gia đình ông Huy vẫn coi cô Chiêm như một thành viên trong gia đình dù hai bên chưa nói chuyện trầu cau.

“Nếu không có chiến tranh thì đã có đám cưới rồi” - ông Huy ngậm ngùi.

Ông Tuấn tâm sự, “Khi chúng tôi đặt vấn đề làm lễ cưới cho hai liệt sĩ, cả hai gia đình đều tán thành, để linh hồn hai liệt sĩ về ở mãi bên nhau”.

Lễ cưới đó cũng đánh dấu lần đầu tiên hai gia đình gặp lại nhau sau 38 năm kể từ trận đánh sinh tử 17.2.1979 tại Pò Hèn. Từ đây, họ chính thức trở thành thông gia của nhau…

Người bảo vệ già - cựu binh chiến trường Vị Xuyên

Tại cơ quan LĐLĐ tỉnh Hà Giang, ít ai biết người bảo vệ già gắn bó với cơ quan này 20 năm qua là một người lính từng chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên năm xưa.

Người bảo vệ già ấy là Hoàng Văn Long (SN 1956), vào quân ngũ đầu năm 1978 khi đang là công nhân. Trải qua thời gian huấn luyện tại tỉnh Hải Hưng (cũ), ông đóng quân tại tỉnh Lào Cai. Từ năm 1984 đến 1988, ông thuộc biên chế của Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 356, trực tiếp chiến đấu tại xã Thanh Thủy, Minh Tân (huyện Vị Xuyên).

Quãng thời gian này đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong tâm trí người cựu binh. Nhiều lần ông hứng chịu mưa pháo của địch, mang trên mình nhiều vết thương. Ông Long bảo, may mắn lắm ông mới sống sót trở về...

Dù đây là quãng thời gian chiến đấu vất vả, hy sinh, lằn ranh giữa sống/ chết quá mong manh, nhưng đây cũng là thời gian ông tìm được hạnh phúc của đời mình. Tranh thủ thời gian nghỉ, ông lập gia đình. Vợ ông làm giáo viên. Ông bà sinh hạ được 2 người con, hiện giờ đều đã trưởng thành.

Năm 1989, ông rời quân ngũ, rồi từ đó đi làm nghề xây dựng. Thu nhập từ nghề cùng với đồng lương giáo viên của vợ đã giúp gia đình với 2 người con vượt qua khó khăn.

Đến năm 1999, ông trở thành bảo vệ của LĐLĐ tỉnh. Từ đó đến nay, đã 20 năm. Hàng ngày, ông có thể về nhà để làm các việc vặt của gia đình, trông các cháu; còn ban đêm, ông ra cơ quan làm việc. Với mức thương tật 42%, hiện ông đang được hưởng chế độ thương binh (2 triệu đồng/tháng).

Năm nào ông Long và các đồng đội cùng chiến đấu với nhau năm xưa cũng gặp nhau ít nhất 1 lần cùng ôn lại những kỷ niệm, hỏi han, giúp đỡ lẫu nhau, tưởng nhớ những người đã nằm xuống.

40 năm đã qua, ký ức những tháng năm về chiến trường Vị Xuyên mãi mãi khắc sâu trong tâm trí người bảo vệ già ấy.

Theo Nguyên Hùng - Quế Chi/Lao động

  • Từ khóa

Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ chìm thuyền làm 4 người mất tích ở Quảng Ninh

Sự cố chìm thuyền xảy ra trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, khiến 4 người mất tích. Thủ tướng chỉ đạo điều tra nguyên nhân sự cố này và xử...
19:01 - 25/04/2024
305 lượt xem

Khi cô giáo mầm non "đeo mặt nạ", hôn hít đón trẻ, khép cửa là... đánh

Không chỉ đến sự việc chủ nhóm lớp Tí Bo đánh, đè lên người trẻ nhét đồ ăn gây bức xúc, đã quá nhiều vụ việc có chung mẫu số cô giáo mầm non cười tươi khi...
16:40 - 25/04/2024
364 lượt xem

Hà Nội đề xuất trông giữ ô tô dưới gầm cầu cạn

Trước tình trạng số lượng ô tô gia tăng nhanh chóng, ngành giao thông Hà Nội kiến nghị tiếp tục cho phép thành phố sử dụng vỉa hè, lòng đường, gầm cầu cạn...
15:53 - 25/04/2024
358 lượt xem

89% hành khách dùng buýt điện là người đi làm

Xe buýt thông thường tỉ lệ người đi làm sử dụng chiếm khoảng 25-30%, riêng đối với buýt điện tỉ lệ người đi làm chiếm 89%, gấp 3 lần xe buýt thường.
15:36 - 25/04/2024
403 lượt xem

Tin nổi không: Sân bay Tân Sơn Nhất ước giảm hàng vạn khách dịp cao điểm lễ

Dù Chính phủ đã kéo dài thời gian nghỉ lễ 30.4 - 1.5 cho người dân tới 5 ngày, song giá vé máy bay quá cao cùng số lượng máy bay của các hãng giảm mạnh là...
15:07 - 25/04/2024
407 lượt xem